Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hoài Đức Nguyễn Thị Thanh chia sẻ, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và bảo vệ môi trường, các cấp hội nông dân của huyện đã tích cực vận động cán bộ, hội viên nông dân hưởng ứng bằng những việc làm thiết thực, gắn với thực hiện tốt các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Vì môi trường trong sạch, vì sức khỏe cộng đồng, nông dân Hà Nội chỉ sản xuất, tiêu dùng và bán ra thị trường các sản phẩm nông nghiệp an toàn”...
Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 94 mô hình nông dân bảo vệ môi trường nông thôn với 1.691 thành viên, ở 20/20 xã, thị trấn. Mỗi năm, toàn huyện có từ 7.000 đến 8.000 lượt hội viên nông dân ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, các hội viên nông dân huyện còn phối hợp với thành viên các tổ chức, đoàn thể làm đẹp 17km đê sông Đáy, qua địa bàn 9 xã của huyện.
Điển hình tại xã Đức Thượng, Hội Nông dân xã đã thành lập được 4 mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn. Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Thượng Ngô Văn Hải, hưởng ứng “Cuộc thi giữ gìn thôn, tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn” do huyện Hoài Đức phát động, 8/8 chi hội nông dân của xã đã vận động hội viên, nhân dân tham gia tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm hằng tuần; chăm sóc những chậu hoa, cây cảnh ven các tuyến đường, trong khuôn viên nhà văn hóa thôn; giữ sạch đẹp 5 đoạn đường Hội Nông dân tự quản...
Tương tự, tại xã Song Phương, các hội viên nông dân và nhân dân trên địa bàn xã tích cực tham gia dọn dẹp vệ sinh, duy trì sạch đẹp tuyến đường đê sông Đáy, đoạn qua địa bàn xã dài 1km. Nhân dân trong xã còn ủng hộ hơn 100 triệu đồng để mua cây, hoa trồng ven đê; mua sơn vẽ tranh phong cảnh làng quê, tranh cổ động và các khẩu hiệu xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh…
Chủ tịch Hội Nông dân xã Song Phương Lê Vĩnh Phiến cho hay, không chỉ giữ sạch đẹp khu dân cư, hội viên nông dân xã còn phối hợp với hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên xã tổ chức thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, phế phụ phẩm sau thu hoạch trên các khu đồng của xã. Mỗi tháng một lần, các hội, đoàn thể thu gom, phân loại được từ 50 đến 70 bao tải đựng rác, phế thải đồng ruộng, tập kết tại nơi quy định để đơn vị chức năng đưa đi xử lý. Hằng tuần, các hội viên nông dân xã cùng nhân dân tham gia tổng vệ sinh khu dân cư, phát quang cỏ, bụi rậm ven đường, dọn dẹp vệ sinh hồ điều hòa; thu gom, bỏ rác thải sinh hoạt đúng giờ, đúng nơi quy định... Những việc làm thiết thực đó đã giúp nhân dân địa phương được thụ hưởng môi trường sống sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn.
Thực hiện bảo đảm vệ sinh môi trường đồng ruộng, Hội Nông dân huyện và các hội cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân không sử dụng các loại thuốc hóa học không có trong danh mục, không sử dụng chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi và chỉ sản xuất, bán ra thị trường những sản phẩm nông nghiệp an toàn. Hiện tại, toàn huyện có 36ha sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao tại Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Lệ (xã Tiền Yên); 120ha sản xuất rau an toàn theo hệ thống PGS tại các xã Vân Côn, Song Phương; 54ha sản xuất bưởi, nho hạ đen an toàn và theo tiêu chuẩn VietGAP tại các xã Cát Quế, An Thượng…
"Thời gian tới, Hội sẽ chỉ đạo các hội cơ sở vận động, hướng dẫn nông dân sử dụng các chế phẩm sinh học, thảo dược trong sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp, nhằm bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đồng thời, xây dựng thêm nhiều mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường; tích cực tham gia thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, xây dựng xã thành phường, huyện thành quận”, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hoài Đức Nguyễn Thị Thanh cho biết thêm.