Dù ở tuổi “xưa nay hiếm”, bà Nguyễn Thị Sỹ (89 tuổi) ở thôn Quang Trung (xã Phương Trung) vẫn rất minh mẫn khi nói về nghề khâu nón của quê hương mình. Trò chuyện với chúng tôi, bà Sỹ ngân nga những vần thơ ngọt ngào, da diết: “Sao anh không về thăm quê em/Ngắm em chằm nón buổi đầu tiên/Bàn tay xây lá, tay xuyên nón/Mười sáu vành, mười sáu trăng lên”.
Kể về làng nón Chuông, bà Sỹ cho biết: "Với hơn 60 năm làm nghề, gắn với chiếc nón từ lúc nhỏ, chứng kiến sự thăng trầm của nghề thì xưa kia, nón lá làng Chuông đã có thời kỳ phát triển rất phồn thịnh. Cùng với sự chuyển mình của thời cuộc, hiện ở làng vẫn có 2.000 hộ làm nón, song chỉ người già, phụ nữ gắn bó với nghề. Thu nhập mỗi tháng được 2-3 triệu đồng/người, đủ trang trải cuộc sống và coi đó là niềm vui tuổi già. Không những thế, khi quây quần bên nhau khâu nón còn vun đắp thêm tình làng, nghĩa xóm”, bà Sỹ chia sẻ.
Theo người cao niên trong làng, để làm ra một chiếc nón lá làng Chuông “chính hiệu”, người thợ bình thường phải mất nửa ngày, thậm chí là cả ngày cho các công đoạn tỉ mỉ, đòi hỏi sự khéo léo cùng bí quyết riêng.
Bà Phạm Thị Chiến ở thôn Liên Tân (xã Phương Trung) cho hay: Tiêu chuẩn cho một chiếc nón đẹp phải từ nguyên liệu tốt, kỹ từng công đoạn; đặc biệt, đường kim khâu phải đều, thẳng, không lộ mối nối chỉ, mặt ngoài nón không có chỗ lồi lõm, nứt, rách… Để trang trí nón, ngoài các hoa văn, người thợ còn kết hợp trang trí bằng chữ màu, hình hoa, hình ngôi sao. Các bí quyết, kinh nghiệm và kỹ thuật làm nón lá luôn được người thợ làng Chuông truyền từ đời này sang đời khác. Hiện, mỗi chiếc nón Chuông đẹp bán 100-120 nghìn đồng, những chiếc nón thường bán được 30-50 nghìn đồng/chiếc…
Từ sự gắn bó mật thiết của nghề làm nón truyền thống trong đời sống nhiều thế hệ người làng Chuông nên họ luôn tâm niệm phải gìn giữ và phát triển nghề. Bởi vậy, ngoài làm nghề, người cao niên trong làng luôn tìm cách truyền nghề và động viên con cháu giữ nghề. Một số nghệ nhân còn tâm huyết với việc đưa chiếc nón quê hương đến với nhiều nước trên thế giới.
Trò chuyện với chúng tôi, nghệ nhân Lê Văn Tuy cho biết: Để hợp thị hiếu của khách hàng trong thời kỳ hội nhập, người thợ nón làng Chuông luôn tìm cách đổi mới mẫu mã, kiểu dáng, chất liệu…
Ngoài nón chóp che mưa nắng, còn có nón quai thao và các loại nón làm quà lưu niệm, biểu diễn thời trang và các loại hình nghệ thuật... Dù đổi mới về kiểu dáng, chất liệu, nhưng nón làng Chuông luôn bảo đảm chất lượng, độ bền, chắc chắn, mang nét đẹp truyền thống với màu sáng, sắc đồng đều, hình dáng cân đối, thanh thoát… Nhờ đó, hiện sản phẩm nón Chuông không chỉ tiêu thụ mạnh trong nước mà còn được khách hàng thế giới ưa chuộng và đã xuất khẩu tới các quốc gia như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan...
Hiện mong muốn lớn nhất của thợ làm nón làng Chuông là tìm giải pháp nâng cao giá trị sản phẩm để có thu nhập ổn định bằng nghề. Mặc dù, nón làng Chuông đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu tập thể “Nón Chuông”, song vẫn rất cần sự hỗ trợ của các ngành chức năng trong xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu... nhằm thu hút du khách tới tham quan và mua sắm tại làng nghề.
“Dù không phát triển như trước, nhưng cả xã vẫn có khoảng 2.000 hộ làm nghề. Để thúc đẩy làng nghề phát triển, xã đã phối hợp với các tổ chức tín dụng cho các hộ làm nghề vay vốn ưu đãi; đồng thời, tăng cường tuyên truyền đến người dân giữ gìn nghề truyền thống bởi “Nón Chuông” không chỉ che nắng, che mưa mà còn là biểu tượng của quê hương, đậm nét văn hóa dân tộc”, Chủ tịch UBND xã Phương Trung Phạm Việt Hùng nhấn mạnh.