1. Sinh tại làng Bát Tràng, Hà Nội, nhưng tuổi thơ của Vũ Duy Nghĩa lại gắn bó với vùng mỏ Cẩm Phả (Quảng Ninh), nơi bố mẹ ông chọn là quê hương thứ hai. Từ nhỏ, ông đã thích đọc sách báo và cơ duyên với mỹ thuật cũng đến ngẫu nhiên khi ông biết đến họa sĩ Mạnh Quỳnh qua các trang sách. Ông mạnh dạn vẽ tranh gửi họa sĩ Mạnh Quỳnh như một cách xin học gián tiếp người họa sĩ mà ông hâm mộ. Họa sĩ Mạnh Quỳnh đã tận tình gửi lại những nhận xét công tâm và cả những lời động viên... Thư qua rồi thư lại, tình yêu hội họa trong ông lớn dần, ông quyết tâm lên Hà Nội trọ tại một căn gác nhỏ trên phố Hàng Bạc để “tầm sư học đạo”. Cũng từ đây, rất nhiều bức ký họa và tranh màu nước đã ra đời...
Năm 1955, họa sĩ Vũ Duy Nghĩa là một trong 76 học sinh được tuyển chọn vào học khóa 2 tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam), niên khóa 1955 - 1957. Dưới sự dẫn dắt của danh họa Nguyễn Tiến Chung, người thầy thân thiết với ông trong suốt 3 năm học, ông đã xuất sắc tốt nghiệp thủ khoa.
Sau khi tốt nghiệp, ông được cử sang Liên Xô học khoa Hoành tráng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Stroganov (Mátxcơva), một trong những trường nghệ thuật lâu đời nhất ở Nga trong lĩnh vực hoành tráng, mỹ thuật công nghiệp và trang trí. Sau 5 năm học tập ở đây, ông tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc. Bên cạnh đó, những năm tháng học tập tại Nga đã giúp ông một lần nữa tiếp cận hệ thống nghệ thuật hàn lâm một cách bài bản, nhờ vậy mà ông có nền tảng vững chắc cho các sáng tác đa dạng sau này. Nhớ về giai đoạn này, ông nói: “Tôi chịu ảnh hưởng trường phái ấn tượng theo phong cách Mỹ thuật Đông Dương mãi rồi. Tôi muốn vẽ khác đi, đa dạng và khúc chiết hơn”. Một loạt sáng tác đồ họa sau đó đã định hình phong cách cá nhân của ông như bộ tranh trổ giấy và tranh khắc gỗ, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Tu nghiệp về nước, ông về giảng dạy tại khoa Đồ họa, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp từ năm 1967 đến khi nghỉ hưu năm 1995.
2. Dù được đào tạo để làm những tác phẩm hoành tráng nhưng khi điều kiện chưa cho phép, họa sĩ Vũ Duy Nghĩa vẫn say sưa thực hiện những tác phẩm nhỏ, từ trổ giấy, vẽ bìa sách cho đến sơn mài...
Người xem tranh sơn mài Vũ Duy Nghĩa thấy ẩn sâu dưới lớp áo lộng lẫy, trong trẻo là một bố cục chặt chẽ, cô đọng. Từ tốn, kiên trì và trau chuốt, ông chọn lựa mài giũa từng nét, từng mảng, để mỗi chuyển động đều thấy nhịp điệu khoan nhặt trong đó với sự chuyển màu tinh tế. Có lẽ, những năm tháng tu nghiệp tại Nga đã rèn cho ông cách làm việc rất bài bản khi xây dựng tác phẩm, từ khâu tìm ý tưởng, chủ đề cho tranh, thu thập tư liệu, làm phác thảo, dựng bố cục, tìm hình đen trắng... đến các công đoạn kỳ công của sơn mài truyền thống. “Cái khó của quá trình dài đó chính là duy trì cảm xúc” - họa sĩ Vũ Duy Nghĩa từng chia sẻ như thế. Ngôn ngữ tạo hình của ông tinh tế mà vẫn mạnh mẽ, biểu cảm một cách lãng mạn, đầy chất thơ. Về những tác phẩm tiêu biểu của ông, có thể kể đến “Ngọn đèn chai” (Huy chương Vàng Triển lãm mỹ thuật toàn quốc 1990), “Mùa thu năm ấy”, “Trục lúa”, “Chợ quê”, “Tổ ba người”, “Cò và tre”, “Ngựa”...
Ngoài sơn mài, thế mạnh của Vũ Duy Nghĩa là mảng tranh đồ họa. Ông dành nhiều năm tháng lặng lẽ sáng tạo tranh trổ giấy, một chất liệu đòi hỏi kỹ năng tạo hình vừa trừu tượng vừa hiện thực, khả năng mường tượng đồng thời ánh sáng và bóng tối (vì chỉ sử dụng một màu đen duy nhất nhưng các mảng và nét vẫn phải kết nối liền mạch) với những nguyên tắc khắt khe, nghiêm ngặt. Ông rất thích mảng nghệ thuật khó này. Từ những nét trổ tỉ mỉ và khéo léo, ông tạo nên quang cảnh ấn tượng với những mảng đen lớn làm nổi bật bóng tối của trời, những gai nhọn của cây xương rồng, những nếp nhăn trên gương mặt cụ già... Con dao trổ như múa dưới tay ông trên mặt giấy đen, ông như một kiếm sĩ điêu luyện mà vô cùng tinh tế. Khi sáng tác, ông thả mình cùng con người, cảnh vật, cây cỏ, tạo nên những tác phẩm ấn tượng như “Thợ thổi thủy tinh”, “Đánh gậy”, “Cầu Long Biên”, “Cây xương cá”, “Gió trên cánh đồng”, “Hòn trống mái”, “Cơn giông”, “Bà bủ nghiền trầu”, “Trọi gà”, “Sới vật”, “Hội võ”, “Cảm tạ thầy lang”...
Từ tranh trổ giấy đến các tác phẩm đồ họa in ấn khác, Vũ Duy Nghĩa cho thấy mình là một nghệ sĩ luôn sung mãn với các sáng tác đa dạng. Dấu ấn của Chủ nghĩa Hiện thực Liên Xô (cũ) và châu Âu đậm nét trong các sáng tác của ông về công nhân nhà máy, nông dân nhưng với có bản sắc rất riêng của một họa sĩ Việt. Có thể kể đến một số tác phẩm tiêu biểu như “Nhà lá dưới chân núi”, “Buổi sáng Hạ Long”, “Giã từ dĩ vãng”, “Xẻ gỗ”, “Đi về phía mặt trời”, “Hoàng hôn”, “Trung du”, “Giấc mơ”, “Kéo lưới”, “Chợ quê”, “Vùng mỏ” (khắc gỗ), “Thuyền về bến”, “Xóm chài Huế”, “Làng ven sông”, “Thuyền đêm” (khắc kẽm)... Mảng minh họa sách báo cũng là một phần quan trọng trong sự nghiệp của ông. Những bìa sách cô đọng và khúc triết của họa sĩ Vũ Duy Nghĩa như “Khát vọng sống”, “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”, “Mùa tôm”, “Cuộc phiêu lưu của Nin Hơ-gớc-xơn”, “Tuổi thơ mãi mãi cùng ta”... đến nay vẫn là những bài mẫu kinh điển cho thể loại này.
3. Sẽ là thiếu sót rất lớn nếu không nhắc đến sự nghiệp giáo dục của Nhà giáo Ưu tú Vũ Duy Nghĩa. Ông được nhiều thế hệ học trò say mê vì những bài giảng sinh động, kiến thức phong phú, sâu rộng. Cách giảng bài của thầy Nghĩa truyền cảm và dễ hiểu, đặc biệt, thầy thường dùng các hình ảnh so sánh làm cho nội dung truyền đạt sinh động và hấp dẫn hơn. Trong vai trò là người định hướng, dẫn dắt, thầy vô cùng tâm huyết với các thế hệ học trò của mình: “Thầy không thể cầm tay các em đi trên chặng đường dài của cuộc đời làm nghệ thuật đầy thử thách khắc nghiệt mà chỉ có thể chỉ dẫn các em đi theo hướng nào dựa trên năng lực và cá tính của từng người”. Luôn kín tiếng và khiêm nhường nhưng đi đến đâu thầy Nghĩa cũng tạo được sức hút nhờ tư chất người nghệ sĩ, người thầy tận tâm. Thầy từng dạy các học trò của mình: “Tạo dựng được phong cách trong nghệ thuật là vô cùng khó. Mới đầu ai cũng có một thần tượng, một hình mẫu để noi theo nhưng thông minh thì đừng nên bắt chước đại bàng, cả làng đều biết. Cứ mạnh dạn học từ chim sẻ. Nhiều chim sẻ thành đại bàng khi nào không hay”.
Từ tuổi trung niên, thính lực của ông kém dần. Chạy đua với thời gian, ông càng vẽ nhiều. Ông liên tục sáng tạo nghệ thuật đến tận năm 80 tuổi, khi tay run, trí nhớ giảm sút, không thể cầm bút vẽ được nữa. Ngày 3-2-2022, ông thanh thản “Đi về phía mặt trời” sau khi đã sống trọn 88 năm của một người hết mình vì nghệ thuật tạo hình.
Từ ngày 9-3 đến ngày 16-3-2023, để tưởng niệm và tri ân những người yêu tranh của họa sĩ Vũ Duy Nghĩa, gia đình ông tổ chức triển lãm cá nhân tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, trưng bày hầu hết gia tài nghệ thuật mà ông để lại cho đời. Cả cuộc đời họa sĩ Vũ Duy Nghĩa âm thầm sống để vẽ, lầm lũi cày cuốc khai phá trên con đường nghệ thuật gai góc. Một phần cuộc đời và con người họa sĩ Vũ Duy Nghĩa được họa sĩ Lương Xuân Đoàn khắc họa như những bức tranh đồ họa của ông:
“Nét như cỏ mềm/ Ai giấu vào trong tóc/ Ai gọi nhàn cho ai/ Tâm bốn phương phẳng lặng/ Đường xa ước ngày dài.../ Nét không màu, đen trắng/ Mắt cười, ai giấu ai?”