Trong ký ức nhiều người, Hà Nội đẹp và thanh bình gắn liền với hình ảnh những gánh hàng rong và những tiếng rao trầm ấm vọng từng góc phố. Những hình ảnh này từng được hiển hiện trong những bộ phác thảo đầu đời của các danh họa tài ba như Lê Phổ, Tô Ngọc Vân… và đi cả vào văn chương.
Sinh thời, nhà văn Tô Hoài (1920-2014) kể: “Thời bà tôi, mẹ tôi, hàng rong đã xuất hiện nhiều lắm rồi. Phụ nữ gánh hàng rong chít khăn mỏ quạ, mặc váy, đi dép “Kẻ Noi”. Nói về hàng rong, theo tôi biết, là từ khi tôi còn bé, nó chỉ quanh quanh ngoại thành Hà Nội thôi. Những người sống xung quanh 36 phố phường làm thủ công, làm ruộng hay trồng rau thường kiếm sống bằng nghề bán rong. Họ bán củ khoai, củ sắn hay sản phẩm họ làm được”.
Những ngày cận Tết, mỗi độ thu sang, mỗi mùa hoa về, các mẹ, các chị từ các làng phụ cận Hà Nội lại nhộn nhịp gánh cốm, gánh các loài hoa, các loại sản vật rong ruổi phố phường, mang hương mùa thu, không khí Tết về mọi nẻo.
Qua những trang miêu tả “Quà hàng rong” trong “Hà Nội băm sáu phố phường”, nhà văn Thạch Lam giúp hậu thế hiểu hơn những câu chuyện tinh tế về văn hóa của người Hà Nội xưa. Ông kể rằng đến mùa cốm, người của Hà Nội 36 phố phường vẫn thường ngóng trông “cô hàng cốm xinh xinh, áo quần gọn ghẽ, với cái dấu hiệu đặc biệt là cái đòn gánh hai đầu cong vút lên như chiếc thuyền rồng”. Nghe tiếng rao của cô, người dửng dưng đến đâu cũng biết là mùa thu đã đến.
Những riếng rao của những người bán hàng rong vang lên như một điệp khúc thân quen và thường nhật: “Ai bánh mì nàooo!”, “Bánh bao nóng đâyyyy!”, “Ai xôi khúc đơiiiiii”… Những thanh âm ấy được luyến láy và kéo dài một cách da diết, làm cho người nghe đôi khi băn khoăn tự hỏi: Họ là ai? Họ từ đâu đến và họ sẽ còn đi tới những đâu?...
Họ đa phần là dân nghèo thành thị, người ở quê ra, không có khả năng thuê mướn cửa hàng nên phải đi bán hàng rong kiếm sống. “Gánh” cả gia đình trên vai nên dẫu ngày nắng gắt hay mưa dầm, bước chân tảo tần của họ vẫn bền bỉ ghi dấu trên mỗi con đường, góc phố của Hà Nội.
Ngày trước, phố phường Hà Nội không đông đúc, không nhiều quán xá nên sự xuất hiện của những người bán hàng rong không những không gây trở ngại, mà còn là nét văn hóa sống động tô điểm cho cuộc sống chốn kinh kỳ.
Ngày nay, do sự phát triển của nền kinh tế, sự mở rộng của đô thị và cả những tiến bộ công nghệ, chỉ cần nhấc điện thoại alô hay nhấp chuột đặt hàng qua mạng là “thượng đế” sẽ được phục vụ tận nhà. Thêm vào đó, những mặt trái của hàng rong là môi trường xử lý chất thải chưa tốt, khó kiểm soát và quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm... khiến nó có thể không còn thích hợp với một đô thị hiện đại.
Hình ảnh những gánh hàng rong buôn bán lấn chiếm vỉa hè, những đội quân bán hàng rong “hai sọt một xe” xuất hiện nhộn nhịp trên đường phố, dừng đỗ tự do trên lòng, lề đường, xả rác bừa bãi... biến nhiều con phố của Hà Nội trở thành "chợ cóc di động" nhếch nhác, cản trở giao thông, mất mĩ quan đô thị...
Ngay cả những tiếng rao cũng được thay thế bằng những loa, đài tăng âm ồn ào. Đó còn chưa kể, một bộ phận người bán hàng rong chèo kéo, nài ép khách du lịch mua hàng, làm mất đi hình ảnh đẹp của một thủ đô văn minh.
Để hạn chế những mặt trái của hàng rong thì việc tiếp tục nghiên cứu tổ chức khu vực riêng cho bán hàng rong hoặc nghiên cứu định hướng nghề nghiệp cho người dân đang có thu nhập chính từ việc chiếm dụng vỉa hè phố để kinh doanh... là hết sức cần thiết.
Người bán hàng rong và người tiêu dùng cũng cần xây dựng hình ảnh văn minh: Có ý thức bảo vệ môi trường và giữ gìn an ninh trật tự xã hội..., để không làm giảm đi nét đẹp của Thủ đô.