Putrajaya - hình mẫu của “thủ đô thứ hai”

Lê Thủy| 15/03/2022 13:12

(HNNN) - Là thành phố được quy hoạch mới hoàn toàn, Putrajaya (Malaysia) được xây dựng từ năm 1995 với sứ mệnh “giảm tải” cho thủ đô Kuala Lumpur. Sau gần 3 thập niên, Putrajaya ngày nay đã trở thành trung tâm hành chính hiện đại, một đô thị thông minh, một hình mẫu đáng học hỏi và đầy hứa hẹn của xu hướng thành lập “thủ đô thứ hai” ở nhiều quốc gia.

Vườn bách thảo Putrajaya.

Đô thị xanh, thông minh và kết nối

Nằm cách thủ đô Kuala Lumpur khoảng 25km về phía nam, Putrajaya là một thành phố trẻ được xây dựng với vai trò là trung tâm hành chính của Malaysia. Được đặt theo tên của Thủ tướng Malaysia đầu tiên - Tunku Abdul Rahman Putra, Putrajaya được coi là một phần của hành lang nghiên cứu và phát triển công nghệ cao trải dài về phía nam từ Kuala Lumpur, thường gọi là “siêu hành lang đa phương tiện”. Trong tiếng Phạn, “putra” có nghĩa là “hoàng tử” hoặc “nam nhi”, và “jaya” có nghĩa là “thành công” hoặc “chiến thắng”.

Ngay từ khi bắt tay xây dựng, chính phủ Malaysia đã xác định Putrajaya cùng với thành phố láng giềng Cyberjaya - một thành phố hiện đại và được coi như “thung lũng Silicon” của Malaysia - sẽ trở thành hình mẫu cho các thành phố xanh trong tương lai. Các tòa nhà chính phủ được xây dựng mới ở đây đều được thiết kế để đáp ứng các tiêu chuẩn xanh. Đường phố rộng rãi, thoáng đãng với rất nhiều cây xanh. Năm 2010, định hướng phát triển thành phố được nâng lên một bước. Đó là xây dựng một “thành phố toàn cầu xanh, thông minh và kết nối”. Hầu hết công trình đô thị ở Putrajaya đều được quản lý bằng các ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất thế giới.

Putrajaya nằm ở vị trí chiến lược trên trục tăng trưởng kinh tế Bắc - Nam, tiếp giáp với Cyberjaya - trung tâm của “siêu hành lang đa phương tiện”, lại rất gần với sân bay quốc tế, cụm công nghiệp công nghệ và các cơ sở học thuật lớn. Vị trí này được xem là “mảnh đất màu mỡ” cho tri thức và sáng tạo. Một lợi thế khác của Putrajaya là vị trí của nó là khu vực đô thị dễ tiếp cận thứ hai sau Kuala Lumpur. Có thể đến đây bằng đường bộ từ tất cả các trung tâm địa phương quan trọng và bằng đường sắt cao tốc kết nối Kuala Lumpur với sân bay quốc tế…

Từ một vùng đất hoang sơ, cằn cỗi, Putrajaya đã trở thành nơi tập trung của những công trình hiện đại, mang tính biểu tượng mới của Malaysia. Có thể kể đến cầu treo Seri Wawasan mang dáng dấp một con thuyền đang giương buồm ra khơi, được biết đến là một trong những công trình hiện đại nhất của thành phố Putrajaya. Thánh đường Hồi giáo Putra được hoàn thành vào năm 1999, có phần tháp cao 116m và có sức chứa đến 15.000 tín đồ đến cầu nguyện và là công trình kiến trúc độc đáo của Putrajaya. Tòa nhà văn phòng của Thủ tướng được xây hoàn toàn bằng đá tự nhiên với mái vòm màu xanh lá theo phong cách Moghul vô cùng đẹp mắt - một công trình được du khách rất yêu thích...

Hình mẫu về “thủ đô thứ hai”

Việc xây dựng một đô thị hành chính mới hiện đại, thông minh, kết nối linh hoạt để giảm áp lực cho thủ đô là xu hướng được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Ngay ở khu vực Đông Nam Á, một số nước như Indonesia, Thái Lan cũng đã đưa ra đề xuất di chuyển thủ đô để ứng phó với tình trạng ô nhiễm môi trường và tắc nghẽn giao thông. Và, Putrajaya được xem như một hình mẫu về “thủ đô thứ hai” để nhiều quốc gia học tập.

Trước khi xây dựng Putrajaya, các cơ quan chính phủ Malaysia được đặt tại nhiều địa điểm khác nhau trên khắp Kuala Lumpur. Tuy nhiên, với tình trạng tắc nghẽn giao thông ngày càng gia tăng, khoảng cách giữa các văn phòng gây cản trở rất lớn cho hoạt động hành chính, chính quyền của cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad đã quyết định tạo ra một thủ đô mới, nơi tập trung các văn phòng chính phủ thành một trung tâm hành chính hiệu quả hơn. Các bộ và cơ quan chính phủ bắt đầu chuyển đến Putrajaya vào năm 2003, trong khi Kuala Lumpur vẫn là thủ đô tài chính và thương mại của Malaysia.

Trước khi được quy hoạch, Putrajaya chỉ là một khu đất lộn xộn với các đồn điền cao su và cọ dầu. Toàn bộ dự án xây dựng được thiết kế và thực hiện bởi Tập đoàn Putrajaya, với giá trị ước tính 8,1 tỷ USD. Đây được xem là dự án táo bạo nhất của Thủ tướng Mahathir trong suốt 24 năm lãnh đạo đất nước. Với quy hoạch rõ ràng ngay từ đầu, Putrajaya được xây dựng với một niềm tự hào là một thành phố của Malaysia, do người Malaysia thiết kế để đại diện cho thủ đô hành chính của đất nước. Khu đất 4.900ha được phân chia thành 17 khu vực với 5 khu vực chính được chỉ định là khu vực lõi được ngăn cách bởi một hồ nước nhân tạo với phần còn lại, được gọi là vùng ngoại vi. Đại lộ chính dài 2,1km trong khu vực lõi là nơi tổ chức các cuộc diễu hành trong những buổi lễ quốc gia, lễ hội và các sự kiện văn hóa lớn. Với sứ mệnh giảm tải cho thủ đô Kuala Lumpur, hơn 83% công trình thuộc thành phố này là các tòa nhà công sở và nhà ở của chính phủ. Với đà tăng trưởng như hiện nay, Putrajaya sẽ trở thành một thành phố gần 350.000 dân vào năm 2025.

Sự phát triển của Putrajaya qua gần 3 thập niên đã chứng tỏ tầm nhìn của Malaysia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Putrajaya - hình mẫu của “thủ đô thứ hai”