Nghệ nhân nhân dân Mai Hạnh: Một lòng gìn giữ tinh hoa
Tôi khá bất ngờ khi gặp lại Nghệ nhân nhân dân (NNND) Mai Hạnh trong buổi workshop làm hoa lụa dành cho các bé gái nhân dịp 8-3 vừa qua.
Ở tuổi ngoài 70 mà nom bà vẫn tràn đầy năng lượng. Đặc biệt, niềm đam mê hoa lụa luôn hiện diện qua từng đường cắt tỉa tỉ mỉ, khéo léo và qua những câu chuyện dí dỏm, duyên dáng của một người phụ nữ Hà Nội tài hoa.

Người “canh giữ mùa xuân”
Nhắc đến NNND Mai Hạnh, người ta đã dành cho bà những danh xưng khá mỹ miều như “nữ hoàng hoa lụa Hà thành”, “người thổi hồn cho hoa lụa”, “bậc thầy nghề thủ công truyền thống”... Bàn tay tài hoa của bà đã khiến nghề làm hoa lụa truyền thống trở nên thăng hoa, có sức lan tỏa mạnh mẽ.
Tham gia một buổi học làm hoa với bà là không chỉ được chia sẻ bí quyết đơn giản để tạo ra những bông hoa xinh tươi, có hồn, mà còn được hòa vào câu chuyện về hành trình đến với nghệ thuật và nuôi dưỡng đam mê suốt 60 năm qua của người con gái Hà thành.
NNND Mai Hạnh sinh năm 1951 trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật - bà là con gái út của nghệ nhân Đông Dương Đoàn Thị Thái, người đã truyền cảm hứng và truyền nghề làm hoa lụa cho bà. Nghệ nhân Mai Hạnh kể, khi còn nhỏ bà rất nghịch và không nghĩ sau này sẽ nối nghiệp mẹ, nhưng sau một lần bị gãy chân phải ở nhà, bà đã được mẹ dạy cách làm hoa lụa, từ đó say mê lúc nào không hay.
Bà chia sẻ: “Từ nhỏ tôi đã được mẹ dạy cách cắt, tỉa, uốn từng cánh hoa. Những điều đó không chỉ là kỹ thuật mà còn là cách truyền tải tâm hồn của người làm hoa vào từng tác phẩm”. Bà cũng là người con duy nhất trong số 9 người con của nghệ nhân Đoàn Thị Thái kế nghiệp việc làm hoa của mẹ và bắt đầu làm nghề từ khi 14 tuổi.
Nhờ năng khiếu đặc biệt, các tác phẩm của bà nhanh chóng được công chúng đón nhận. Năm 1979, khi mới 28 tuổi, bà đã giành được Huy chương Vàng trong cuộc trưng bày hàng thủ công mỹ nghệ toàn quốc với tác phẩm hoa dâm bụt bằng lụa. Những loại hoa truyền thống của Việt Nam như hoa sen, thược dược... cũng là những loại hoa bà yêu thích và dày công sáng tạo.
Với bà, mỗi bông hoa là một tác phẩm nghệ thuật nên không được phép lặp lại. Khi ngắm hoa bà làm, người xem như được chiêm ngưỡng sản phẩm của tạo hóa, mỗi cánh hoa, đài hoa, nhụy hoa, lá hoa... đều có một dáng vẻ riêng dù cũng là sản phẩm từ bàn tay ấy, với những nguyên liệu ấy. Có những bông hoa, để đạt được màu sắc như thật, bà phải pha màu, vẽ tay lên từng cánh hoa. Chính vì vậy, nếu chỉ nhìn qua, thật khó nhận ra đó là những bông hoa lụa.
Nghệ nhân Mai Hạnh kể, có lần, một du khách còn lấy nước tưới cho chậu hoa bà làm vì nghĩ đó là... hoa thật. Nhiều tác phẩm hoa sen, hoa lay ơn... của bà đã được sưu tầm, trưng bày tại nhiều cơ quan văn hóa, ngoại giao và ở các bộ sưu tập tư nhân trong và ngoài nước.
Bà được phong tặng danh hiệu nghệ nhân từ khi mới 31 tuổi. Năm 2010, bà được phong Nghệ nhân Ưu tú và năm 2016, bà được trao tặng danh hiệu NNND - là nữ NNND trẻ nhất khi đó. Đối với bà, đây là vinh dự cao quý, là sự ghi nhận của Nhà nước đối với những cống hiến xuất sắc trong việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật làm hoa lụa. Nhiều sản phẩm của bà đã được tôn vinh qua các huy chương vàng, danh hiệu “Bàn tay vàng Đông Dương”, "Báu vật nhân văn sống châu Á"... cùng các giấy chứng nhận khác, cho thấy tài năng và sự sáng tạo độc đáo trong nghề.
Mong muốn lan tỏa nghề truyền thống
Được tham dự buổi workshop làm hoa lụa dành cho các bé gái tại Trung tâm Nghệ thuật Smoo Art (phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng) nhân dịp 8-3 vừa qua, mới thấy NNND Mai Hạnh vô cùng tâm huyết trong việc truyền thụ tình yêu và kỹ thuật làm hoa lụa, hoa giấy đến với lớp trẻ. Tình yêu hoa lụa của bà không chỉ thể hiện ở lời nói, ở những tác phẩm được xử lý khéo léo chỉn chu, mà còn ở thần thái, ở cách bà uốn và cắm hoa như múa, trân trọng từng cánh hoa.
“Nói về hoa lụa mình rất đam mê, đến giờ gần 80 tuổi nhưng nhìn bông hoa vẫn say đắm lắm cho nên mình vẫn tiếp tục làm hoa và vui nhất là được đến để dạy cho những bạn nhỏ như này”, bà vừa nói vừa chỉ bảo các bé cách gấp giấy, cắt từng cánh hoa để có thể tự tay làm những bó hoa giấy xinh xinh làm quà tặng dịp 8-3.
Bàn tay khéo léo, cắt hoa như múa, bà vừa làm vừa tươi cười hướng dẫn và kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về cuộc đời làm hoa của mình, cách để thổi hồn cho những bông hoa giả trở nên sinh động như hoa thật.
“Hoa phải có bông chưa nở, bông như sắp tàn, có lá non, lá già... có như vậy mới sinh động” - bà vừa nói vừa uốn những cành hoa sen để cắm lên bình. Mái tóc bạc trắng cắt ngắn điểm những sợi light khiến bà trẻ trung, hiện đại và đầy năng lượng. Nụ cười đôn hậu toát lên một vẻ đẹp rất Hà Nội của người phụ nữ phố cổ.
Bà đã từng được mời biểu diễn, giảng dạy và truyền đạt kinh nghiệm tại nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Singapore, Pháp và Mông Cổ. Những chuyến lưu diễn này không chỉ giúp quảng bá nghệ thuật hoa lụa truyền thống của Việt Nam ra thế giới mà còn giúp bà học hỏi, sáng tạo ra nhiều mẫu hoa mới mang đậm văn hóa dân tộc.
Hằng ngày, bà vẫn dành thời gian đến cửa hàng nhỏ ở số 5 phố Chả Cá (Hoàn Kiếm) làm hoa cũng như trò chuyện với những người yêu thích nghệ thuật làm hoa lụa, hoa giấy. Đây không chỉ là nơi trưng bày sản phẩm, mà còn là không gian lưu giữ những câu chuyện, kỷ niệm và niềm đam mê của một đời làm hoa.
Đau đáu với nghề hoa lụa
Bên cạnh việc sáng tạo ra những sản phẩm độc đáo, nghệ nhân Mai Hạnh còn dành thời gian giảng dạy nghề cho thế hệ trẻ và hỗ trợ đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm cho người có hoàn cảnh khó khăn, góp phần duy trì và phát triển nghề truyền thống.
Tuy nhiên, khi nói về tương lai của nghề làm hoa lụa, bà không khỏi trăn trở. “Đáng buồn là hiện nay hoa lụa Trung Quốc đang lấn át thị trường. Có khi là hoa trong nước làm nhưng nguyên liệu, máy móc của Trung Quốc, làm hoàn toàn bằng máy móc thì nghề thủ công khó mà cạnh tranh được. Mình làm từ sáng đến tối mới xong một bông hoa, như hoa sen Quan Âm phải 2 ngày mới xong 1 bông. Làm sáng tạo phải khác làm hàng loạt, công nghiệp nhưng lại rất khó cạnh tranh. Các nghệ nhân khác cũng vậy. Có người hỏi tôi: Bà ơi phải làm thế nào? Biết làm thế nào, ở tuổi này, tôi chỉ phấn đấu với bàn tay nghệ thuật của mình để cho công chúng biết được tác phẩm của người nghệ nhân dày công thực hiện khác như thế nào, để ai biết thì họ trầm trồ, trân trọng chứ không còn nghĩ đến chuyện kinh tế nữa”, giọng bà chùng hẳn xuống.
Từng nhiều dịp được sang biểu diễn, giảng dạy và truyền đạt kinh nghiệm tại Nhật, nghệ nhân Mai Hạnh cho rằng Nhật Bản có những chính sách rất đáng học tập để bảo tồn nghệ thuật truyền thống. “Các nghệ nhân ở Nhật không chỉ được tôn vinh về tinh thần mà còn được đảm bảo về đời sống, chỉ cần được phong nghệ nhân thôi là yên tâm có đời sống dư dả, nhưng mình thì không. Người tiêu dùng của mình cũng biết hàng thủ công có giá trị hơn nhưng nói đến giá tiền người ta cũng hơi ngại. Cũng có nhiều người yêu nghề, muốn theo tôi học nghề nhưng để học cũng phải cho người ta niềm tin rồi sự nghiệp sẽ như thế nào?” - bà Mai Hạnh chia sẻ.
Nghệ thuật hoa lụa của NNND Mai Hạnh không chỉ đơn thuần là làm nghề mà còn là sợi dây liên kết giữa quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống và hiện đại. Bà cũng đang ấp ủ ý tưởng làm những sản phẩm nhỏ để bán cho du khách, đặc biệt là người nước ngoài khi đến với Thủ đô làm kỷ niệm. Bà hy vọng sắp tới sẽ có thêm những học trò yêu nghệ thuật làm hoa lụa để bà được truyền thụ lại hết những tinh hoa trong nghề, để giữ gìn một nghề truyền thống tinh tế của người Hà Nội.