(NSHN) - Xã Hòa Bình (huyện Thường Tín) vừa đón nhận quyết định của UBND thành phố Hà Nội công nhận Điểm du lịch làng nghề lược sừng Thụy Ứng. Đây là xã thứ 3 của huyện Thường Tín được công nhận là điểm du lịch của Thủ đô.
Làng nghề hơn 400 năm tuổi
Theo Niên biểu lịch sử Việt Nam 2000 năm, lược sừng Thụy Ứng ra đời từ thời vua Lê Trung Tông, hiệu Thuận Bình, trị vì từ năm 1549 đến 1556. Làng nghề làm lược từ sừng trâu, bò. Chủ tịch UBND xã Hòa Bình Hoàng Văn Thắng chia sẻ: Nghề làm lược sừng Thụy Ứng ra đời cách đây hơn 400 năm. Trải qua nhiều thăng trầm của thời gian, sự biến động và cạnh tranh của thị trường, người dân nơi đây vẫn quyết tâm bảo tồn và phát triển làng nghề. Đến nay, làng nghề lược sừng Thụy Ứng đã trở thành điểm du lịch của thành phố.
Là một trong những hộ gia đình làm nghề “cha truyền con nối”, đến nay, gia đình ông Nguyễn Xuân Huy có 4-5 đời theo và giữ nghề. "Qua thăng trầm, người dân nơi đây không chỉ giữ được nghề, làm giàu từ nghề mà đến nay có thể tự hào quảng bá sản phẩm làng nghề. Bình quân mỗi tháng, gia đình nhập hơn 3 container nguyên liệu, chủ yếu là sừng trâu từ Ấn Độ và một số nước châu Phi, tạo việc làm thường xuyên cho 40 lao động. Những năm gần đây, nghề xương, sừng ở Thụy Ứng phát triển, hầu như các hộ đều có máy móc hỗ trợ sản xuất, như: Máy cưa để cắt sừng, máy thủy lực ép các đoạn sừng vào phôi, máy chà cho nhẵn và chuốt bóng sản phẩm... nên năng suất cao, sản phẩm phong phú", ông Huy cho biết.
Còn theo bà Nguyễn Thị Xuyến – thợ chế tác xương, sừng ở thôn Thụy Ứng, làng nghề lược sừng Thụy Ứng đã được UBND thành phố công nhận là Điểm du lịch của thành phố và là tiền đề quan trọng để người dân làng nghề tiếp tục phát triển, bảo tồn nghề truyền thống.
Chủ tịch UBND xã Hòa Bình Hoàng Văn Thắng thông tin, Đảng bộ xã Hòa Bình đã ban hành Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội, trong đó nêu rõ: Chú trọng phát triển xã cơ bản trở thành xã Du lịch - Làng nghề. HĐND xã đã thông qua Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế du lịch trên địa bàn.
“Thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy, HĐND xã, UBND xã đã xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch phát triển Điểm du lịch làng nghề lược sừng thôn Thụy Ứng. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của nhân dân, nhất là các hộ sản xuất - kinh doanh của làng nghề, UBND xã tiến hành quy hoạch, tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hình thành các khu sản xuất – trưng bày sản phẩm để phát triển kinh tế tiểu thủ công nghiệp gắn với du lịch tại khu vực Điểm du lịch làng nghề lược sừng thôn Thụy Ứng”, ông Thắng chia sẻ.
Điểm du lịch hấp dẫn
Trong nhiều năm qua, làng nghề lược sừng Thụy Ứng đã đón nhiều đoàn khách trong nước và ngoài nước đến mua sắm, tham quan, trải nghiệm, nghiên cứu sản phẩm độc đáo từ sừng truyền thống. Ông Nguyễn Mạnh Thản - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội đánh giá, qua đôi bàn tay tài hoa của các thế hệ người dân Thụy Ứng, sản phẩm từ chất liệu sừng ngày càng phong phú: Vòng tay, trang sức, dụng cụ mat-xa, khay đĩa, bát,cốc chén, bút, trâm cài tóc và tác phẩm mỹ nghệ, nghệ thuật từ sừng... Điểm du lịch làng nghề lược sừng Thụy Ứng thực sự hấp dẫn đối với khách du lịch.
Để phát triển làng nghề lược sừng thôn Thụy Ứng thành điểm du lịch hấp dẫn, theo Chủ tịch UBND xã Hòa Bình Hoàng Văn Thắng, xã đã quy hoạch 4 khu du lịch, thu hút khá đông khách. Khu một là trung tâm, diện tích 3,99ha bao gồm: Trung tâm hành chính, trung tâm văn hóa thể thao. Khu 2 là điểm mua sắm kết hợp dịch vụ ăn uống và các dịch vụ tiện ích khác. Khu 3 và khu 4 với diện tích 61,26ha tập trung các hộ làm nghề, cửa hàng trưng bày và bán các sản phẩm của làng nghề lược sừng Thụy Ứng. Tại đây du khách được tham quan làng nghề truyền thống lâu đời, giếng đá cổ, nhà cổ, cây đa di sản kết hợp trải nghiệm, lưu trú, chiêm bái đình, chùa, Đền thờ Tổ làng nghề lược sừng… Trong đó, làng có nhà thờ Tổ nghề lược sừng, cây đa di sản, giếng đá cổ, đình Thụy Ứng được xếp hạng di tích cấp Quốc gia năm 1991, chùa Thụy Ứng xếp hạng di tích cấp thành phố năm 2008...
Để phát huy thế mạnh từ làng nghề và phát triển du lịch, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Mạnh Thản cho rằng, xã Hòa Bình cần chú trọng đầu tư trồng, chăm sóc cây xanh, cây bóng mát tại các tuyến đường, các khu vực có công trình công cộng, di tích lịch sử, công trình tôn giáo, tín ngưỡng khu vực làng nghề, trong xã... tạo tuyến du lịch; định hướng và xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho Ban quản lý điều hành, hướng dẫn viên du lịch tại điểm; thường xuyên phối hợp với các phòng, ban, Sở Du lịch Hà Nội tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho cộng đồng về du lịch tại điểm. Đặc biệt, cần liên kết với các công ty lữ hành để đưa khách du lịch đến với điểm du lịch làng nghề. Ngoài ra, cần mời gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp xúc tiến, đầu tư nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của điểm du lịch thành các tour, tuyến du lịch, tạo sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, đặc trưng, phù hợp nhu cầu khách du lịch...
Để thúc đẩy du lịch, các tuyến giao thông vào điểm du lịch làng nghề đều được trải nhựa và lắp đặt hệ thống chiếu sáng đáp ứng nhu cầu tham quan, mua sắm và đi lại của du khách. Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết, huyện cùng xã Hòa Bình tiếp tục tập trung huy động nguồn lực để xây dựng điểm tiểu thủ công nghiệp, du lịch làng nghề thôn Thụy Ứng; xây dựng hệ thống thu gom rác thải tập trung, hệ thống xử lý nước thải bảo đảm theo quy định...