Di sản

Bài tham dự Cuộc thi viết “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”:Giữ hồn làng với giấc mơ con rối

Nguyễn Quang Long 28/07/2024 11:25

Trong những phường rối nước dân gian ở Hà Nội, có lẽ ít được nhắc đến nhất là phường rối làng Yên (còn gọi Yên Thôn) ở xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất.

Có lẽ vì thế nên ít ai biết rằng, so với 16 phường rối trên cả nước, rối làng Yên có nhiều nét khác biệt, cả trong con rối, trò rối và cách điều khiển rối. Rối ở làng Yên như đời người, đủ cung thăng trầm.

img_0834.jpeg
Một buổi diễn rối làng Yên năm 2023. Ảnh: Nguyễn Mai

Lần múa đặc biệt

“Phải ra chứ, ra động viên lớp trẻ”, nghệ nhân Đỗ Văn Hoa nói chắc nịch. Đã ở tuổi 80, không còn sung sức để xuống nước, giờ cụ Hoa chỉ ở trên bờ. Đúng ra, ở tuổi cụ là phải được nghỉ ngơi, nhưng hễ phường rối múa là cụ có mặt. Trưởng phường Nguyễn Văn Lư (60 tuổi) giải thích: “Đã thành nếp, mỗi buổi diễn, người xuống nước múa đầu tiên là cụ Hoa, sau đó lớp trẻ mới múa”.

Bữa ấy ngày cuối xuân, rối nước làng Yên vừa khép lại đợt diễn hội chùa Tây Phương, tôi tìm về với các nghệ nhân. Tới cả chục thành viên đủ lứa tuổi của phường rối có mặt, cụ Hoa ôn lại truyền thống của làng.

img_0829.jpeg
Nghệ nhân Đỗ Văn Hoa. Ảnh: Quang Long

Trong những say sưa về miền ký ức, cụ kể về thuở bé thơ, nhà cụ ngay chân núi Tây Phương, gia đình có truyền thống múa rối, cha cụ là nghệ nhân, cho nên trong cụ lúc nào cũng vang điệu nhạc, hình ảnh con rối. Cụ nhớ nhất kỷ niệm tròn 70 năm trước, đó là dịp 10-10-1954, mừng Giải phóng Thủ đô, rối nước làng Yên vinh dự là đại diện duy nhất được ra Hà Nội múa ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Khi ấy, cụ Hoa mới lên 10, không được đi nhưng nghe bố và các bác, các chú trong phường rối kể lại.

Cụ Hoa cho biết thêm, lúc bấy giờ, múa xong, đại diện Bộ Văn hóa đề nghị phường cho xin một vài con rối để trưng bày. Khi ấy, phường đã tặng "một ông Tướng Loa, một ông Quàm Quạp và một bộ kiệu", hiện nay còn để ở Bộ Văn hóa.

Nét riêng làng Yên

Thấy tôi thắc mắc về ông Tướng Loa, ông Quàm Quạp nghe lạ, cụ Hoa bảo đó là nét riêng. Phường khác, kể cả rối chuyên nghiệp, chỉ có Tễu dẫn dắt, làng Yên có thêm Tướng Loa. Còn ông Quàm Quạp là một loài rắn. Ngày xưa, đa số việc dân, việc làng là có Tướng Loa ra giới thiệu. Nghệ nhân Khương Xuân Đảng (64 tuổi) phụ trách nhóm nhạc và lời thoại tiếp lời: “Cuối chương trình, Tướng Loa lại xuất hiện, đọc lệnh thu quân, sau đó, diễn viên ra chào, bấy giờ mới kết thúc”. Cụ Hoa hãnh diện: “Có ông tướng ra để giới thiệu, trang nghiêm hơn nhiều so với anh Tễu!”.

img_0832.jpeg
Các nghệ nhân với con rối làng Yên. Ảnh: Quang Long

Múa rối làng Yên tiêu biểu có 14 tích trò, nổi bật là “Rước kiệu”, “Rồng phun nước”, “Leo cây đốt pháo”, “Tứ mã tranh tài”, “Thủy tộc hội bàn”… Thoáng nghe thấy quen, nhưng cách múa rất riêng và cũng rất cầu kỳ. Động tác chém chuối trong “Tứ mã tranh tài” phải chém thật.

Anh Nguyễn Văn Thành (46 tuổi) cho hay: “Trong bốn con ngựa, ba con là dùng dao gỗ, còn một con, khi chém, người chém cầm dao thật và người cầm cây chuối phải thống nhất được cùng thời điểm nếu không sẽ trượt”. Anh Nguyễn Văn Đảm (45 tuổi) nói thêm: "Động tác đốt pháo cũng khác biệt, chú rối mang sẵn nhang (hương), đi vòng vòng rồi ra cột cây pháo, tự leo chứ không có dây ngoắc, phải làm sao cho đầu nhang chạm ngòi pháo. Phường khác đốt bằng mồi lửa, khó trượt”.

Trò diễn “Rước kiệu”, khó nhất là động tác chú tiểu bê tượng Phật Thích Ca và đặt vào trong kiệu, do chú tiểu và tượng Phật tách rời, không có gì để giữ nên rất dễ rơi ra. Khó hơn, chú tiểu phải đặt được tượng vào trong kiệu của đoàn rước. "Tượng Phật là tượng cổ chẳng biết mấy trăm năm, các tượng rối khác cũng cổ, mỗi lần trước khi diễn phải làm lễ xin”, anh Thành kể. Phường rối giữ truyền thống bằng cách giữ nguyên con rối cổ, hỏng thì tự sửa, bất đắc dĩ mới thay thế thì vẫn đúng kích thước cũ. Vì thế, theo mặt bằng chung, kích thước rối làng Yên bây giờ hơi nhỏ nhưng lại giữ được nét xưa và có khí chất riêng.

Điểm đặc biệt nhất trong nét riêng của rối làng Yên là kỹ thuật múa. Xưa nay phổ biến trong rối nước là kỹ thuật múa sào, nhưng làng Yên múa dây là chính. Sự khác biệt giữa hai kỹ thuật là với múa sào, con rối chỉ loanh quanh gần mành diễn. Trong khi với múa dây, con rối ra xa được, đồng nghĩa, kỹ thuật múa khó hơn, cách sắp xếp dây và bố trí người điều khiển cũng phải tính toán tỉ mỉ và chính xác.

img_0833.jpeg
Các nghệ nhân phường rối nước làng Yên trò chuyện với tác giả. Ảnh: Quang Long

Hồi sinh vốn cổ

Phường rối làng Yên có một quy tắc "bất thành văn”, đó là khi tập, "nội bất xuất, ngoại bất nhập", khi diễn, khu vực hậu đài không cho người lạ vào. Lý do bởi phường muốn giữ bí quyết riêng vì trong quá khứ từng bị lộ. Anh Thành cho biết, tiết mục “Rồng phun nước” với kỹ thuật múa dây và phun nước riêng, nước phun được rất xa, là sáng tạo của phường. Nhưng giờ làng Phú Đa cũng diễn được, họ cũng biết múa dây.

Trưởng phường Lư giãi bày: "Thời điểm mấy chục năm trước, rối làng Yên nguy cơ mai một, cực chẳng đã, cụ Huân (đã mất) mới chia sẻ ra bên ngoài”. Có lẽ “quy tắc ngầm” đó cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến rối nước làng Yên như “ngủ quên” trong bối cảnh nghệ thuật rối nước được quan tâm, song cũng nhờ thế mà rối làng Yên giữ được nét riêng.

img_0831.jpeg
Ông Nguyễn Văn Lư. Ảnh: Quang Long

Đầu những năm 2000, người viết đã nhiều lần về Thạch Xá xem rối và trò chuyện với các nghệ nhân. Nhưng sau đó, khoảng những năm 2005 - 2019, rối nước làng Yên đứng trước nguy cơ mai một. Khi ấy (năm 2016), anh Thành và người anh họ tên Tuấn (sinh 1979) không đồng tình cách tổ chức của phường nên rút lui. Thời gian sau, một nghệ nhân trẻ tên Đông (sinh 1982), người có sức khỏe tốt, múa rồng phun nước rất giỏi, không may mắc bệnh hiểm nghèo rồi qua đời. Đứng trước sự sống còn của rối, cụ Hoa đã đề nghị anh Thành, anh Tuấn quay trở lại phường rối.

​Đáng nói, từ nguyện vọng của các cụ, tích trò “Tiên Cửa Lanh” thất truyền 40 năm đã được hồi sinh. Anh Thành là người xung phong phục hồi. Bỏ gần nửa năm trằn trọc, suy nghĩ, kéo thêm cả người bạn thợ mộc, chính là anh Đảm, tham gia để tiện chế tác. Kết quả, không chỉ hồi sinh, mà còn phát triển từ 2 cô tiên ban đầu thành 8 cô, từ chỗ chỉ đứng một điểm thì nay 8 cô tiên rất linh hoạt, có thể xoay và đổi vị trí cho nhau. Phường rối cũng đã sáng tạo thành công tích trò mới “Cô Đôi Thượng Ngàn”. Kỹ thuật múa dây được anh Thành cải tiến để con rối đi xa hơn, có thể lên tới 30 mét, sát gần khán giả.

Giờ đây, khi bậc đại thọ trong làng như cụ Hoa đã không còn sung sức, rất may là các ông Đảng, ông Lư vẫn tràn đầy nhiệt huyết đồng hành cùng lớp trẻ, bên cạnh đó là lứa trung niên cứng tay nghề và giàu sáng tạo như anh Thành, anh Đảm. Tất cả đều gắn bó với rối bằng tình yêu, song chưa ai nghĩ tới việc sinh lợi nhuận từ rối.

Cách trung tâm Hà Nội mấy chục phút di chuyển, nằm trong vùng văn hóa xứ Đoài, là làng rối nước lâu đời, nơi có chùa Tây Phương - điểm du lịch tâm linh, thắng cảnh nổi tiếng…, với vùng quê hội đủ thuận lợi như Thạch Xá, nếu có tầm nhìn, hướng đi và được đầu tư, rối nước nơi đây sẽ là điểm nhấn trong phát triển du lịch, mang lại hiệu quả kinh tế cho địa phương.

logo-dien-tu-moi-02.jpg
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài tham dự Cuộc thi viết “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Giữ hồn làng với giấc mơ con rối