Tái hiện nghi thức cổ truyền ở hội Láng

Nguyễn Thanh| 16/04/2023 07:18

(HNM) - Lần đầu tiên sau 70 năm, lễ hội chùa Láng (phường Láng Thượng, quận Đống Đa) sẽ phục dựng toàn bộ nghi thức dân gian đã làm nên nét độc đáo riêng có của hội xuân xưa vùng kẻ Láng. Sự kiện diễn ra từ ngày 25 đến 27-4 (tức mùng 6 đến mùng 8 tháng Ba năm Quý Mão) tới đây, nhằm mục đích bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội chùa Láng, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân và khách thập phương.

Biểu diễn văn nghệ tại lễ hội chùa Láng (phường Láng Thượng, quận Đống Đa).

Lễ hội chùa Láng, hay còn gọi là hội Láng, là lễ hội vùng do cư dân các làng: Láng Thượng, Láng Trung, Láng Hạ xưa (nay là phường Láng Thượng) tổ chức, nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương làng Láng; tưởng nhớ các vị tiền bối có nhiều công lao với quốc gia, dân tộc, cụ thể là Thiền sư Từ Đạo Hạnh - một biểu tượng mang tính đa diện, vừa là tăng, vừa là Phật, vừa là vua, vừa là tổ nghề rối cổ truyền. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày cùng nhiều nghi thức dân gian độc đáo, gắn với cuộc đời của một trong những danh sư có nhiều truyền thuyết linh dị nhất trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Theo Phó Trưởng ban Quản lý di tích phường Láng Thượng Trần Quang Huy, hội Láng diễn ra chủ yếu tại chùa Láng, song còn có một số nghi thức được thực hành tại những điểm di tích trên hành trình đoàn rước kiệu đi qua, nhằm tái hiện những dấu ấn quan trọng trong cuộc đời Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Trong đó có nghi thức “đấu thần” diễn ra tại chùa Thánh Tổ - nơi thờ Pháp sư Đại Điên. “Đây là cuộc “đấu pháo” độc nhất vô nhị, mô phỏng lại trận đấu giữa Thiền sư Từ Đạo Hạnh và Pháp sư Đại Điên, với các tràng pháo thăng thiên kéo dài trong nửa tiếng đồng hồ từ đoàn rước hướng sang chùa Thánh Tổ và ngược lại”, ông Trần Quang Huy nói.

Ngoài ra, Hội Láng còn có nghi thức “độ hà”, được thực hiện bằng việc trai đinh khiêng kiệu lội qua sông Tô Lịch, chứ không đi trên cầu, hàm ý “con không đi trên đầu cha”, do trước kia cụ thân sinh ra Thiền sư Từ Đạo Hạnh bị người xấu sát hại và vứt xác xuống sông. Hành trình rước kiệu Thiền sư còn đi qua nhiều điểm di tích khác, như: Chùa Nền, chùa Tam Huyền, chùa Hoa Lăng…, trước khi quay trở lại điểm xuất phát. Ở mỗi điểm đến đều diễn ra những hoạt động sôi nổi khác nhau để mừng hội Láng.

Tại chùa Láng, khi kiệu rước trở lại cũng là lúc các trò vui được tiến hành khắp nơi. Người dân sau khi lễ Phật, lễ thánh sẽ tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, các trò chơi dân gian, tạo nên không khí sôi động khắp một vùng. Theo Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh, lễ hội chùa Láng là biểu tượng của tinh thần đoàn kết, sự liên kết sâu sắc giữa các cộng đồng tham gia lễ hội.

“Lễ hội là bức tranh tổng hòa các giá trị văn hóa phi vật thể, từ ngữ văn truyền khẩu là các câu chuyện truyền thuyết về Từ Đạo Hạnh, nghệ thuật trình diễn qua các tích trò, tập quán xã hội và tín ngưỡng với các tục hèm… đến tri thức dân gian thể hiện qua nghệ thuật sắp lễ tạo thành biểu tượng của vũ trụ, thiên tử và Phật pháp, qua đó góp phần duy trì thuần phong mỹ tục của địa phương”, bà Phạm Thị Lan Anh nhận định.

Trải qua hàng trăm năm, lễ hội chùa Láng, vì nhiều nguyên nhân, có những giai đoạn bị gián đoạn trong thực hành tín ngưỡng. Gần đây nhất là khoảng thời gian từ năm 1953 đến nay, chùa Láng thường chỉ tổ chức hội lệ (tế, lễ tại chùa), các nghi thức rước, tục hèm không được thực hành đầy đủ. Theo Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Nguyễn Hoàng Giáp, lễ hội chùa Láng năm nay ghi dấu mốc lần đầu tiên sau 70 năm khôi phục lại đầy đủ các nghi thức cổ truyền, làm nên nét hấp dẫn của “hội trận” độc nhất vô nhị trong kho tàng lễ hội cổ truyền Việt Nam.

“Công tác chuẩn bị cho lễ hội đã cơ bản hoàn tất. Các phương án phục hồi đám rước cùng các nghi thức “độ hà”, “đấu thần” đã được tính toán cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế mà không làm mất đi nét đặc sắc vốn có. Về lâu dài, để di sản trường tồn theo thời gian, quận sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng Chương trình hành động nhằm bảo vệ và phát huy giá trị lễ hội chùa Láng; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đơn vị quản lý, cộng đồng thực hành nghi lễ di sản và nhân dân tham gia lễ hội, tránh những hiểu biết sai lệch dẫn đến làm biến đổi các giá trị truyền thống”, ông Nguyễn Hoàng Giáp thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tái hiện nghi thức cổ truyền ở hội Láng