Phố nghề
Phố Lãn Ông nguyên là đất thôn Hậu Đông Hoa Môn, tổng Hậu Túc, huyện Thọ Xương cũ. Đến cuối thế kỷ XIX, người Pháp đặt tên phố là "rue de Fou-Kien" (phố Phúc Kiến) bởi nơi đây tập trung rất đông người Hoa từ tỉnh Phúc Kiến sang cư ngụ. Họ mang theo nghề bốc thuốc Bắc đến lập nghiệp và chung sống hòa thuận với cư dân bản địa. Theo thời gian, phố Phúc Kiến trở thành con phố chuyên doanh các loại thuốc Bắc của người Hoa và các loại Đông Nam dược của người Việt do người dân làng Đa Ngưu (xã Tân Tiến, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) lập nên. Năm 1949, phố Phúc Kiến được đổi tên thành Lãn Ông - tên của danh y Hải Thượng Lãn Ông, người được tôn là ông tổ nghề Đông Nam dược. Sau năm 1979, khi những gia đình người Hoa lần lượt trở về nước, các gia đình còn lại vẫn tiếp tục giữ nghề kinh doanh Đông Nam dược - loại thuốc truyền thống của người Việt cho đến ngày nay.
Phố Lãn Ông chỉ dài khoảng 180m, một đầu giao cắt với phố Hàng Ngang - Hàng Đường, một đầu giao với phố Thuốc Bắc và bị trục Hàng Cân - Chả Cá cắt ngang, chia con phố thành hai đoạn với hai loại hình kinh doanh khác nhau. Đoạn đầu phố chuyên kinh doanh các mặt hàng khăn, đồ dùng trẻ em, nửa phố còn lại chuyên doanh mặt hàng Đông Nam dược.
Bà Trần Thị Tuyết Mai, Chi hội trưởng Chi hội Đông Nam dược Lãn Ông, phường Hàng Bồ cho biết, trên phố Lãn Ông có 65 hộ hiện đang kinh doanh và gìn giữ nghề truyền thống, phát triển nghề theo kiểu “cha truyền con nối”. Mặc dù nghề này mới xuất hiện ở phố Lãn Ông khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX nhưng nhiều gia đình có 4 - 5 thế hệ kế tục nghề, thậm chí có những gia đình có tới 9 đời theo nghề như gia đình lương y Trần Kim Quang ở số nhà 51 Lãn Ông. Như chia sẻ của ông Trần Kim Quang, gia đình ông có nghề thuốc gia truyền từ khi còn ở Nam Định và ông là đời thứ 9 theo nghề. Với hơn 50 năm kinh nghiệm bắt mạch, bốc thuốc, ông hiện là một trong số 4 - 5 lương y giỏi trên phố Lãn Ông có thể khám chữa bệnh từ đơn giản đến phức tạp. Các hộ còn lại chủ yếu bốc thuốc, bào chế và kinh doanh thuốc sống.
Nhiều người dân phố Lãn Ông vẫn nhớ như in cái không khí sôi động của con phố này hồi cuối những năm 1980, đầu những năm 1990, thời mà nơi đây được coi là trung tâm buôn bán các mặt hàng Đông Nam dược với số lượng lớn, khách buôn khắp cả nước đổ về đây cất hàng. Bà Trần Thị Tuyết Mai kể: “Ngày ấy, chúng tôi bán buôn thuốc sống với số lượng lớn. Mỗi bao từ 30 - 50kg, thậm chí có bao nặng hàng tạ. Nhưng càng về sau, số lượng càng giảm bởi việc thu mua thuốc sống dễ dàng hơn. Khách có thể đánh hàng trực tiếp tại các vùng trồng nguyên liệu... Tuy không còn phát triển như xưa nhưng người dân phố Lãn Ông vẫn duy trì nghề, phục vụ khách lẻ. Người làm nghề có tâm vẫn sống được bằng nghề”.
Một địa chỉ du lịch
Không chỉ là một phố nghề truyền thống, Lãn Ông còn là một địa chỉ du lịch tiêu biểu trong hành trình trải nghiệm, khám phá khu phố cổ của nhiều du khách khi đến Hà Nội. Bà Monica Nives, du khách người Italia cho biết: “Chúng tôi chỉ có hai ngày ở Hà Nội nên khu phố cổ là lựa chọn đầu tiên. Gia đình tôi chọn đi bộ để khám phá, tìm hiểu về cuộc sống của người dân. Khi đến phố Lãn Ông này, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên vì con phố vẫn giữ được những nét kiến trúc cổ điển, vừa thâm trầm vừa hiện đại. Đặc biệt, hương thơm của các loại thuốc khiến chúng tôi cảm thấy thư thái và bớt mệt mỏi hơn”.
Không chỉ là một con phố đẹp bởi những ngôi nhà được bảo tồn theo quy chuẩn, phố Lãn Ông còn đẹp hơn bởi có Hội quán Phúc Kiến - một công trình tín ngưỡng, nơi hội họp của bà con Hoa kiều trước kia. Hội quán được xây dựng năm 1817 với lối kiến trúc độc đáo gồm tòa phương đình, tam quan, sân, hậu cung... Sau khi hoàn thành việc trùng tu, tôn tạo năm 2015, Hội quán đã trở thành một công trình điển hình cho việc trùng tu các di tích trong khu vực phố cổ nói riêng và Hà Nội nói chung.
Ông Đỗ Văn Khoa, Chủ tịch UBND phường Hàng Bồ cho biết, để góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị của tuyến phố chuyên doanh Đông Nam dược Lãn Ông gắn với phát triển du lịch như định hướng của quận Hoàn Kiếm và thành phố, phường Hàng Bồ luôn quan tâm đến việc giữ gìn cảnh quan, môi trường sạch đẹp; bảo đảm an ninh an toàn cho du khách, không để xảy ra tình trạng chặt chém, chèo kéo khách. Cùng với đó, phường cũng luôn tuyên truyền, nhắc nhở các hộ dân phải bảo đảm nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, không kinh doanh những mặt hàng không đảm bảo chất lượng. “Có thể nói, Lãn Ông là tuyến phố tuyệt đối an toàn cho du khách về mọi mặt.
Từ xưa đến nay, trên tuyến phố này chưa bao giờ có sự việc đáng tiếc nào xảy ra với du khách. Do vậy, khách đến đây khá đông và có thể yên tâm đi bộ, đi xe điện theo tuyến để tham quan, tìm hiểu về một phố nghề nổi tiếng của Thủ đô”, ông Khoa cho biết. Còn theo bà Trần Thị Tuyết Mai, Chi hội trưởng Chi hội Đông Nam dược Lãn Ông, phường Hàng Bồ, trong mỗi buổi sinh hoạt hằng tháng, Chi hội đều nhắc nhở các hộ kinh doanh nêu cao ý thức mỗi người là một “đại sứ du lịch”, đón tiếp khách niềm nở, chu đáo, khám chữa bệnh, bốc thuốc bằng cái tâm của một lương y. “Nét đặc trưng nổi bật mà người dân phố Lãn Ông còn giữ được đến nay là mặc dù các cửa hàng liền kề nhau, thậm chí có những nhà một mặt tiền mà có hai hộ kinh doanh, nhưng mấy chục năm nay chưa có bất cứ vụ cãi nhau, tranh giành khách nào giữa các hộ. Điều mà người dân phố Lãn Ông tự hào nhất chính là nét đẹp trong văn hóa kinh doanh vẫn được giữ gìn, bồi đắp cùng với lối ứng xử thanh lịch của người Tràng An” - bà Mai tự hào chia sẻ.
Với những nét đẹp văn hóa cùng bề dày truyền thống của một phố nghề Thăng Long - Hà Nội, phố Lãn Ông ngày càng khẳng định sự riêng biệt, độc đáo của mình. Đó chính là tiền đề làm nên sức hấp dẫn cho khu phố cổ - địa chỉ du lịch không thể bỏ qua của du khách khi đến với Hà Nội.