Nghề xưa chuyển mình nơi phố cũ
Khu phố cổ Hà Nội với lịch sử lâu đời và những giá trị văn hóa đặc sắc từng là nơi hội tụ của hàng chục nghề thủ công truyền thống. Tuy nhiên, theo dòng chảy thời gian và sự thay đổi của xã hội, nhiều nghề truyền thống của các phố nghề đã dần mai một, không còn tồn tại thay vào đó là sự chuyển mình mạnh mẽ với các ngành nghề kinh doanh mới, mở ra những hướng đi cho một thành phố sáng tạo.
Từ làng nghề tới phố nghề
Nghề thủ công truyền thống ở khu phố cổ Hà Nội là một phần không thể tách rời trong bức tranh văn hóa, lịch sử của Thủ đô. Khu vực Hoàn Kiếm, trung tâm của kinh thành Thăng Long xưa, từng là nơi hội tụ thợ thủ công từ nhiều làng nghề đến đây làm ăn, buôn bán. Họ quy tụ từ một làng, chung một nghề rồi dần tạo thành các phường nghề và xây dựng đền thờ tổ nghề như ở quê gốc, góp phần hình thành một tầng lớp thị dân với những nhu cầu mới, có ảnh hưởng sâu rộng đến văn hóa đất Thăng Long.
Xưa kia, mỗi con phố trong khu phố cổ Hà Nội đều gắn với một nghề thủ công truyền thống. Ví như phố Tô Tịch chuyên sản xuất, buôn bán sản phẩm từ làng tiện gỗ Nhị Khê (Thường Tín). Phố Hàng Khay bán các sản phẩm nghề khảm của làng Chuôn Ngọ (Phú Xuyên). Phố Hàng Bông chuyên cung cấp bông, chăn bông, đệm do dân làng Thanh Oai sản xuất. Phố Hàng Quạt gắn với nghề làm quạt do một số người làng Đào Xá, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên đem tới. Phố Hàng Lược bày bán các loại lược được làm bởi những nghệ nhân đến từ làng Thụy Ứng, Thường Tín. Phố Hàng Bạc nổi tiếng với các sản phẩm chạm bạc do người dân Đồng Xâm (Thái Bình), Châu Khê (Hưng Yên) và Định Công (Thanh Trì) làm ra. Phố Hàng Đào là trung tâm của nghề nhuộm điều, với phần lớn cư dân đến từ làng Đan Loan, huyện Bình Giang (Hải Dương)... Các cửa hàng, cửa hiệu san sát nhau trong khu phố cổ Hà Nội không chỉ thể hiện những tinh hoa nghề thủ công truyền thống, mà còn tạo nên một bức tranh sinh động của đời sống đô thị.
Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Viết Lâm (sinh năm 1937) đã trải qua cả tuổi thơ và tuổi hoa niên trên phố cổ Hà Nội. Cho tới bây giờ trong ký ức ông vẫn vẹn nguyên hình ảnh của những phố nghề Hà Nội xưa: “Cụ thân sinh tôi người làng Đại Bái (Bắc Ninh), lập nghiệp trên phố cổ với nghề chạm bạc nên cả gia đình đã nhiều năm sinh sống trong khu phố cổ, từ Hàng Đồng, Hàng Bát rồi Cầu Gỗ. Thuở tôi còn nhỏ, phố nghề Hà Nội sầm uất lắm. Phố Hàng Đồng là nơi tiêu thụ hàng hóa đồ đồng, chạm bạc, đồ thờ, tượng, rồi cả đồ gia dụng như chậu, mâm, ấm... Tôi nhớ khi ấy phố có nhà buôn lớn của ông giáo Mậu, Phúc Tường, cửa hàng bày sản phẩm đa dạng như siêu thị bây giờ. Phố Hàng Bát, ngả Bát Sứ chuyên kinh doanh các loại đồ sứ, bát đĩa, cốc lọ..., còn ngả Bát Đàn chuyên bán bát đĩa đồ gốm của làng Bát Tràng”.
Trong ký ức của nhà văn Lê Phương Liên về khu phố cổ - nơi bà sinh ra và lớn lên, những phố nghề truyền thống vẫn như còn hiện diện: “Tôi vẫn nhớ phố Hàng Dầu, nơi xưa có những cửa hàng tạp hóa với khung cửa bức bàn. Nơi đây bán các loại dầu lạc, được đựng trong những chum lớn; nhớ phố Cầu Gỗ với những cửa hàng bán trầu cau, nơi những quả cau được thái và cắt thành miếng cau khô, được đựng trong những thạp tre quét sơn ta; nhớ phố Thợ Tiện (nay là phố Tô Tịch), nơi những người thợ khéo léo tiện những quân cờ, đồ thờ cúng bằng gỗ thơm, sơn son thếp vàng. Rồi phố Hàng Gai với những nhà sách Lạc Thiện Đường, Nam Hoa Thư xã là nơi nhiều tác phẩm văn học chữ Nôm và chữ Quốc ngữ đã được in khắc ván và bán phổ biến trong dân chúng; phố Hàng Khay, nổi bật với những đồ khảm trai tinh xảo như những khay, chén trà, hay tráp đựng trầu cau”.
Phố cổ còn giữ nghề xưa?
Có thể nói, nghề thủ công truyền thống không chỉ là một phần quan trọng trong nền kinh tế của khu phố cổ Hà Nội mà còn mang đậm dấu ấn văn hóa, góp phần tạo nên sự đa dạng và đặc sắc cho khu phố cổ Hà Nội. Hiện nay, tại khu phố cổ Hà Nội, nhiều tuyến phố vẫn giữ được các mặt hàng truyền thống như Hàng Bạc, Hàng Khay, Hàng Than, Hàng Đào, Hàng Thiếc, Hàng Mã, Lò Rèn, Lãn Ông... Phố Hàng Đồng, vốn nổi tiếng với sản phẩm từ đồng như bộ đồ thờ tự, tranh đồng, và đồ dùng gia đình, hiện nay vẫn còn khoảng 60% số hộ duy trì nghề. Phố Hàng Mã dẫu đã mở rộng thêm các mặt hàng kinh doanh khác như văn phòng phẩm, thời trang làm đẹp, ăn uống, đồ chơi trẻ em... nhưng không thể thiếu những mặt hàng truyền thống là các loại hàng mã. Phố Lãn Ông vẫn thơm hương thuốc Bắc với những cửa hiệu kinh doanh nghề thuốc y học cổ truyền. Với những nét văn hóa đặc trưng của phố nghề Hà Nội, những con phố này đã và đang là điểm đến không thể thiếu trong hành trình khám phá lịch sử và văn hóa Thủ đô của nhiều du khách, trở thành điểm nhấn trong ngành du lịch và giao thương.
Bên cạnh một số nghề thủ công truyền thống vẫn còn được một số ít người dân duy trì và phát triển, gắn liền với đặc trưng của phố “Hàng” qua các thế hệ với phương thức “vừa làm sản phẩm vừa kinh doanh”, thì những phố nghề năm xưa đã ít nhiều mai một. Phố Hàng Bồ xưa nổi tiếng với nghề sản xuất các sản phẩm thủ công từ cây tre, mía, vầu như bồ, sọt, thúng mủng..., thì nay số lượng hộ kinh doanh nghề này còn rất ít. Thay vào đó, phố Hàng Bồ hiện nay tập trung vào các sản phẩm may mặc như kim, chỉ, khuy, các phụ kiện liên quan đến ngành may.
Phố Hàng Vải trước đây được biết đến với những mặt hàng vải may mặc khổ nhỏ, hoặc vải được nhuộm màu, cùng với các sản phẩm thủ công từ tre, nứa như cầu thang tre, cần câu, điếu cày..., giờ nghề sản xuất từ tre, nứa đã giảm dần và chỉ còn chưa tới chục hộ kinh doanh sản phẩm này. Phố Hàng Phèn trước kia chuyên bán phèn đen, phèn chua, phèn xanh dùng để lọc nước; một số hộ còn kinh doanh giấy viết, giấy dó và các dụng cụ học tập..., nhưng hiện nay đã chuyển hướng sang ngành nghề mới - sửa chữa đồng hồ. Phố Hàng Bút một thời là nơi cung cấp giấy, vở, bút cho học sinh và họa sĩ, giờ cũng không còn giữ được ngành nghề truyền thống này.
Phố Hàng Gà trước kia chuyên cung cấp gia cầm và các sản phẩm chế biến từ gà, vịt, nay cũng không còn duy trì nghề cũ mà thay vào đó là những ngành nghề kinh doanh mới như khách sạn, ăn uống, in thiệp mời... Tương tự, phố Bát Đàn với nghề bán đồ gốm, đĩa, ấm chén truyền thống nay đã chuyển sang kinh doanh hàng ăn uống, cà phê, giải khát.
Và còn không ít phố mang tên cũ nhưng nghề xưa đã nhạt nhòa, không còn một ai làm nghề như Hàng Bài (xưa kia làm và bán các loại bài lá, tổ tôm, tam cúc), Hàng Buồm (chuyên các loại vỉ buồm bằng cói, bằng vải), Hàng Chĩnh (nơi tập trung các hàng bán chum, vại, chĩnh, vò, sành), Hàng Điếu (bán các loại điếu cày, điếu bát, điếu ống), Hàng Gai (chuyên bán các loại dây gai, võng gai, thừng), Hàng Nón (chuyên làm mũ mãng, cờ biển cho vua quan, trang phục biểu diễn văn nghệ trong các dịp hội hè, đình đám)...
Nhìn lại hành trình phát triển của các phố nghề trong khu phố cổ Hà Nội, có thể thấy rõ sự chuyển mình mạnh mẽ của một đô thị qua từng giai đoạn. Hy vọng rằng việc kết hợp bảo tồn nghề truyền thống với phát triển du lịch, tạo điều kiện để các nghệ nhân và doanh nghiệp nhỏ phát triển sản phẩm đặc trưng; đồng thời với những chính sách hỗ trợ, cải thiện hạ tầng và bảo vệ môi trường sản xuất, các nghề truyền thống của phố cổ Hà Nội xưa sẽ được duy trì, phát huy trong đời sống đương đại. Đó cũng chính là những lối mở để bước vào thành phố sáng tạo.