PGS.TS, Đại tá, bác sĩ Nguyễn Trọng Lưu: Âm nhạc như là tri kỷ
Gặp PGS.TS, Đại tá Nguyễn Trọng Lưu ở cương vị bác sĩ, không ít người ngạc nhiên bởi vị bác sĩ này có nhiều ca khúc hay, nhưng khi biết gia thế của ông (cha là Đại tá, nhạc sĩ quân đội nổi tiếng Trọng Loan, chú ruột là GS.NSND Trọng Bằng, nguyên Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam, hầu hết anh chị em trong gia đình đều theo âm nhạc chuyên nghiệp) thì hẳn sẽ lại thắc mắc rằng tại sao Trọng Lưu lại theo ngành Y?
1. Với Trọng Lưu, lâu rồi ông không tự hỏi mình là con người của y học hay âm nhạc. “Nghề y tôi đã yêu và gắn bó suốt cuộc đời, còn âm nhạc thì dường như vẫn luôn chảy trong huyết quản” - ông nói.
Trọng Lưu làm nghề y bằng trái tim yêu thương, nhạy cảm của một nhạc sĩ và viết nhạc với sự chỉn chu của một nhà khoa học; điều đó giúp ông thành công ở cả hai lĩnh vực.
Trọng Lưu không chủ định lập danh bằng âm nhạc. Những thành tựu của ông ở lĩnh vực y học đủ để nhiều người ngưỡng mộ. PGS.TS.TTƯT Trọng Lưu nguyên là Chủ nhiệm khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hiện là Phó Chủ tịch Hội Phục hồi Chức năng Việt Nam, Ủy viên Hội đồng chăm sóc sức khỏe cán bộ miền Bắc...
Từng có thời điểm Trọng Lưu phải nhủ lòng “đoạn tuyệt” với âm nhạc để toàn tâm toàn ý cho chuyên môn. Nhưng, âm nhạc với Trọng Lưu có lẽ như tri kỷ, như “người tình”, ào đến ở những giờ phút giải lao ngắn ngủi giữa ca trực, vang lên trong những đêm khuya hay khoảng thư giãn ít ỏi trong lịch trình làm việc dày đặc. Cuối cùng, chẳng thể xa được âm nhạc bởi thế giới ấy không chỉ ẩn chứa tâm tư, nỗi niềm đau đáu muốn chia sẻ mà còn là nơi ông được trở về, với chính mình.
2. Gắn bó với màu xanh áo lính từ năm 17 tuổi từ Học viện Quân y, Trọng Lưu đã sống trọn vẹn một cuộc đời quân ngũ với vai trò một bác sĩ. Vì thế, dù viết về nhiều đề tài nhưng như ông tâm sự, “Đề tài người lính là nguồn cảm hứng bất tận trong tôi. Tôi viết để ngợi ca, tri ân những người lính, dù trong thời chiến hay thời bình, hình ảnh người lính luôn giản dị, kiêu hãnh, anh hùng”.
Qua âm nhạc, Trọng Lưu “vẽ” chân dung người lính bằng sự đồng cảm của một đồng đội nên chân thực, đẹp đẽ và đầy tự hào. Họ là người lính sẵn sàng hy sinh để bảo vệ vùng biển quê hương: “Anh đã lấy máu mình vẽ lên màu đỏ/ Tổ quốc chan hòa trong câu hát đại dương” (“Lá cờ Tổ quốc giữa biển Đông”). Là vẻ đẹp khỏe khoắn phơi phới của người lính hải quân giữa biển trời: “Mắt thanh xuân chạm vào vô tận/ Vòng ngực trẻ trai chạm nhịp đập muôn đời” (“Tựa vào nỗi nhớ quê”). Và, không thể thiếu hình ảnh người lính trong thời bình, dựng xây đất nước: “Trong vầng trán nghĩ suy từng giọt mồ hôi đổ/ Từng con chữ nét đỏ nét xanh in những cung đường đất nước, những công trường...” (“Chiếc mũ sao vàng bên khung cửa”)...
Mảng ca khúc chiếm số lượng đáng kể trong sự nghiệp âm nhạc của Trọng Lưu là viết về người mẹ, đặc biệt là người mẹ của các chiến sĩ. Người mẹ chờ con như hóa đá trong không gian huyền ảo, u tịch của khói nhang và sương khuya nhưng với một niềm tin mãnh liệt rằng con sẽ trở về “Lá trầu khô bình vôi hóa đá/ Mẹ lặng im ngồi ngóng con về”, dù có thể người con ấy “đã thành áng mây Trường Sơn” (“Mẹ gọi tên anh”; thơ: Lương Hữu Quang).
Ca khúc như một bức tranh, một tác phẩm điêu khắc bằng âm nhạc, trong đó bóng dáng người mẹ chờ con như tạc vào thời gian, tạc vào lòng người. Dù con khôn lớn bao nhiêu thì khúc ru và bóng dáng của mẹ vẫn in hằn trong cả giấc mơ con: “Vẳng nghe tiếng hát à ơi/ Đằm sâu âu yếm mẹ tôi thuở nào” (“Khúc mẹ ru”; thơ: Kiều Công Luận). Bóng dáng người mẹ tần tảo xuất hiện nhiều trong các ca khúc của Trọng Lưu “Bóng mẹ gầy lặn lội bờ sông/ Đêm giá lạnh ấm bồng ru tiếng khóc” (“Qua đò nhớ mẹ”; thơ: Nguyễn Ngọc Hạnh), “Ánh mắt mẹ cười trong con non tươi ngọt hương cỏ mật” (“Cánh đồng tháng Mười”; thơ: Nguyễn Thị Ngọc Hà)... Là một người lính, sớm xa gia đình, Trọng Lưu đồng cảm sâu sắc khi đọc những bài thơ về mẹ. Và ca khúc là cách ông gửi gắm nỗi niềm yêu thương với chính người mẹ của mình.
Trọng Lưu là nhạc sĩ phổ thơ khá thành công. Tình yêu với văn chương đã dẫn lối để ông gặp nhiều bài thơ hay và giai điệu âm nhạc giúp tác phẩm thơ ấy có thêm một đời sống khác. Nhiều ca khúc của Trọng Lưu phổ thơ được phổ biến rộng rãi, có tác phẩm đã nhận được giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam như "Lội qua vùng khát” (thơ Nguyễn Thị Ngọc Hà)... hay giải thưởng của Tạp chí Văn nghệ quân đội như “Khúc mẹ ru” (thơ Kiều Công Luận), “Lá ngàn hát khúc ru anh” (thơ Lam Bằng), “Con đường xưa” (thơ Võ Thị Hồng Tơ)...
Nói về việc phổ thơ, Trọng Lưu cho rằng: “Bản thân bài thơ đã có làn điệu và nhịp điệu rồi, tôi chỉ là người đọc ra nhịp điệu, theo cách của riêng mình”. Có lẽ, vốn văn học đắp bồi từ tấm bé đã giúp Trọng Lưu “đọc” rất nhanh và rất tinh những bài thơ giàu hình ảnh, giàu tính nhạc.
Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, Trọng Lưu mang đầy đủ phẩm cách của một người trai Hà Nội. Và có lẽ, nhạc cũng là người. Âm nhạc của Trọng Lưu luôn kể những câu chuyện gần gũi, những hồi ức tha thiết bằng giai điệu đẹp đẽ và xúc cảm chân thành. Và, Hà Nội cũng đi vào nhạc của Trọng Lưu với một cảm thức như thế. Là vẻ đẹp duyên dáng, kín đáo “Có một Hà Nội trong tôi/ Vẫn âm thầm lặng lẽ thả hương/ Thơm ngan ngát Tây Hồ” giữa hiện thực “Hà Nội lô xô mái chóp/ Ngõ phố người xe tấp nập”... (“Có một Hà Nội trong tôi”; thơ: Nguyễn Thị Ngọc Hà). Dù nghe trong đó có cả chút luyến nhớ một Hà Nội xưa thong thả yên bình...
3. Trọng Lưu dành cho âm nhạc một tình yêu thuần khiết, không đòi hỏi, không cần đáp đền. Tất cả trọn vẹn là sự sẻ chia, giãi bày những điều ông cảm nhận từ cuộc sống, những tâm tư sâu kín. Mỗi ca khúc luôn được ông chăm chút từ lời ca đến giai điệu. Một thế mạnh trong các ca khúc của Trọng Lưu là cấu trúc tác phẩm chặt chẽ, khúc chiết. Ông chủ yếu sử dụng chất liệu âm nhạc mang âm hưởng Đồng bằng Bắc Bộ với giai điệu mượt mà, giàu tình cảm. Cảm xúc trong âm nhạc của ông mang nhiều màu sắc hoài niệm, tha thiết, dễ đi vào lòng người.
Đôi khi, Trọng Lưu nhận mình “thua thiệt” khi không theo âm nhạc bài bản như chị gái và em trai. Hành trang âm nhạc ban đầu của ông là ít ỏi những buổi học đàn piano cùng thầy Hoàng My, và sau đó là tự học. Nhưng có lẽ, quan trọng là bầu không khí âm nhạc mà ông được đắm mình từ tấm bé.
“Tôi là người được cha thường xuyên giao “nhiệm vụ” chép lại những bản nhạc mà ông mới vừa sáng tác. Cũng nhờ đó mà tôi thường xuyên được tiếp cận với âm nhạc...”. Rồi khi bắt đầu sáng tác cũng không thể thiếu cha - “người thầy đầu tiên” ấy: “Hầu hết các tác phẩm âm nhạc thời kỳ đầu của tôi đều được ông góp ý, sửa chữa. Tôi đã trưởng thành lên qua sự chỉ bảo, dạy dỗ của ông như thế” - Trọng Lưu khẳng định.
Nhưng có lẽ, điều quan trọng nhất mà ông sở hữu là tố chất âm nhạc và trái tim nhạy cảm. Thế nên, Trọng Lưu sáng tác từ khá sớm và khá nhanh. Không kể những bài hát nổi danh từ phong trào văn nghệ của Học viện Quân y hay Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thì ông đã có những tác phẩm được phổ biến rộng rãi từ lâu như “Mèo con và giọt mưa” (1980), “Muốn nói cùng khơi xa” (1982) chuyển soạn độc tấu piano và hòa tấu piano - violon... Đến nay, ông là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Âm nhạc Hà Nội, đã sáng tác hàng trăm ca khúc.
Trọng Lưu những tưởng đã đi con đường khác với cha mình nhưng rồi cha - con ông vẫn gặp nhau trên cung đường âm nhạc. Và thực ra, ông rất giống cha. Ở cách tận tâm, chu toàn trong mọi việc. Có lẽ bởi họ cùng mang trong mình trái tim người lính với nhịp đập cống hiến cùng cảm xúc chân thành.