Xưa và nay

Bài tham dự Cuộc thi viết “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”:Làng Đại Lan ngày ấy, bây giờ

Trần Văn Mỹ 15/04/2024 07:53

Làng Đại Lan quê tôi nay thuộc xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, nằm ở bờ nam sông Hồng. Do hình thành từ một bãi bồi nên đất làng rất trũng, trước kia hằng năm vào mùa hè, nước lũ thường tràn về khiến làng ngập trong biển nước mênh mông...

dai-lan-1.jpg
Cổng làng Đại Lan trên đường Thửa 10, gần bốt Đông Trạch trước đây.

Ký ức ngày Hà Nội giải phóng

Năm 1954 tôi mới 7 tuổi. Trong trí nhớ của đứa trẻ còn non nớt, mùa hè năm đó nước sông lên to. Đứng trên đê Đồng Trì (xã Tứ Hiệp) phóng tầm mắt sang Gia Lâm (khi đó thuộc tỉnh Bắc Ninh) chỉ thấy một dải mờ xanh.

Vào một buổi sáng, bỗng nhiên tôi thấy người làng gọi nhau í ới và tiếng dằm bơi nước vội vã. Trên sông một cảnh ngoạn mục hiện ra. Hàng trăm chiếc thuyền lớn nhỏ đua nhau ra giữa dòng nước xiết để vớt hòm đạn, thùng phuy và rất nhiều thứ khác. Mẹ tôi bảo: “Đây là của người Pháp, trước khi rút đi, những thứ không mang theo được họ vứt cả xuống sông đấy!”. Thảo nào mà từ một hai tháng trước đó, các cụ trong xóm đến nhà nhau chơi nhiều hơn, vẻ mặt tươi tắn hơn; và khi nói chuyện cũng không còn phải thì thầm như trước. Đêm đêm không thấy lính bảo an đi tuần quanh làng dò tìm du kích nữa, cũng không còn nghe tiếng súng “tắc bọp” từ các bốt Vạn Phúc, Ninh Sở và Đông Trạch bắn cầm canh.

Mấy hôm sau, đứng từ làng nhìn lên đê, tôi thấy lính và xe lố nhố. Dân kháo nhau là bọn chúng đang rút quân. Vì quân và xe pháo khá đông nên chúng phải nằm la liệt ở cả bờ đê. Chúng còn đào hố ngay cạnh bờ đê cho tiện sinh hoạt. Hôm đó, nước sông Hồng lại đang lên to nên người Đại Lan và người các làng xung quanh kéo lên đê đấu tranh không cho chúng đào hố xâm hại vào thân đê. Trước lý lẽ xác đáng, địch đã phải ký cam đoan không chạm đến đê điều, người dân được vào khu vực bốt Đông Trạch để kiểm tra đê khi cần...

Ít ngày sau, vào một buổi sáng, tôi vừa ngủ dậy đã thấy bao nhiêu là người mặc áo nâu mới, tay cầm cờ đỏ sao vàng, vẻ mặt rất vui đi vội vàng vào hướng Văn Điển. Mãi sau này tôi mới biết, đó là buổi sáng ngày 10-10-1954, đại diện các đoàn thể của làng kháng chiến quê tôi vào nội thành chào đón một đoàn quân ở phía nam thành phố tiến vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội.

Quá khứ hào hùng

Sau ngày Hà Nội được giải phóng, tôi mới được cắp sách đi học. Trường lớp chưa có, chúng tôi học ở quán Cây bàng ở đình làng. Thầy giáo khai tâm cho tôi là cụ Sáu. Cụ mới đọc thông viết thạo, dạy hai chục đứa trẻ trong làng với tinh thần người biết chữ dạy người chưa biết để “diệt giặc dốt”. Vốn thích nghe người lớn nói chuyện, dần dần tôi biết bao nhiêu chuyện về làng. Làng tôi trước đây thuộc tổng Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng, có cụ Nguyễn Như Đổ đỗ Bảng nhãn đầu tiên của thời Lê sơ (năm 1442), làm Thượng thư 6 bộ, 3 lần được vua cử đi sứ Trung Quốc. Do sứ thần Nguyễn Như Đổ có tài biện luận nên vua Minh đã miễn cho Đại Việt lệ cống ngọc trai. Làng còn có Tiến sĩ Nguyên Như Huân và nhiều vị hương cống, sinh đồ. Sau do vì nạn đất lở mà việc học của làng bị sa sút...

Đã bao nhiêu đời, dân làng Đại Lan chỉ trồng ngô và đánh cá trên sông nên cái nghèo vẫn đeo đẳng. Dù nghèo nhưng người làng vẫn giữ đạo của người xưa: Con không chê cha mẹ khó, người có nhân đức không bao giờ chê quê mình nghèo. Có lẽ vì đạo lý đó mà trong kháng chiến chống Pháp, dù bị địch kiểm soát gắt gao nhưng người dân quê tôi không nao núng, vẫn bám đất và quyết rào làng kháng chiến.

Cuối năm 1949, địch thường xuyên tổ chức các cuộc vây ráp đàn áp phong trào kháng chiến. Có lần chúng huy động 2 tiểu đoàn, có xe thiết giáp trên đê và tàu chiến trên sông Hồng yểm trợ để càn quét. Trong một trận càn, du kích Đặng Văn Hân đã dùng mưu cướp được súng địch. Nhưng do lực lượng chúng quá đông nên ông đã sa vào tay giặc. Chúng đưa ông về bốt Đông Trạch tra tấn dã man để moi tin tức. Chúng hỏi: “Có phải quê mày ở làng Đại Lan không?”. Bọn địch chỉ chờ một câu trả lời theo đúng ý đồ của chúng là cả làng tôi bị triệt hạ. Ông đứng trên đê, mặt bê bết máu, hướng về làng dõng dạc trả lời: “Tao ở hậu phương đến. Tao không biết làng Đại Lan nào cả!”. Sau đó, chúng đưa ông đến phía tây bốt Đông Trạch để thủ tiêu. Cái chết dũng cảm của ông đã khích lệ tinh thần dân chúng. Khu ủy Liên khu III đã phát động một đợt học tập tấm gương dũng cảm “lấy súng địch đánh địch” của Đặng Văn Hân trong toàn quân. Cùng họ Đặng còn có du kích Đặng Văn Biên. Trong một lần cùng đồng đội tập kích đoàn xe chở vũ khí của quân Pháp ở dốc Yên Sở (nay thuộc quận Hoàng Mai), chẳng may dây mìn bị đứt nên mìn không nổ, ông bị địch bắn bị thương. Để không sa vào tay kẻ địch, ông rút chốt lựu đạn đeo bên người và anh dũng hy sinh.

Đại Lan ngày mới

Năm 1963, làng Đại Lan đã thực hiện “khoanh vùng đổi thửa”, chuyển từ chuyên trồng ngô sang trồng rau cung cấp cho thành phố. Năm 1978 và 1998, đất làng lại bị lở, một số nhà ở xóm 1 phải di ra xóm Nghè và xóm Nhót...

Những năm đó nhà của các gia đình này còn đơn sơ, đường làng hễ mưa là lầy lội. Tết Nguyên đán năm 1986, trời mưa tầm tã cả tháng, đường làng ngập bùn nhão. Năm 1999, Nhà nước đã cấp 19 tỷ đồng (vào lúc đó, đây là một số tiền rất lớn) để xây kè vững chắc từ cuối làng Yên Mỹ qua làng Đại Lan. Có kè ngăn được ngọn nước hung dữ, phù sa lắng lại và một bãi bồi hình thành.

Dân quê tôi xưa có câu: “Vụng Tranh, gành Vạn”, ý nói đoạn sông Hồng chảy qua vùng này “nước sâu sóng cả”. Những thuyền mành, thuyền dã qua đây đều phải lên bờ cầu khấn ở miếu quan Bát Hải mong ngài phù trợ vượt qua hiểm nguy. Câu ca dao dân gian: “Bao giờ cho nổi vụng Tranh/ Đắp đê Quán Gỏi, xây thành Cổ Loa” tựa như lời sấm truyền của người xưa về một nỗi gian khó tưởng như không thể nào vượt qua. Vậy mà, nhờ có kè đá mà vụng Tranh (xã Duyên Hà), gành Vạn (xã Vạn Phúc) đã trở lại hiền hòa; đê Quán Gỏi (xã Đông Dư, huyện Gia Lâm) được gia cố vững chắc, dân không còn chịu cảnh lụt lội như 18 năm vỡ đê dưới triều Nguyễn...

dai-lan-2.jpg
Đường Thửa 10 nhỏ bé khi xưa, nay đã thành đường lớn.

Cứ mỗi lần về thăm quê tôi lại bâng khuâng hồi tưởng, nghĩ suy. Đám trẻ bây giờ được học trong trường lớp khang trang đầy đủ tiện nghi chứ không như chúng tôi 70 năm trước phải lội bì bõm trong nước lũ để đến lớp; cạnh đường là những thùng đào, thùng đấu có thể sa chân lúc nào không hay. Đường Thửa 10 từ đê Đông Trạch vào làng trước chỉ là con đường đất nhỏ hai người đi phải tránh nhau, nay đã thành đường 2 - 3 làn xe, đêm đêm rực sáng ánh đèn cao áp. Không còn cảnh nhà tranh, vách đất phổ biến như xưa mà đã nhà cao tầng san sát. Tương lai sau này làng sẽ lên phố, trở thành một phường thuộc quận Thanh Trì. Bờ sông Hồng từ phường Lĩnh Nam, Trần Phú (quận Hoàng Mai), chạy qua Đại Lan sẽ có đường ven sông; bên đường là những khu nhà vườn với nhiều cây xanh, làm nơi nghỉ cuối tuần cho người Hà Nội.

Sự đổi thay kỳ diệu của Đại Lan sau 70 năm Giải phóng Thủ đô đã khẳng định niềm tin và hy vọng vào tương lai tươi sáng ở một làng quê ngoại thành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài tham dự Cuộc thi viết “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Làng Đại Lan ngày ấy, bây giờ