Mở lối cho thủ công “thế hệ mới”
Thủ công mỹ nghệ là một trong 12 lĩnh vực của công nghiệp văn hóa. Trước đây, nói đến thủ công mỹ nghệ, người ta nghĩ ngay đến những làng nghề, phố nghề.
Ở Hà Nội là những lụa Vạn Phúc, gốm Bát Tràng, kim hoàn Hàng Bạc, Định Công... Nhưng nay, trong bối cảnh mở rộng giao lưu quốc tế, hàng loạt nghề thủ công mới đã du nhập và phát triển mạnh. Điểm nổi bật của nhóm ngành thủ công thế hệ mới là những sản phẩm có tính sáng tạo cao, thiết kế độc đáo, nhiều sản phẩm là độc bản.
Nhiều loại hình mới mẻ
Hơn một năm nay, cứ vào dịp cuối tuần, quán cà phê Dreamery (ngách 75, ngõ 173 Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội) lại nhộn nhịp với những workshop mà chủ đề chính là câu chuyện về... xà bông và nến thơm. Hoạt động được tổ chức bởi Oniria Craft House. Tham gia workshop chủ yếu là học sinh tiểu học. Các em được nghe nói chuyện, tự tay làm ra những bánh xà bông, những cây nến cực kỳ “cute”.
Trần Thị Thủy và Nguyễn Thùy Linh là những người sáng lập ra Oniria Craft House. “Oniria là thế giới giấc mơ trong một tác phẩm văn học. Thế giới mà người ta phá bỏ đi những giới hạn” - Trần Thị Thủy cho biết.
Thông thường, mỗi dịp workshop, sản phẩm đều có chủ đề nhất định. Thí dụ như sắp đến Giáng sinh, bọn trẻ được làm cây nến, miếng xà bông gắn với hình ảnh cây thông, gói quà, ông già Noel... Những chiếc khuôn là “nền”, để từ đó, dưới sự hướng dẫn của Oniria Craft House, các bạn nhỏ sẽ sáng tác thành tác phẩm của riêng mình. Tất cả nguyên liệu đều được sử dụng theo xu hướng “xanh”, như nến được làm từ sáp ong, sáp bơ, sáp đậu nành... Hương thơm có được nhờ tinh dầu thiên nhiên. Điều đó giúp bọn trẻ có thêm nhận thức về cách sống hòa hợp với thiên nhiên.
Nếu tìm cụm từ “xà bông thảo dược” hay “nến thơm thủ công”, sẽ có hàng nghìn kết quả, trong đó, hàng trăm kết quả liên quan đến các hoạt động thực hành. Đây vốn là những sản phẩm thủ công. Chúng được “công nghiệp hóa”, sản xuất hàng loạt. Bây giờ, khi được thêm câu chuyện, được làm handmade, bổ sung yếu tố mỹ thuật và sự tương tác, chúng trở thành sản phẩm của văn hóa - sáng tạo.
Đây chỉ là một vài ví dụ về hàng loạt ngành nghề thủ công mỹ nghệ đang nở rộ hiện nay. Nếu chỉ tính riêng những địa chỉ tổ chức workshop nến thơm, đã có thể liệt kê một danh sách dài: Tiệm nến handmade Canary (21 phố Châu Long, quận Ba Đình), Lamocandle (ngõ 136 phố Tây Sơn, quận Đống Đa), Lamo Studio (Hào Nam, quận Đống Đa), Thekandle (Hàng Bún, quận Ba Đình), Candle by An (Hoàng Minh Giám, quận Thanh Xuân)...
Nếu trước đây, thủ công mỹ nghệ được “mặc định” gắn với hoạt động của các làng nghề, phố nghề thì bây giờ, với sự giao lưu quốc tế và nhu cầu của cuộc sống, người ta không khỏi “giật mình” trước sự phong phú của các ngành nghề thủ công khác nhau. Về mặt chất liệu, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ “thế hệ mới” chủ yếu dựa trên chất liệu truyền thống, như kim loại, mây tre, khảm trai, gốm sứ, giấy, da, gỗ, vải, len... Song, với nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, nghệ nhân thường làm theo quy trình, mẫu mã có sẵn, chậm ra mẫu mới. Còn với thủ công “mới”, điểm mạnh của nghệ nhân là thiết kế, sáng tạo những sản phẩm mới, là tính “cá biệt hóa” của sản phẩm, thậm chí là những tác phẩm độc bản.
Một ví dụ khác là nghệ thuật gấp giấy. Gấp giấy Origami từ Nhật Bản du nhập vào Việt Nam. Trước đây, gấp giấy chỉ là một trò chơi. Nhưng hiện giờ, đã có nhiều tên tuổi trong “làng” gấp giấy, với những sản phẩm tiền triệu. Nổi bật trong số đó là Nguyễn Nam Sơn, người đã đoạt hàng loạt giải thưởng từ các cuộc thi quốc tế. Với những mảnh giấy trong tay, Nguyễn Nam Sơn có thể "gấp... cả thế giới".
Nguyễn Nam Sơn thường sử dụng giấy dó để vừa có sự thuận lợi trong tạo hình, vừa có tính dân tộc. Điều gây ấn tượng nhất là khả năng sáng tạo và những chi tiết “nhỏ li ti” trên tác phẩm như vảy rồng, vảy kỳ lân... Tại Hà Nội hiện có nhiều chuyên gia gấp giấy, như Hoàng Quyết Tiến, Đỗ Anh Tú, Nguyễn Việt Hưng...
Điều đặc biệt ở lĩnh vực thủ công mỹ nghệ là sự gia tăng giá trị rất cao. Một chiếc ví điêu khắc da có thể có giá lên tới hàng chục triệu đồng. Một chiếc túi xách thủ công của các nghệ nhân có giá không kém cạnh so với những chiếc túi hàng hiệu, khi cầm chiếc ví trên tay người ta có cảm giác "đáng tiền". Điêu khắc trên da đang là nghề mới, khá phát triển, do nhu cầu dùng đồ “độc bản” ngày càng cao.
Ở Hà Nội, một trong những nghệ nhân nổi tiếng là Nguyễn Ngọc Diệu Linh. Những chiếc túi, chiếc ví được điêu khắc thành những bức tranh độc bản là thương hiệu của Diệu Linh và cho cô thu nhập khá cao.
Hầu hết chúng ta đều ngưỡng mộ những cuốn sách được đóng bìa da, hoặc đóng bìa với chất liệu quý trong các thư viện hoàng gia châu Âu. Papel y Tinta (ngõ 300, Nguyễn Xiển, Thanh Trì, Hà Nội) là một xưởng đóng sách khiến nhiều người ngạc nhiên khi giới thiệu các phương pháp đóng, khâu, bọc sách, toàn bộ quy trình được làm thủ công...
Hay như đồ trang sức cũng có sự khác biệt so với những “lề lối” cũ. Điển hình như Dewdrop of Honey (D.O.H), một xưởng sản xuất nhỏ ở Hà Nội với những món đồ phụ kiện làm từ chất liệu da thật kết hợp cùng đá tự nhiên hay đất sét nung. Sản phẩm của D.O.H luôn lấy thiên nhiên làm cảm hứng sáng tạo, nổi bật là những đôi khuyên hay pin cài làm từ da vegtan (da thuộc thảo mộc) được tạo hình những chiếc lá và nhuộm màu thủ công. Năm nay, D.O.H có thêm dòng sản phẩm mới là những chiếc giày xinh xắn, vừa có thể làm móc khóa, vừa có thể làm đồ trang trí...
Cơ hội cho giới trẻ
Hầu hết những nhà sản xuất thủ công mỹ nghệ “thế hệ mới” đều là doanh nghiệp “siêu nhỏ”. Với khá nhiều nhóm ngành nghề, hầu như bất kỳ sinh viên mới ra trường nào cũng có thể khởi nghiệp. Bởi kinh phí để khởi nghiệp có khi chỉ cần vài trăm nghìn đồng. Điển hình trong đó là nhóm nghề đan len.
Bằng sự khéo léo, trí tưởng tượng, và một số cuộn len, những nhà sáng tạo có thể đan tất cả những gì họ muốn. Và, khi có khả năng “bắt mạch” thị trường, họ đã có sẵn phương tiện là mạng xã hội để quảng bá mặt hàng của mình đến người tiêu dùng. Đây là lý do khiến rất nhiều bạn trẻ ham mê khởi nghiệp từ nhóm ngành thủ công mỹ nghệ.
Đối với những người ham mê thủ công mỹ nghệ, hiện có nhiều ngành đào tạo khác nhau của các trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Đại học Mở... để họ lựa chọn. Ngoài các khóa dài hạn thì còn có những khóa đào tạo ngắn hạn. Có những bạn trẻ khéo tay, ham tìm hiểu còn tự học qua mạng xã hội và sau đó đã có thể hành nghề. Đây là lĩnh vực rộng mở với nhiều bạn trẻ, với điều kiện đầu tiên là khả năng sáng tạo.
Theo PGS.TS Phạm Văn Hùng - Trưởng khoa Đầu tư thuộc Trường Đại học Kinh tế quốc dân, công việc sản xuất, kinh doanh đồ handmade giúp phát huy khả năng sáng tạo vô tận của giới trẻ, từ đó có thể tiếp cận với xu hướng đầu tư “xanh” với những sản phẩm thân thiện với môi trường. Để khởi nghiệp, các bạn sinh viên cần có sự đam mê, tinh thần dám dấn thân và có sự đổi mới, sáng tạo không ngừng nghỉ. Bên cạnh đó, khởi nghiệp, nghĩa là bạn gần như tự mình quản lý, vận hành tất cả những khía cạnh trong dự án. Vì vậy, cần có các kỹ năng mềm như kỹ năng lập kế hoạch và quản trị rủi ro, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng quản lý tài chính, kỹ năng xây dựng và quản lý thương hiệu... Đối với đồ handmade, do đặc trưng sản phẩm được làm hoàn toàn thủ công và tỉ mỉ với từng chi tiết nên việc có được kiến thức nền tảng về đồ handmade luôn là chìa khóa dẫn đến thành công.