Đặc sắc các lễ hội xuân ở Long Biên
Hội làng Thanh Am diễn ra từ ngày 9 đến 11 tháng Ba hằng năm nhằm tưởng nhớ công lao của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Lễ hội đình Thanh Am
Thanh Am là một ngôi làng Việt cổ nằm bên bờ sông Đuống, thuộc phường Thượng Thanh (quận Long Biên). Hội làng Thanh Am diễn ra từ ngày 9 đến 11 tháng Ba hằng năm tại đình làng nhằm tưởng nhớ công lao của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, người giữ chức Tả Thị lang bộ Hình, bộ Lại kiêm Đông Các đại học sĩ triều Mạc đã lập ra 18 làng Am, trong đó có Thanh Am (tên cũ là Hoa Am).
Mùng 9 là ngày khai hội, được bắt đầu với lễ rước nước. Đi đầu đoàn rước là đội cờ thần, theo sau là đội “a dứ” gồm 4 - 8 thanh niên mặc quần áo trắng, thắt khăn xanh, đỏ ngang lưng; tay phất cờ đuôi nheo ngũ sắc chạy theo hình vòng cung, miệng hô “a dứ”. Tiếp đó là hàng bát bửu, trống chiêng mở đường cho kiệu Thánh đi. Đoàn rước lên đê rồi xuống thuyền, ra giữa sông lấy nước đổ vào chóe và rước về đình làm lễ mộc dục.
Ngày mùng 10 chính hội, các đội tế nam, tế nữ làm lễ dâng hương. Điều hiếm gặp ở lễ hội đình Thanh Am so với các lễ hội khác là có đội tế nữ, bởi tại đây còn thờ 2 nữ tướng của Hai Bà Trưng là Đào kỳ và Phương Dung công chúa. Sau các nghi lễ, các dòng họ chia lễ và thụ lộc. Tiếp đó là phần hội với chiếu chèo, tuồng tại cửa đình cùng các trò chơi dân gian như kéo co, bắt vịt, chọi gà...
Lễ hội đình Ngô

Đình làng Ngô thuộc phường Thạch Bàn (quận Long Biên), là nơi thờ hai vị tướng nhà Lý là Linh Lang Đại vương và Lã Lang Đại vương. Lễ hội đình hằng năm diễn ra từ ngày 10 đến 12 tháng Hai, bắt đầu với lễ rước văn. Hội làng Ngô không có lễ rước nước như nhiều lễ hội khác, mà chỉ rước văn, rước kiệu từ đình lên nghè và ngược lại. Đoạn đường rước kiệu tuy chỉ dài khoảng 1km nhưng đoàn rước phải đi sao cho đến đúng giờ Ngọ kiệu mới được rước về đình. Trên đường đi, kiệu sẽ rẽ vào các địa danh cổ trong làng, như vào chùa bái Phật hoặc những địa điểm xưa kia từng là nơi khao quân, mộ tướng của Linh Lang và Lã Lang để đánh giặc Tống. Độc đáo nhất trong lễ rước kiệu là hiện tượng kiệu xoay. Dù khiêng kiệu đều là các trai đinh khỏe mạnh được tuyển lựa nhưng khi rước, kiệu sẽ liên tục xoay ngang, dọc, tròn, nghiêng, tiến lui bất thường mà không bị đổ. Kiệu đi trong tiếng hô vang tưng bừng của người tham gia với niềm mong cầu về mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi, phát triển.
Trong những ngày diễn ra lễ hội còn có các trò vui như cờ tướng, tổ tôm điếm và đặc biệt là đấu vật - trò chơi truyền thống lâu đời của làng Ngô. Các đô vật cởi trần đóng khố, thi đấu cho đối thủ “lấm lưng, trắng bụng” sẽ được thưởng 1 cái oản nếp và 3 quả chuối. Đến ngày rã đám, người dân lại tổ chức lễ rước rã và tế hoàn cung.