Sống đẹp

Ký ức Điện Biên Phủ của một người trai Hà thành

Nguyễn Trọng Văn 10/05/2025 14:31

Cách đây vừa tròn 20 năm, tôi có dịp gặp gỡ Đại tá Đào Văn Trường, người từng giữ cương vị Quyền Đại đoàn trưởng Đại đoàn công pháo 351 - đơn vị hỏa lực chủ công góp phần quan trọng làm nên chiến thắng của Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Hôm ấy, trong căn nhà ba tầng khuất sau phố Kim Đồng, Hà Nội, Đại tá Đào Văn Trường tiếp chuyện chúng tôi thân tình và cởi mở. Ông sinh năm 1918 tại Hà Nội, quê gốc ở huyện Thạch Thất (Hà Tây cũ). Xuất thân trong một gia đình quan lại, ở ông sớm hình thành tinh thần yêu nước và ý thức trách nhiệm với dân tộc.

Năm 1936, khi mới 18 tuổi, chàng thanh niên Đào Văn Trường đã tham gia hoạt động cách mạng và chỉ 2 năm sau (năm 1938) đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Thời gian đầu, ông hoạt động trong nội thành. Sau Ngày Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, ông lên chiến khu như bao người con Hà Nội thuở ấy, mang theo lòng yêu nước và nhiệt huyết tuổi trẻ.

o-truong-1.jpg
Ông Đào Văn Trường thời trẻ.

Đại tá Đào Văn Trường đã kể về cơ duyên đến với pháo binh của mình. Sau chiến dịch Biên giới năm 1950, quân ta thu được một số khẩu sơn pháo 75 ly của Pháp, từ đó ông được điều về Trung đoàn sơn pháo 675. Nhắc lại quãng thời gian đầu đầy gian khó, ông cười hiền rồi chia sẻ: “Cũng là mày mò tự học thôi chứ có thầy, có lớp gì đâu”. Một thời gian sau, đơn vị được bổ sung một số khẩu pháo 75 ly do nước bạn viện trợ, đồng thời được chuyên gia bạn trực tiếp huấn luyện, hướng dẫn....

Tháng 3-1951, cùng với các đại đoàn bộ binh chủ lực, Đại đoàn Công pháo 351 chính thức ra đời. Năm 1953, để phục vụ cho chiến cục Đông Xuân 1953 - 1954, ông Đào Văn Trường được bổ nhiệm làm Quyền Đại đoàn trưởng Đại đoàn 351. Khi Chiến dịch Điện Biên Phủ chính thức được chọn là “trận quyết chiến chiến lược” giữa ta và quân Pháp, Đại đoàn 351 được lệnh kéo pháo lên Điện Biên, tham gia chiến dịch lịch sử.

Theo lời ông Trường kể thì sau khi Đại đoàn được thành lập, ngoài pháo 75 ly, còn được trang bị thêm các khẩu lựu pháo 105 ly của Mỹ do ta thu được qua các trận đánh và một phần do Trung Quốc viện trợ. Đại đoàn vừa tiếp nhận vừa tổ chức huấn luyện gấp rút. Cho đến khi chiến dịch bắt đầu, bộ đội ta đã hoàn toàn làm chủ lựu pháo 105 ly. Ngày 1-1-1954, Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ được thành lập. Ông Trường được phân công đảm nhiệm cương vị chỉ huy pháo binh, cao xạ của chiến dịch...

o-truong-2.jpg
Ông Đào Văn Trường - Tham mưu trưởng (người chỉ tay) báo cáo Đảng ủy chiến dịch Trần Hưng Đạo kế hoạch tác chiến, tháng 12-1950. Nguồn: Tác giả cung cấp

Tôi còn nhớ hôm ấy, khi kể đến đây, Đại tá Đào Văn Trường đã lục tìm trong chiếc tủ ở phòng khách và lấy ra một cuộn giấy rộng cỡ một tờ báo. Rất cẩn thận, ông bảo tôi dọn dẹp ấm chén trên chiếc bàn uống nước, sau đó ông nhẹ nhàng mở cuộn giấy ra, từ tốn vuốt cho mặt giấy phẳng phiu. Lúc ấy, tôi mới nhận ra đó là một tấm bản đồ tỉ lệ 1/25.000 dành cho pháo binh. Ông Trường thong thả nói: “Hồi mới vào trận ở Điện Biên Phủ, chúng ta mà cụ thể là đơn vị pháo binh của tôi chưa có được bản đồ tỉ lệ như thế này đâu. Khi đó việc xác định “tọa độ” các mục tiêu của địch chủ yếu bằng cách quan sát qua ống nhòm, dựa vào phác họa do trinh sát mặt đất vẽ lại, và cũng chỉ có bản đồ tỉ lệ 1/100.000 thôi”.

Vốn từng là lính pháo binh nên tôi rất hiểu giá trị của bản đồ tỉ lệ 1/25.000. Với bản đồ có tỉ lệ như thế này thì việc bắn pháo khá chính xác, đặc biệt là khi sử dụng lựu pháo 105 ly - loại pháo bắn cầu vồng, tức là bắn vượt chướng ngại, không thể nhìn thấy mục tiêu trực tiếp từ trận địa. Chính vì thế, việc chỉ huy bắn loại pháo này bắt buộc phải thực hiện từ các đài quan sát pháo binh đặt ở vị trí cao, nơi có thể quan sát toàn bộ trận địa và xác định mục tiêu. Và để đảm bảo độ chính xác cao nhất thì không thể thiếu tấm bản đồ tỉ lệ 1/25.000. Không giấu được tò mò, tôi vội hỏi: “Làm thế nào mà các bác có được tấm bản đồ quý như thế này?”. Ông Trường mỉm cười, giọng đầy xúc động: “Đúng là do may mắn cháu ạ!”.

Theo lời ông Trường kể, giữa lúc chiến dịch đang bước vào giai đoạn ác liệt, đơn vị pháo binh bất ngờ có được một “bảo bối”. Sau một thời gian trinh sát, nắm tình hình địch, ngày 24-12-1953, một tổ trinh sát thuộc Đại đội 42, Tiểu đoàn 426, Trung đoàn 148 đã đột nhập vào khu trung tâm Mường Thanh để điều tra tình hình. Khi đến cứ điểm 203, bộ đội ta phát hiện một số đồ tiếp tế do địch thả dù xuống, trong đó có một ống hình tròn bịt kín. Sau khi lấy được số đồ này và rút về đến sông Nậm Rốm thì tổ trinh sát bị địch phát hiện. Giao tranh diễn ra ác liệt, một chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Sau khi về đến đơn vị, mở ống ra, mọi người sững sờ khi thấy bên trong là tấm bản đồ tỉ lệ 1/25.000 cùng nhiều bức ảnh cỡ 24 x 30cm. Khi ghép lại, những bức ảnh này hiện rõ 49 cứ điểm đóng quân của quân Pháp tại Điện Biên Phủ. Ông Trường còn cho biết: “Ngoài tấm bản đồ quý giá do máy bay thả nhầm vào trận địa ta, quân đội Pháp ở Hà Nội còn cử một viên trung úy biệt kích mang theo bản đồ Điện Biên Phủ, bí mật luồn rừng nhằm tiếp cận khu vực cứ điểm. Tuy nhiên, tên biệt kích này đã bị bộ đội ta phát hiện và bắt giữ. Tấm bản đồ thứ hai, cũng có tỉ lệ 1/25.000, nhanh chóng được chuyển về Sở Chỉ huy Mường Phăng”.

Như vậy, hai tấm bản đồ vô cùng quý giá của quân Pháp đã “vô tình” để rơi vào tay ta, một tấm được giao cho Đại đoàn Công pháo 351, còn một tấm do Sở chỉ huy chiến dịch giữ. Nhờ đó, việc chỉ huy chiến dịch trở nên chính xác hơn, pháo binh ta cũng có điều kiện xác định mục tiêu và điều chỉnh hỏa lực một cách hiệu quả, góp phần làm nên thắng lợi vang dội của Chiến dịch Điện Biên Phủ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ký ức Điện Biên Phủ của một người trai Hà thành