Xưa và nay

Đình Giàn

Thủy Hương 12/08/2023 09:53

Đình Giàn, tên Nôm là đình Cáo Đỉnh, nằm trên địa bàn phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) là một trong nhiều di tích ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ cùng thờ Thái úy Lý Phục Man (? - 548) - một vị tướng tài giỏi dưới thời vua Lý Nam Đế, người có công dẹp giặc Lương vào thế kỷ VI.

dinh-gian-t6.jpg

Đình Giàn được khởi dựng cách đây nhiều thế kỷ, ban đầu chỉ là một ngôi miếu nhỏ, rồi được mở rộng quy mô thành đình. Theo các văn bia hiện còn trong khuôn viên, đình từng được trùng tu, tôn tạo lớn vào các năm: Gia Long thứ 16 (1817), Tự Đức thứ 30 (1877) và Thành Thái thứ 13 (1901).

Giai đoạn 1990 - 2000, đình được tu sửa, mở rộng một số hạng mục công trình nhưng vẫn tuân thủ nét kiến trúc và không gian truyền thống. Mặc dù nằm giữa khu dân cư đông đúc nhưng đình Giàn hiện vẫn giữ được khuôn viên rộng 4.000m2. Các bộ phận cấu thành di tích gồm: Ao, tam quan, sân, vườn và các công trình chính được bố cục theo kiểu chữ “Công”. Nhưng do có hệ thống tường bao kín khuôn viên nên nhìn từ bên ngoài, đình mang dáng dấp kiến trúc kiểu chữ “Đinh” - một kiểu kết cấu kiến trúc thường thấy của những đền cổ.

Tam quan đình nằm sau ao hình chữ nhật, quay về hướng nam. Tiếp đến là sân rộng với hai cổ thụ che hai nhà tả - hữu mạc. Kế đó là tòa đại đình (hay tiền tế) gồm 5 gian 2 dĩ xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, mái lợp ngói ta, cửa mở kiểu bức bàn, 5 bộ vì được làm theo kiểu “thượng chồng rường giá chiêng hạ kẻ”.

Nền nhà đại đình được tôn cao 0,5m so với mặt sân, hai gian hồi xây cao 30cm làm chỗ ngồi cho các giáp khi có việc làng. Trung cung nối đại đình với cung cấm, là dãy nhà dọc 5 gian, rộng 3 gian. Gian trong cùng xây nhô cao 2 tầng với 4 đầu đao đắp hình rồng ở các góc mái, bờ nóc đắp hình chữ đinh, phần cổ diêm giữa mái thượng và mái hạ trổ những ô cửa nhỏ hình chữ nhật tựa như kiến trúc của một tòa phương đình. Hậu cung là nếp nhà ngang gồm 3 gian, có 3 bộ vì đỡ mái theo kiểu “kèo cầu quá giang”, ở giữa có khám thờ, long ngai, bài vị thờ thành hoàng Lý Phục Man đặt trên bệ cao, hai bên để trống.

Nét đặc sắc trong phong cách trang trí của đình Giàn là các mảng trang trí trên gỗ ở đầu kẻ, vì, cốn nách, kiệu bát cống, cửa võng, hương án... được chạm khắc hoa văn tinh xảo mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX. Ngoài ra, trong đình hiện còn lưu giữ 29 đạo sắc phong, 2 câu đối, 2 bức hoành phi, cửa võng, long đình, hương án, ngựa gỗ, chuông đồng, long ngai chạm rồng, tượng phỗng và 6 tấm bia đá... có niên đại trải dài từ thế kỷ XVII - XX.

Với những giá trị về mặt kiến trúc và lịch sử, đình Giàn đã được xếp hạng là Di tích kiến trúc, nghệ thuật năm 1990.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đình Giàn