Nowruz - hành trình gìn giữ lễ hội xuân 3.000 năm tuổi
Bắt nguồn từ Hỏa giáo Ba Tư cổ đại, Lễ hội Nowruz đánh dấu sự khởi đầu của năm mới theo lịch Iran và ngày xuân phân ở Bắc bán cầu. Năm 2009, lễ hội này được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại nhờ giá trị tinh thần và sự kết nối cộng đồng.

Theo các tài liệu lịch sử, Lễ hội Nowruz gắn liền với triều đại Achaemenid (550 - 330 TCN), khi các vị vua Ba Tư tiếp nhận cống phẩm từ khắp đế chế vào dịp năm mới. Có một số truyền thuyết xung quanh nguồn gốc của Nowruz kể về Jamshid - một vị vua Ba Tư thần thoại - đã bay lên bầu trời trên một cỗ xe vào ngày đầu tiên của mùa xuân, mang đến một cảnh tượng choáng ngợp cho dân chúng và họ bắt đầu tổ chức lễ hội vào ngày này. Một phiên bản khác nói rằng, Jamshid đã được nhà tiên tri Zoroaster bày cho cách đánh bại Ahriman, nhân vật đại diện cho bóng tối và sự tai ương, chết chóc. Chiến thắng của Jamshid tượng trưng cho thắng lợi của cái thiện trước cái ác, mang hòa bình và thịnh vượng cho người dân.
Ngày nay, lễ hội không chỉ mang ý nghĩa tôn giáo mà còn là dịp để các gia đình sum họp, tưởng nhớ tổ tiên và đón chào những điều tốt đẹp. Hiện nay, Lễ hội Nowruz thường được tổ chức vào ngày xuân phân, bắt đầu từ ngày 21-3 tại hơn 15 quốc gia dọc theo Con đường tơ lụa cổ đại, từ Trung Đông đến Trung Á và cả các cộng đồng người Kurd, Afghanistan, Tajikistan... Trải dài suốt lịch sử hơn 3.000 năm, Nowruz không chỉ là một lễ hội đánh dấu sự kết thúc của một năm cũ, bắt đầu một năm mới mà còn là biểu tượng của sự hòa hợp, đoàn kết và tái sinh.
Khi bắt đầu Nowruz, các gia đình tiến hành dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa để chào đón một năm mới tốt lành. Họ cũng coi lễ hội truyền thống này là dịp đoàn tụ với gia đình và bạn bè, nói với nhau những lời chúc tốt đẹp và trao tặng những món quà có ý nghĩa. Một trong những phong tục mà các gia đình chú ý nhất là bàn thờ Haft Sin, đặt 7 vật phẩm bắt đầu bằng chữ “S” theo tiếng Ba Tư gồm: Sirkeh (Giấm - đại diện cho tuổi tác và sự kiên nhẫn); Sekke (Tiền xu - sự giàu có và thịnh vượng); Seer (Tỏi - mang tới lợi ích cho sức khỏe); Seeb (Táo - tượng trưng cho vẻ đẹp tự nhiên); Sabzeh (Lúa mì - biểu tượng của sự tái sinh, đổi mới và may mắn); Samanu (Bánh lúa mì - có ý nghĩa cho khả năng sinh sản và sự ngọt ngào của cuộc sống); Sumac (Quả mọng - tượng trưng cho mặt trời mọc và đánh dấu một ngày mới). Ngoài ra, bàn Haft Sin còn được trang trí với gương, nến, trứng sơn và sách thánh, phản ánh sự pha trộn giữa tín ngưỡng và văn hóa dân gian.
Trong suốt 13 ngày của Nowruz, người dân ở các quốc gia tổ chức nhiều lễ hội ấn tượng như múa hát, đua ngựa, đấu vật. Ở Afghanistan, mọi người ăn Haft Mewa, một món tráng miệng với các loại trái cây khô, và chơi môn thể thao quốc gia Buzkashi. Các kỵ sĩ cần khéo léo điều khiển “chiến mã” của mình vượt qua những đối thủ trong cuộc đua để tranh cướp một con dê (hoặc bê, cừu đã được giết mổ từ trước). Sau đó, họ ném chiến lợi phẩm vào vòng tròn của trò chơi như khung thành, được vẽ trên đất xoay quanh một trục gỗ để tính điểm. Buzkashi bởi thế còn bị gọi là trò “vồ dê”. Theo truyền thống, Buzkashi có thể kéo dài vài ngày, nhưng ngày nay, thời gian của giải đấu đã được giới hạn lại. Nó là trò chơi đồng thời cũng được coi như môn thể thao làng quê, thu hút những kỵ sĩ giỏi nhất, khỏe và khéo léo nhất lăn xả vào cuộc chơi theo cách chân thực như cách sống của họ.
Tại Iraq, Nowruz được tổ chức tưng bừng tại nhiều cộng đồng dân cư song náo nhiệt nhất luôn là cộng đồng người Kurd ở thị trấn Akra thuộc miền Bắc đất nước. Người dân nơi đây đã chào đón năm mới bằng màn pháo hoa rực rỡ. Không chỉ vậy, họ còn dùng những ngọn đuốc thắp sáng ngọn núi Acre, tạo nên một cảnh quan vô cùng độc đáo.
Tuy nhiên, trước sự thay đổi của xã hội hiện đại, việc bảo tồn các phong tục truyền thống của lễ hội này đang trở thành thách thức dù UNESCO đã công nhận 21-3 là Ngày Quốc tế Nowruz để thúc đẩy các hoạt động văn hóa toàn cầu.
Theo nhận xét của các nhà văn hóa, sự du nhập của văn hóa phương Tây khiến giới trẻ dần xa rời phong tục. Ví dụ, nhiều người trẻ tại Iran ưa chuộng lễ Giáng sinh hơn Nowruz. Ngoài ra, tại các khu vực như Kurdistan hay Afghanistan, chiến tranh và di cư khiến việc tổ chức Nowruz trở nên khó khăn. Cộng đồng người Kurd hải ngoại dù vẫn giữ truyền thống nhưng thiếu không gian và nguồn lực để duy trì. Điều này dẫn đến nguy cơ biến mất của các nghi lễ cổ.
Hiện tại, nhiều quốc gia có Nowruz đã chú trọng tới công tác khôi phục và gìn giữ truyền thống của lễ hội, đồng thời coi đây như một nguồn lực để phát triển du lịch. Iran đã tích hợp Nowruz vào chương trình học, dạy học sinh cách chuẩn bị Haft Sin và ý nghĩa của từng món. Các video hướng dẫn gói bánh truyền thống hoặc trang trí Haft Sin lan tỏa mạnh trên TikTok và Instagram, thu hút giới trẻ. Chính phủ Iran cũng tài trợ để khuyến khích lễ hội đường phố, triển lãm nghệ thuật và thi đấu thể thao truyền thống trong 13 ngày Nowruz.
Kazakhstan tổ chức Nowruz với các trò chơi dân gian như Kokpar, một phiên bản “vồ dê”, thu hút đông đảo du khách quốc tế. Người Kurd ở Iraq thắp đuốc trên núi Akre, kết hợp biểu tượng lửa với thông điệp hòa bình. Tại Tajikistan, chính phủ tài trợ cho các buổi biểu diễn thơ ca truyền thống trên truyền hình quốc gia.
Nowruz không chỉ là lễ hội của một nhóm quốc gia mà còn là di sản chung của nhân loại. Việc bảo tồn các phong tục truyền thống đòi hỏi sự nỗ lực từ các cộng đồng và chính phủ để góp phần tạo nên bức tranh văn hóa sống động, phong phú của thế giới hiện đại.