Đến các xã: Tuy Lai, Bột Xuyên, Mỹ Thành, Phúc Lâm... (huyện Mỹ Đức) những ngày này, dễ thấy những thửa ruộng chuyên canh rau đậu đã phủ kín màu xanh của ngô, bí xanh, bí đỏ, khoai lang... Nông dân tranh thủ thời tiết thuận lợi hối hả thu dọn rơm rạ, cỏ dại, làm đất chuẩn bị trồng các loại cây rau đậu ưa lạnh trên những thửa ruộng chuyên trồng lúa...
Bà Bùi Thị Lân, nông dân xã Mỹ Thành cho biết, để nâng cao thu nhập trên đơn vị canh tác, gia đình quyết định tham gia mô hình thay thế cây trồng truyền thống giá trị thấp bằng cây khoai tây Đức. Tuy nhiên, nỗi lo lớn nhất của nông dân trong vụ này là giá cả vật tư phục vụ sản xuất tăng, chuột bọ phá hoại, thị trường tiêu thụ một số loại nông sản bấp bênh... Chung nỗi lo, nhiều nông dân khác trên địa bàn huyện Mỹ Đức rất mong các cấp, các ngành có giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển sản xuất vụ đông.
Liên quan tới vấn đề trên, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành Nguyễn Khắc Chiều cho biết, để khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xã Mỹ Thành hỗ trợ toàn bộ kinh phí làm đất, triển khai đầy đủ chương trình hỗ trợ của huyện và thành phố về giống, phân bón, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây khoai tây Đức; phối hợp với các công ty kinh doanh nông sản bao tiêu sản phẩm...
Tương tự, xã Bột Xuyên phấn đấu vụ đông năm nay sẽ trồng hơn 120ha ngô thực phẩm, khoai tây Đức, bí xanh, bí đỏ, khoai lang... “Để đạt mục tiêu về diện tích, năng suất, sản lượng cũng như giá trị kinh tế, xã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân lúa chín đến đâu thu hoạch nhanh gọn đến đó, thực hiện phương châm “sáng thu hoạch lúa, chiều trồng cây vụ đông”; áp dụng các biện pháp làm đất tối thiểu, sử dụng bón phân hữu cơ, an toàn...”, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Bột Xuyên Bùi Thành Đô thông tin.
Xác định phát triển cây vụ đông là giải pháp quan trọng để nâng cao thu nhập cho nông dân, hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới, Mỹ Đức chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền để nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, quy trình thực hành nông nghiệp tốt trên cây trồng, nhất là trên các loại cây rau, củ, quả, tiến tới đăng ký nhãn hiệu cho một số sản phẩm hàng hóa... Các xã, thị trấn khuyến cáo nông dân sử dụng giống có thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng chống chịu hạn, chịu rét và đặc biệt tuân thủ lịch gieo trồng.
Cùng với nhiệm vụ trên, các xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ với Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Mỹ Đức kiểm tra, duy tu các công trình, bảo đảm nguồn nước tưới, chủ động tiêu úng cho cây trồng... Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo cơ quan khuyến nông tích cực tìm kiếm các đơn vị liên kết, tiêu thụ sản phẩm; đưa cây trồng mới có giá trị kinh tế cao vào canh tác nhằm nâng cao giá trị sản xuất vụ đông.
Để thúc đẩy sản xuất vụ đông, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Lê Văn Trang cho biết, huyện quyết định hỗ trợ một phần kinh phí cho nông dân về giống đối với những diện tích trồng ngô nếp non, ngô sinh khối, khoai tây Đức có quy mô từ 3ha trở lên. Bên cạnh đó, huyện hỗ trợ một phần kinh phí cho những mô hình liên doanh, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng giữa hợp tác xã nông nghiệp với các doanh nghiệp...