Xưa và nay

Làng cổ Đông Ngạc: Nốt “lặng” giữa lòng đô thị

Bài và ảnh: Linh Tâm 08/09/2024 - 14:43

“Đất Kẻ Giàn, quan Kẻ Vẽ” là câu ngạn ngữ được lưu truyền để ca ngợi vùng đất "địa linh nhân kiệt" Đông Ngạc - Kẻ Vẽ xưa, nay là phường Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội).

Nơi đây hiện còn lưu giữ những dấu ấn điển hình của một ngôi làng cổ nông thôn Bắc Bộ, không chỉ được thể hiện qua những dấu tích vật chất mà còn cả những giá trị về văn hóa tinh thần. Vẻ đẹp thâm trầm, cổ kính của làng cổ Đông Ngạc với những giá trị truyền thống được lưu giữ khiến nơi đây được ví như một “nốt lặng” giữa lòng đô thị ồn ào, sôi động.

z5793404219009_330681e2d535.jpg
Di tích quốc gia đình Đông Ngạc (đình Vẽ).

Dấu xưa trong hiện tại

Nằm bên dòng sông Hồng hiền hòa, cách trung tâm Thủ đô khoảng 10km, làng cổ Đông Ngạc còn được biết đến với những tên gọi dân gian như làng Vẽ, Đống Ếch, Đống Ngách hay làng “Khoa bảng”, làng “Tiến sĩ”... Mỗi cái tên đều gợi nhớ về truyền thống hiếu học và bề dày văn hóa - lịch sử của một ngôi làng điển hình của Thăng Long - Hà Nội.

Đông Ngạc sở hữu hệ thống di tích phong phú, bao gồm 32 đình, đền, chùa, miếu, văn chỉ, di tích cách mạng kháng chiến, nhà thờ họ và 100 ngôi nhà cổ. Có thể kể tới các di tích nổi tiếng như đình Đông Ngạc (đình Vẽ), chùa Tư Khánh, nhà thờ cụ Đỗ Thế Giai, nhà thờ họ Phan, trường học Kiêm bị (nay là Trường Tiểu học Đông Ngạc B)...

Tiêu biểu trong số đó là đình Đông Ngạc đã được xếp hạng Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1993. Ngôi đình được khởi dựng năm 1635 này hiện là một trong số ít những di tích của Hà Nội còn bảo lưu nguyên vẹn cảnh quan kiến trúc và các di vật quý.

Một di tích quan trọng khác ở làng cổ Đông Ngạc là chùa Tư Khánh - ngôi cổ tự duy nhất ở Hà Nội được phong tặng danh hiệu “Toàn gia kháng chiến” trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954). Chùa Tư Khánh được xây dựng từ thời vua Lê Thần Tông (1653 - 1658), hiện còn lưu giữ nhiều di vật quý như quả chuông đồng nặng 750kg niên hiệu Gia Long 16 (1817) và 2 quả chuông nhỏ thời Nguyễn...

Đặc biệt phải kể tới hệ thống văn từ, văn chỉ, văn bia - nguồn sử liệu cho biết Đông Ngạc là một ngôi làng khoa bảng có nhiều người đỗ đạt nhất Thăng Long - Hà Nội, với 22 người đỗ Tiến sĩ qua các triều đại phong kiến, trong đó có 21 Tiến sĩ văn, 1 Tiến sĩ võ. Nhiều dòng họ trong làng đời nào cũng có người đỗ đại khoa như các dòng họ: Phan, Phạm, Đỗ, Nguyễn, Hoàng... Trong số đó, không ít người đã trở thành danh nhân, nhà yêu nước, chính khách của đất nước như Phan Phu Tiên, Đỗ Thế Giai, Phan Văn Trường, Hoàng Minh Giám, Phạm Gia Khiêm...

Mạch nguồn văn hóa truyền thống của Đông Ngạc còn được thể hiện rõ nét qua hệ thống di sản văn hóa phi vật thể phong phú ít nơi nào có được. Lễ hội truyền thống của làng mang đậm tính văn hóa dân tộc theo nghi thức cung đình với nghệ thuật hát cửa đình và tục thả thơ - một nét văn hóa đặc sắc của làng Vẽ văn hiến.

Đông Ngạc còn được biết đến với các món ăn nổi tiếng Thăng Long xưa như “giò Chèm, nem Vẽ”, bánh khoai phồng, bánh sấy... Ít người biết rằng, đây từng là ngôi làng có nhiều nghề truyền thống như nặn nồi đất, làm quang gánh, dệt vải. Cuối cùng, không thể không kể đến hệ thống hương ước, quy ước của làng xã, gia phả của các dòng họ được các thế hệ sau bảo lưu, gìn giữ đến ngày nay.

Tìm hướng để trở thành điểm du lịch hấp dẫn

Đến với làng cổ Đông Ngạc, du khách sẽ ấn tượng với khung cảnh cổ kính, trầm mặc của một ngôi làng cổ truyền thống Bắc Bộ. Dạo bước qua bất cứ con ngõ nào, du khách cũng có thể bắt gặp các di tích hay những ngôi nhà cổ nhuốm màu thời gian. Phảng phất trong không khí chung ấy là “hồn” văn hóa được thể hiện qua những phong tục tập quán lâu đời hay cách người dân chuyện trò, ứng xử. Tất cả những điều ấy đã tạo nên nguồn tài nguyên văn hóa - du lịch đặc sắc cho Đông Ngạc.

Với nguồn lực phong phú kể trên, nhiều doanh nghiệp lữ hành đồng ý kiến cho rằng, Đông Ngạc có nhiều cơ hội phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch gắn với các điểm di tích trong và ngoài làng như du lịch văn hóa gắn với lễ hội, phong tục tập quán của làng; du lịch tâm linh gắn với các đình, chùa, miếu, nhà thờ; du lịch sinh thái gắn với tuyến du lịch ven sông Hồng, kết nối các điểm du lịch cận vùng như Mê Linh, Đông Anh; du lịch làng nghề và văn hóa ẩm thực...

Để hiện thực hóa các loại hình và phát triển du lịch một cách bền vững ở Đông Ngạc, theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Hòa, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, trước hết, chính quyền địa phương và người dân cần đầu tư cho việc trùng tu, bảo vệ các di tích và hiện vật; gìn giữ, khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống mang tính đặc trưng; đào tạo đội ngũ thuyết minh viên ở các điểm du lịch tại làng...

“Để giữ chân du khách, cần xây dựng hệ thống nhà hàng, cơ sở lưu trú với những nét khác biệt, chẳng hạn như xây dựng các homestay gắn với các nông trại, tận dụng cảnh quan sinh thái ven sông Hồng để tạo điểm nhấn. Đặc biệt, cần khai thác di sản ẩm thực “giò Chèm, nem Vẽ”, bánh khoai phồng và đưa vào thực đơn phục vụ khách hoặc bán làm quà mang về. Việc khai thác, phát triển du lịch gắn với hệ thống di sản văn hóa không chỉ góp phần quảng bá hình ảnh của ngôi làng có bề dày lịch sử mà còn giúp người dân gia tăng thu nhập, cải thiện đời sống” - Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Hòa nói.

Chia sẻ về định hướng phát triển du lịch tại làng cổ Đông Ngạc, Chủ tịch UBND phường Đông Ngạc Nguyễn Văn Cường cho biết: Việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích làng cổ Đông Ngạc gắn với phát triển dịch vụ du lịch văn hóa khu vực Chèm - Vẽ đã được Đảng bộ huyện Từ Liêm (nay là quận Bắc Từ Liêm) xác định từ nhiệm kỳ 2010 - 2015. Cùng với đó, phường cũng triển khai xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, xây dựng điểm du lịch phường Đông Ngạc. Tuy nhiên, phường mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ phía thành phố và các Sở, ngành chức năng trong việc bổ sung điểm đến làng cổ Đông Ngạc vào quy hoạch du lịch chung của Hà Nội để có các giải pháp đồng bộ nhằm đưa ngôi làng cổ này sớm trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Làng cổ Đông Ngạc: Nốt “lặng” giữa lòng đô thị