Xưa và nay

Bài tham dự Cuộc thi viết “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”Nón làng Chuông thương nhớ

Nhất Mạt Hương 09/09/2024 - 07:03

Bà tôi đội nón, mẹ tôi đội nón và tôi cũng đội nón từ ngày rất bé, khi theo mẹ ra vườn, khi phơi thóc, phơi rơm; lớn lên thì đội đi làm đồng, đi học.

Bây giờ tôi ít đội hơn nhưng vẫn luôn có một cái nón treo trong nhà, bởi cứ luôn mặc định một điều, người phụ nữ Việt Nam ngoài áo dài, không thể thiếu nón lá - những chiếc nón thân thương, gắn bó. Và tôi biết, một trong những nguồn gốc của chiếc nón ấy là từ làng Chuông.

img_6234.jpg
Du khách thích thú trải nghiệm quy trình khâu nón tại làng Chuông. Ảnh: Vũ Minh

Đó là một làng nhỏ thuộc huyện Thanh Oai, Hà Nội đã đi vào ca dao “muốn ăn cơm trắng cá mè, muốn đội nón tốt thì về làng Chuông”. Tôi lặn lội về chốn ấy để tìm dấu tích và những điều thú vị quanh chiếc nón đơn sơ.

Lang thang nơi chợ nón, hỏi han những người dân hồn hậu để biết rằng nghề làm nón đã gắn bó với dân làng hàng trăm năm nay và người ta nói vui “người làng Chuông sinh ra đã biết làm nón” dù để một chiếc nón ra đời tốn không biết bao nhiêu công sức, bao nhiêu là kiên nhẫn, tỉ mỉ trong từng công đoạn.

Nguyên liệu chính để làm nón là lá cọ được vận chuyển từ rất xa: Phú Thọ, Thanh Hóa, Quảng Bình... trải qua nhiều bước gồm rẽ lá, phơi lá, là lá, bứt vòng, quay nón, dán nón, khâu nón, lồng nhồi, hơ nón, quang dầu... mới hoàn thành một sản phẩm.

Ngay từ khâu đầu tiên đã phải chú ý sao cho lá không bị dập rách bằng cách dùng chân vò lá cọ trong cát khô có sỏi, đảo đi đảo lại đến khi lá mềm và đầu lá xoăn lại, mình lá tẽ ra mới là đạt. Phơi lá cũng vất vả, nắng quá hay mưa quá đều không đẹp; nắng quá lá sẽ đỏ, mưa quá lá không khô. Làm sao canh cho vừa để từ màu xanh nhạt ban đầu, dưới ánh nắng mặt trời sẽ chuyển dần sang màu trắng bạc. Nhìn mảnh sân chùa bên góc tam quan vững chãi, cổ kính loang loáng màu từ những túm lá hắt lên sao mà ấm áp, thân thuộc. Cứ ngỡ như sân phơi củ, rau mỗi cuối mùa của mẹ, lại rưng rưng nét gì lạ lẫm, hồn hậu chưa từng bắt gặp. Mỗi túm lá như túm tua rua của đám trẻ con bày chơi đồ hàng hay túm tóc búp bê ngộ nghĩnh. Và để lá phẳng phiu, người ta dùng chiếc giẻ bọc lại là lượt. Trước kia, họ bọc lưỡi cày hơ trên than củi, giờ đơn giản hơn chỉ cần úp ruột nồi cơm điện, làm nóng bên dưới và miết bọc vải trên lớp lá cho phẳng mịn. Nhìn một cụ già ngồi chuốt lá một cách cần mẫn, nhịp nhàng mới thấy sự kỳ công và say nghề của người lao động.

Nón làng Chuông nổi tiếng bền đẹp vì có tới 16 lớp vòng. Vòng nón được làm bằng những thanh tre cật vót tròn, nhẵn và đều, các vòng nhỏ dần đến chóp tạo thành khung nón, mỗi nút buộc lại dùng mây thắt lại. Kỳ công nhất là khâu nón, khâu làm sao mà mũi khâu ngắn, lỗ nhỏ để chiếc nón tròn, khít, mịn từ mép lá đến đường khâu; các múi nối, sợi móc khi khâu được giấu kín vào trong để khi nhìn chiếc nón chỉ thấy đều tăm tắp. Khó nữa là khâu quay nón, bởi nó sẽ quyết định thẩm mỹ của chiếc nón. Làm sao để nón phẳng, không hở chóp, lá được xếp không bị cộm.

Tôi nhìn thấy người ta khâu nón khắp nơi ở làng Chuông, từ những căn nhà rìa đường đầu làng đến những gian hàng trong chợ; những bàn tay khéo léo, thoăn thoắt luồn chỉ, đưa kim, từng chiếc tua đỏ được lồng nhịp nhàng, liên tục. Dẫu biết thu nhập từ việc khâu nón không cao nhưng dường như với người làng Chuông, đó không chỉ là công việc, đó là mạch sống, là hồn cốt của làng mà họ muốn neo giữ như giữ những phiên chợ nơi này. Những phiên chợ đặc biệt từ thời gian, cách thức mua bán và địa điểm họp.

Ôi những chiếc nón lá - những chiếc nón mang “hình bóng quê hương xứ sở”, những chiếc nón dãi dầu mưa nắng để từ màu trắng tinh khôi ngả dần sang sắc nâu bươn bả; những chiếc nón gắn với gương mặt những người phụ nữ tảo tần đôn hậu thân thương. Tôi yêu những chiếc nón như yêu mảnh đất này, yêu những người mẹ, người chị trong nắng, trong mưa. Nón nhỏ bé mà che cả bầu trời, mang bình yên, ấm áp trở về mỗi căn nhà, chái bếp. Nhìn thấy nón, tôi như nhìn thấy ruộng đồng, lũy tre, dòng sông, mảnh vườn thơ ấu... Và tôi biết, nón lá giờ còn sang cả trời Tây như một biểu tượng độc đáo mà thấm đẫm hồn nước Việt.

Tôi cũng biết nón không chỉ được làm ở làng Chuông, còn có nón bài thơ xứ Huế, nón lá Nam Bộ... Mỗi chiếc nón một vẻ, một nét duyên riêng. Tôi yêu nét duyên lặng thầm của nón làng Chuông như những cô gái của làng.

“Bóng ai thấp thoáng/ Nón trắng nhấp nhô/ Chín hồng đôi má em đứng đợi chờ/ Ơi em gái làng Chuông...” (lời bài hát chèo).

Càng yêu hơn khi biết rằng có những con người vẫn đang ngày đêm gìn giữ những điều lặng thầm thân thương ấy!

logo-dien-tu-moi-02.jpg
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài tham dự Cuộc thi viết “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” Nón làng Chuông thương nhớ