Di sản

Trong miên man làng cổ

Nam Phong 17/07/2024 - 17:57

Xuôi dòng sông Nhuệ xuống phía Nam là làng Cựu - ngôi làng hàng trăm năm tuổi mang đậm nét hoài cổ nằm tách biệt với sự náo nhiệt ồn ào của một Hà Nội đang trên đà phát triển.

Ngoài nét đẹp kiến trúc mang hơi hướng pha trộn giữa Việt và Pháp, tại làng Cựu còn không ít câu chuyện về một thuở hưng thịnh của đất, của người. Đặc biệt, nơi làng Cựu vẫn còn những trái tim hoài cổ, mong muốn gìn giữ sự thuần khiết xưa cũ nơi đất lành.

z5625779984150_205e01db9d72f9c51992d8a5ee9d2888.jpg
Làng Cựu hiện vẫn mang những nét đẹp xưa cũ.

Rêu phong làng cổ

Tôi từng có dịp ghé đến nhiều ngôi làng cổ. Ngoài địa phận Hà Nội thì có làng cổ Thổ Hà (huyện Việt Yên, Bắc Giang), gần trung tâm Thủ đô hơn thì có làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), làng Yên Trường (huyện Chương Mỹ) và làng Cự Đà (huyện Thanh Oai)... Làng cổ mỗi nơi mỗi vẻ, nhưng nét đẹp hoài cổ từ những ngõ nhỏ lát gạch nghiêng, những đốm rêu nhỏ trên góc tường rào lại là thứ độc nhất vô nhị.

Một dịp tình cờ tìm về làng Cựu (huyện Phú Xuyên), đi trong những ngõ nhỏ rêu phong tôi thấy lòng mình như lắng lại. Làng Cựu mang nhiều nét kiến trúc phơn phớt kiểu Pháp như Cự Đà, tuy nhiên trên phần mái nhiều nhà có trang trí bức phù điêu Tam đa (Phúc - Lộc - Thọ), một nét kiến trúc đậm hơi hướng văn hóa Á Đông. Có lẽ, đây cũng là điểm khác biệt giữa kiến trúc của làng Cựu với làng Cự Đà. Đặc biệt, quần thể kiến trúc nhà ở nơi đây vẫn được dân làng bảo tồn tương đối nguyên vẹn, ít bị “bê tông hóa” hơn Cự Đà.

Trong ngôi quán nhỏ ngay trước đình làng, nơi có cây bồ đề hàng trăm năm tuổi tỏa bóng mát, bà Nguyễn Thị Nga (sinh năm 1957) xởi lởi rót nước mời khách lạ. Bà Nga kể, trước đây làng có tận 2 cổng lớn, tuy nhiên một cổng nơi đầu làng đã bị dỡ bỏ năm 1972. Chiếc cổng ấy được phá đi để xe chở lương thực có thể vào làng. Thật may, qua khói lửa chiến tranh hiện làng còn một cổng. Dù nằm mãi tận cuối làng nhưng chiếc cổng ấy vẫn có vị trí đặc biệt trong lòng người làng Cựu.

Với người làng Cựu, chiếc cổng tượng trưng cho một thời hoàng kim của ngôi làng. Cổng làng Cựu được xây dựng khá cầu kỳ theo lối “cuốn thư”, tựa như một cuốn sách khổng lồ đang mở ra đón khách. Ngoài sự bề thế, cổng làng còn có tầng, có mái, có bờ đao cong vút cùng đôi nghê được đắp nổi hướng mặt về phía làng. Dù cổng mang màu sắc nhạt mờ theo thời gian, dù đôi nghê sứt mẻ theo năm tháng nhưng những thiếu hụt thô ráp ấy dường như lại càng tôn bồi thêm nét đẹp cổ kính cho ngôi làng.

Người làng Cựu có biệt tài may vá khéo léo. Anh Nguyễn Văn Thắng - một người làng quả quyết với tôi, tài may vá, thêu thùa của cư dân làng Cựu khéo đến mức được người Pháp và giới tư sản cả nước tín nhiệm. Đặc biệt, từng có thời điểm, người ta nhắc đến làng Cựu bằng cái danh “làng Tây”. Dù là gọi nôm và cũng là cách ví von vui vẻ nhưng xét cho cùng đó là sự công nhận với làng Cựu.

Trò chuyện với những bậc cao niên ở làng Cựu mới thấy hành trình vượt khỏi lũy tre, khao khát làm giàu của người xưa lớn đến nhường nào. Xưa, ngoài trồng lúa, nuôi cá thì từ thời Pháp thuộc người làng Cựu bắt đầu thành danh, giàu có nhờ nghề may âu phục. Căn nguyên để nghề phát triển rực rỡ ở làng, cho đến nay có không ít “dị bản”. Nhiều người bảo do làng bị cháy, cũng có ý kiến nói do nạn đói nhưng xét cho cùng thì có lẽ chính cái nghèo đeo bám đã khiến những cư dân ngôi làng vốn thuần nông muốn vượt ra khỏi ranh giới ấy.

Nhờ nghề may mà không ít người trong làng giàu lên nhanh chóng. Người Pháp cũng như giới thượng lưu ở Hà Nội, Sài Gòn... đều về đây đặt các bộ đầm tân thời, âu phục nam. Thậm chí khi ấy, nghề buôn vải cũng được người làng Cựu chiếm lĩnh gần như toàn bộ thị trường may mặc ở Hà Nội, rồi mở rộng vào tận Sài Gòn - Chợ Lớn.

Nỗ lực gìn giữ vốn cổ

Tôi thả bước chậm rãi đi trong những con ngõ nhỏ của làng Cựu. Điểm thú vị là đường làng, ngõ xóm nơi đây được thiết kế hình bàn cờ nối tiếp và gắn mạch với nhau. Tận sâu trong những con ngõ là một màu đỏ cũ kỹ của những bức tường gạch, những phiến đá xanh được lát nghiêng đã mòn vẹt, in hằn sự thổn thức của thời gian.

Thấy tôi ngơ ngẩn ngắm con ngõ nhỏ, một cụ ông chừng 80 tuổi thủng thẳng bảo, xưa ở trong làng, vật liệu lát ngõ đại diện cho khả năng tài chính và sự đóng góp của người dân. Nếu như những nơi khác, để có gạch lát ngõ thì làng sẽ đề ra lệ tục “cưới treo”, nghĩa là người nơi khác hoặc ngay chính người làng mỗi khi cưới hỏi thì phải góp một chút gạch cho làng. Với người làng Cựu, do có điều kiện kinh tế nên không có lệ tục này. Thay vào đó, khi làm ngõ, người làng sẽ góp tiền. Ngõ nào người dân góp nhiều tiền thì sẽ lát đá, những ngõ nào dân góp ít thì lát gạch.

Trở lại câu chuyện về những nếp nhà cổ ở làng Cựu, ông Trần Quang Trung, Trưởng thôn bảo với tôi, làng hiện còn khoảng 30 ngôi nhà cổ được xây dựng từ những năm 1920 - 1945. Điểm đặc biệt ở những căn nhà trong làng là đều quay về phía Nam. Nhà chính và nhà phụ tách biệt, cửa nhà không mở trực tiếp ra đường.

Với ông Trần Quang Trung, khi tốc độ đô thị hóa nhanh, làng cổ dường như cũng hòa mình trong dòng chảy ồn ã. Đời sống người dân đi lên nhưng tiếc nuối nhất là vẻ đẹp kiến trúc đã tồn tại cả trăm năm trở nên mong manh trước bàn tay con người. Đã có những căn nhà cổ bị sang sửa hoặc đập bỏ để xây dựng mới.

Chẳng hạn, cách đây ít năm, làng có ngôi nhà của ông Trần Văn Thảo mang nhiều nét kiến trúc thuần Việt. Toàn bộ cột trụ và dầm trong nhà đều được làm từ gỗ lim, chạm trổ rất công phu. Mặc dù rất muốn giữ nguyên vẹn kiến trúc của ngôi nhà nhưng vì diện tích sử dụng không đáp ứng nhu cầu nên nhiều khu vực đã được gia chủ sửa sang lại. Cũng là để đáp ứng điều kiện sống tốt hơn, song việc sửa chữa này là mất mát lớn với những ai yêu nét hoài cổ.

Ngắm chiếc cổng làng Cựu phía xa xa, ông Trần Quang Trung thở dài và bảo với tôi rằng, trong khi các làng Đường Lâm, Cự Đà đã trở thành những điểm du lịch được yêu thích thì làng Cựu vẫn gần như đứng ngoài “cuộc chơi” thương mại lữ hành, chỉ những ai yêu thích kiến trúc cổ lắm mới tìm về với làng. Đây là điều đáng tiếc khi tiềm năng và giá trị của làng không được khai phá hết. Điều an ủi duy nhất là hiện nghề may âu phục vẫn được duy trì, phát triển. Lớp trẻ kế cận vẫn phát huy hiệu quả tinh túy nghề mà cha ông để lại.

“Ngày nay, nếu đến các “phố hàng” của Hà thành, nhìn vào biển hiệu may có chữ Phú và Phúc, như Phú Mỹ, Phú Hải, Phú Cường, Phúc Thành, Phúc Thịnh, Phúc Mỹ... thì đó rất có thể là người làng Cựu. Bởi từ xưa đến hiện tại, người làng vẫn quen giữ nếp xưa, tên cũ. Và những thứ này đã trở thành thương hiệu riêng có của những người dân làng Cựu khi bươn trải xa quê” - ông Trần Quang Trung chia sẻ.

Rời làng Cựu, nhìn lại những con đường lát đá xanh từng là biểu tượng cho sự giàu có của một ngôi làng nông thôn Bắc Bộ thời xưa, tôi chợt thoáng buồn. Tôi nhớ tới những viên đá xanh được chất ở một góc của đình làng. Nếu không có sự vào cuộc, gìn giữ kịp thời, rất có thể trong tương lai, người ta chỉ còn nhắc về làng Cựu, nhắc tới những nét xưa cũ trong sự tiếc nuối.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trong miên man làng cổ