Kết nối di tích gò Đống Đa trong đời sống hôm nay

Bảo Khánh| 03/01/2020 12:31

(HNMCT) - Trong hệ thống di tích lịch sử của Thủ đô Hà Nội, gò Đống Đa chiếm vị trí quan trọng không chỉ bởi nơi đây từng diễn ra một sự kiện lịch sử lớn của dân tộc mà còn bởi ý nghĩa nhân văn và những giá trị về mặt văn hóa - xã hội, tâm linh, tín ngưỡng... của di tích. Với quy mô và tầm vóc của một di tích quốc gia đặc biệt, việc bảo tồn, phát huy giá trị của di tích này thông qua con đường phát triển du lịch được xem là hướng đi tất yếu.

Lễ hội gò Đống Đa.

Không gian văn hóa - lịch sử

Nằm trên phố Tây Sơn (quận Đống Đa, Hà Nội), Khu di tích gò Đống Đa xưa là nơi có nhiều gò đống nên thường được gọi là xứ Đống Đa. Theo nhiều tài liệu lịch sử, đến giữa thế kỷ XIX, các gò đống này vẫn còn khá nguyên dạng, chỉ đến thời Nguyễn và Pháp thuộc, do không được bảo vệ nên bị phá hủy gần hết. Nhiều gò bị san bằng, hiện chỉ còn gò Đống Đa và gò Đống Thiêng. Tương truyền, đây là nơi diễn ra trận đánh thần tốc của Hoàng đế Quang Trung đại phá quân Thanh vào mùa xuân Kỷ Dậu (năm 1789).

Theo dòng lịch sử, sau chiến thắng như vũ bão, quân Tây Sơn giải phóng kinh thành Thăng Long, khu vực Đống Đa xác giặc ngổn ngang khắp nơi. Vua Quang Trung cho thu nhặt và xếp thành 12 gò, nằm rải rác từ làng Thịnh Quang đến làng Nam Đồng. Đến năm 1851, trong quá trình mở mang đường sá, người dân phát hiện nhiều xương cốt nên thu nhặt tập trung, đắp thành gò cạnh núi Ốc (Loa Sơn). Dần dần, ngôi gò mới này được đắp rộng và cao thêm, dính liền vào núi Ốc và cũng được gọi là gò Đống Đa. Sau khi chiếm thành Hà Nội, thực dân Pháp đã bạt đi cả 12 gò, chỉ còn lại gò ở núi Ốc, do đó, gò Đống Đa hiện nay là gò thứ 13.

Năm 2010, nhân Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Khu di tích gò Đống Đa được tu bổ, tôn tạo và xây mới một số hạng mục công trình với tổng diện tích hơn 22 nghìn mét vuông, gồm cổng, gò, nghi môn, tượng đài và đền thờ Hoàng đế Quang Trung, phòng trưng bày và các công trình phụ trợ, trong đó gò là hạng mục nổi bật nhất giữa không gian di tích này. Gò có diện tích khá lớn: 6.275m2, xung quanh được bó vỉa cao ba lớp bằng đá xanh, phần thân và đỉnh gò là những cây cổ thụ và cây lưu niên đan cài. Đây là hạng mục gốc có giá trị đặc biệt. Tại đây hiện còn nguyên dấu tích của ngôi miếu cổ Trung Liệt đã bị phá hủy.

Trong khuôn viên di tích còn có tượng đài Quang Trung được xây dựng tại khu đất bên cạnh gò Đống Đa nhân dịp kỷ niệm 200 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Hai bên phía sau tượng đài là hai bức phù điêu có kích thước lớn, được làm bằng đá trắng chạm nổi, đường nét tinh xảo, mô tả chân thực, sinh động trận đánh thần tốc vào giải phóng Thăng Long năm 1789 dưới sự chỉ huy tài tình của Hoàng đế Quang Trung. Phía sau tượng đài là đền thờ Ngài được xây dựng năm 2010, với hai tầng công năng: Tầng trên là đền thờ, có kiến trúc theo phong cách truyền thống hai tầng mái; tầng dưới là phòng trưng bày hiện vật và bản sao các bức ảnh diễn tả cuộc tiến công thần tốc của nghĩa quân Tây Sơn.

Không gian văn hóa của Khu di tích gò Đống Đa được cấu tạo bởi những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Bên cạnh những giá trị về mặt vật thể thông qua các hạng mục di tích trên, giá trị văn hóa phi vật thể của di tích này là những sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, là lễ hội diễn ra vào ngày mồng 5 tháng Giêng. Hằng năm, cứ vào ngày này, người dân Đống Đa đều tổ chức giỗ trận, tức giỗ vong linh của những binh sĩ Tây Sơn và cả quân, tướng giặc nhà Thanh tử trận. Điều đó thể hiện sự khoan dung, độ lượng, tấm lòng vị tha, nhân đạo của các thế hệ người dân Việt Nam trước kẻ thù.

Điểm đặc biệt của lễ hội gò Đống Đa là sau phần lễ, đến phần hội, ngoài các trò chơi dân gian quen thuộc, người dân hai làng Thịnh Quang, Khương Thượng còn có “đặc sản” là múa rồng lửa. Người dân thi bện rơm thành hình những con rồng lớn. Vây, đuôi được trang trí bằng mo cau và giấy màu, xung quanh là các thanh niên mặc đồng phục truyền thống múa côn quyền nhằm tái hiện tinh thần thượng võ của nghĩa quân Tây Sơn xưa. Từ sau ngày Giải phóng Thủ đô năm 1954, tầm vóc, quy mô của lễ hội gò Đống Đa đã được nâng lên thành quốc lễ, mở đầu cho mùa lễ hội hằng năm của Hà Nội và là nét đẹp văn hóa của người dân Thủ đô.

Khai thác nguồn tài nguyên đặc biệt

Với những giá trị và ý nghĩa lớn về nhiều mặt, năm 2018, Khu di tích gò Đống Đa đã được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt. Trong suốt quá trình tồn tại và phát triển đến nay, di tích này luôn được quận Đống Đa và thành phố Hà Nội quan tâm, đầu tư nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của di tích. Tuy nhiên, theo nhiều nhà nghiên cứu, lâu nay, di tích này mới chỉ thu hút du khách chủ yếu vào dịp lễ hội đầu năm, còn lại đa phần đều là nơi người dân trong khu vực đến tập thể dục, giao lưu văn hóa. GS.TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng: Cũng như các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh khác, các di tích quốc gia đặc biệt như gò Đống Đa là nguồn tài nguyên du lịch có giá trị đặc biệt. Gò Đống Đa có thể là điểm du lịch văn hóa lịch sử nằm trong tuyến du lịch Ngọc Hồi - Đống Đa - Văn Miếu và các di tích phụ cận. Đấy là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển du lịch, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Dương Văn Sáu, Trưởng khoa Du lịch (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) cho rằng, để trở thành điểm đến hấp dẫn, gò Đống Đa cần được bổ sung các dịch vụ phù hợp với điều kiện thực tế, đáp ứng nhu cầu của du khách, đồng thời liên kết với các doanh nghiệp lữ hành để đưa vào chương trình city tour. Bên cạnh đó, cần xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, ngoài lễ hội truyền thống hằng năm, nên thường xuyên tái hiện các hoạt cảnh hay xây dựng phòng chiếu phim lịch sử và sân khấu biểu diễn trống trận, võ thuật Tây Sơn - Bình Định... nhằm đa dạng hóa các hoạt động phục vụ du khách.

Song song với các giải pháp trên, Khu di tích Đống Đa cần được trang bị hệ thống biển báo hiện đang thiếu nghiêm trọng và tăng cường quảng bá về di tích trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội để thu hút khách tham quan. Trước mắt, việc kết nối tour, tuyến đến di tích cần phải được quan tâm, đầu tư và đẩy mạnh hơn nữa. Việc “bảo tồn động” di sản văn hóa thông qua phát triển du lịch là hướng đi thích hợp đối với Di tích quốc gia đặc biệt gò Đống Đa.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kết nối di tích gò Đống Đa trong đời sống hôm nay