Xưa và nay

Miếu Đồng Cổ

Quỳnh Ngọc 12/10/2024 - 08:53

Miếu Đồng Cổ nằm trên một gò đất cao ở đầu làng Nguyên Xá xưa, nay thuộc phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Miếu là nơi thờ thần Đồng Cổ - một trong những vị thần quan trọng trong hệ thống điện thần của Thăng Long - Hà Nội.

Ngài là Đương Cảnh thành hoàng giám thệ vương Đồng Cổ Sơn thần, tức vị thần Hộ dân bảo quốc. Vào năm 1908, đây là nơi Lương Văn Can - thủ lĩnh phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục chọn làm nơi giảng bài, giác ngộ tinh thần yêu nước cho binh lính và người dân.

mieu-dong-co.jpg

Từ xa xưa, Nguyên Xá là vùng có dân tụ cư lâu đời. Những năm 1970, tại đây đã phát hiện di tích Ngọa Long thuộc nền văn hóa Phùng Nguyên, có niên đại cách ngày nay khoảng 4.000 năm. Đến cuối năm 2007, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phối hợp với ngành Văn hóa Hà Nội khai quật di tích miếu Đồng Cổ và tìm thấy dấu tích của các tầng văn hóa, mộ táng giai đoạn Đông Sơn (2.500 - 2.000 năm trước Công nguyên). Đặc biệt là phế tích lò nung thời Lê Trung hưng thế kỷ XVII còn nguyên vẹn kiến trúc.

Miếu Đồng Cổ được xây dựng theo thế “quy xà” với gò cao ở giữa, quay hướng về phía Đông, xung quanh có nhiều cây muỗm cổ thụ. Sau tam quan, hai bên có tượng đôi voi quỳ bên bức bình phong đắp cuốn thư. Tiếp đến là hai chiếc cầu cong nhỏ bắc qua ao sen dẫn vào một sân gạch rộng.

Trước đây miếu Đồng Cổ có kết cấu kiểu “Nội công ngoại quốc”. Trải qua nhiều thế kỷ và nhiều lần trùng tu, tôn tạo, tổng thể mặt bằng kiến trúc miếu ngày nay mang hình chữ “Quốc” với 5 gian tiền tế, cung thượng, 2 dãy nhả tả mạc - hữu mạc song song.

Bên trong tiền tế, các cấu kiện được trang trí nhiều mảng hoa văn, họa tiết tinh xảo mang phong cách kiến trúc thời Lê. Tòa cung thượng (hậu cung) hình vuông, xây kiểu mái chồng diêm 2 tầng 8 mái với những đầu đao uốn cong đắp nổi hình rồng. Hậu cung kết nối với tòa tiền tế tạo thành hình chữ “Đinh”.

Vị thần Đồng Cổ đã được các đời vua Lý, Trần, Lê, Nguyễn ghi nhận công lao qua hơn 40 đạo sắc phong, nhưng nay một số chỉ còn được ghi lại trong ngọc phả cùng 13 đạo sắc còn được lưu giữ, trong đó đạo sắc cổ nhất là năm Cảnh Thịnh thứ 9 (1801), đạo sắc có niên đại muộn nhất là năm Duy Tân thứ 3 (1909). Ngoài ra, tại đây còn lưu giữ nhiều di vật quý như một số bát sứ chân cao hiệu Thanh Hòa (thế kỷ XV), 4 đôi lọ lục bình đời Khang Hy (thế kỷ XVIII), các đồ sứ men trang trí thế kỷ XVIII - XIX...

Miếu Đồng Cổ đã được xếp hạng Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 1989. Năm 2016, 14 cây muỗm cổ thụ nằm trong khuôn viên cụm di tích miếu Đồng Cổ - chùa Thanh Lâm được công nhận là Cây di sản Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Miếu Đồng Cổ