Đình Ngọc Hà

Thủy Hương| 04/04/2023 21:45

(HNMCT) - Đình Ngọc Hà nằm trên địa phận làng Ngọc Hà cổ, nay ở ngõ 158 phố Ngọc Hà (phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội). Đình được xây dựng vào khoảng cuối thời Lê đầu thời Nguyễn, là nơi thờ Thành hoàng Huyền Thiên Hắc đế - người có công giúp vua Lý dẹp giặc Chiêm. Cuối năm 1946, đình bị phá hủy. Đến năm 1952, dân làng đã quyên góp và dựng lại đình.

Đình Ngọc Hà tọa lạc trên một khu đất rộng nằm ở chân dốc gần Công viên Bách Thảo. Xưa kia, nơi đây là một vùng hồ nước, muốn vào đình phải đi qua cầu. Ngày nay, trước đình vẫn còn một hồ nước dài chạy dọc theo ngõ 158 Ngọc Hà. Ngăn cách hồ và đình là một bức bình phong hình hổ cùng hai tượng voi đá trong tư thế quỳ, hai bên là hai cây cổ thụ. Nghi môn đình quay về phía nam, gồm 4 trụ biểu và 2 cổng phụ gồm hai tầng tám mái giả. Phía trong hai bên tả, hữu nghi môn là hai nhà giải vũ 3 gian, chính giữa là bậc thềm dẫn lên tòa tiền tế được xây trên nền cao, rộng ba gian hai chái, có kiến trúc kiểu “trùng thiềm điệp ốc” và “thượng rường, hạ kẻ”. Trên câu đầu ở tiền tế có dòng chữ: “Hoàng triều Thành Thái Thập niên” (1898) là năm trùng tu di tích dưới đời vua Thành Thái. Phần mái lợp ngói ta, bốn góc đao cong vút. Trên đầu nóc là hai con nghê chầu mặt trăng, một dạng kiến trúc đình phổ biến của thời Lê. Bên trong tiền tế là hệ thống hoành phi, câu đối, hương án được sơn son thếp vàng rực rỡ.

Sát tòa tiền tế là phương đình có kiến trúc kiểu chồng diêm gồm 3 tầng 12 mái. Tầng trên cùng và tầng dưới đều là các hình mây xoắn cách điệu, tầng giữa đắp rồng uốn khúc. Bốn góc phương đình là 4 cột đỡ trang trí hình rồng cuốn dài 2m, trong lòng nhà chạm khắc hình rồng chầu mặt trời, cuốn thư, bút gươm, sách... Chính giữa phương đình đặt cỗ kiệu bát cống chạm khắc hình rồng theo phong cách cuối Lê, đầu Nguyễn.

Hậu cung nối với phương đình qua hai bờ tường, phía ngoài là 2 trụ hình vuông, đỉnh trụ đắp nổi hình nghê, dưới trang trí bốn mặt hình sư tử, đầu rồng. Bờ tường đắp hình các tích “mãnh hổ hạ sơn” và “cá chép hóa rồng”. Mái đắp nổi hình các linh thú. Hậu cung gồm 3 gian, gian giữa đặt ngai thờ, bài vị và đồ tế khí. Trên tường hai gian bên đắp nổi đôi rồng chầu mặt nguyệt tô màu và gắn sành sứ theo phong cách mỹ thuật thế kỷ XIX. 

Trong đình Ngọc Hà hiện còn bảo lưu nhiều hiện vật có giá trị như kiệu bát cống, bộ bát bửu, trống đồng, sập gỗ cùng ngai thờ Thành hoàng và hương án được chạm khắc tinh xảo.

Với những giá trị độc đáo, đình Ngọc Hà được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1992.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đình Ngọc Hà