Điểm đến mới lạ...
Nằm trên tuyến quốc lộ 21B, trục phát triển kinh tế phía Nam, tuyến du lịch từ Hà Nội đến Hương Sơn, kết nối thuận lợi với Hà Nam và Ninh Bình… Ứng Hòa là vùng quê cách mạng với nhiều điểm đến được đánh giá là mới lạ.
Hiện nay, trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, Ứng Hòa càng yên bình, gần gũi với thiên nhiên và là vành đai xanh của Thủ đô.
Ứng Hòa có nhiều làng nghề truyền thống, nổi tiếng với sản phẩm thủ công, món ăn đặc sản như: Vịt cỏ Vân Đình, Bún Bặt, làng nghề sản xuất tăm hương Quảng Phú Cầu, nghề may áo dài ở thôn Trạch Xá, xã Hòa Lâm; nghề làm đàn ở thôn Đào Xá, xã Đông Lỗ…
Huyện còn có số lượng di tích lịch sử, di tích văn hóa cách mạng đứng thứ hai thành phố, với 433 di tích, trong đó 161 di tích được xếp hạng. Ngoài ra, trên địa bàn còn có 63 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 50 lễ hội, 8 nghề thủ công, 3 tập quán xã hội và 2 tri thức dân gian.
Hiện nay, nhiều xã của huyện Ứng Hòa có đầy đủ các yếu tố để phát triển du lịch nông nghiệp, phát triển du lịch văn hóa lịch sử cách mạng gắn với trải nghiệm làng nghề. Ví như xã Trầm Lộng của huyện đã xây đựng định hướng phát triển du lịch văn hóa lịch sử gắn với địa chỉ ATK Chùa Chòng. Ngoài địa chỉ lịch sử ATK Chùa Chòng đang được đầu tư, tôn tạo xứng tầm, địa phương còn có nhiều mô hình du lịch trải nghiệm khá phong phú. Đó là Khu trải nghiệm Nhà Diều - được đánh giá là điểm du lịch trải nghiệm hữu ích cho các du khách, nơi truyền cảm hứng, bồi dưỡng cho nhiều thế hệ học sinh về bản sắc văn hóa Việt với tổng diện tích hơn 3ha, bao gồm cụm không gian văn hóa đình làng, khu lưu trú, khu trải nghiệm, đồng ruộng, ao hồ, vườn tược…
Tại điểm đến Hòa Xá, Chủ tịch UBND xã Dư Văn Dũng chia sẻ, trên địa bàn xã có 10 di tích, trong đó có 1 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia là đình Hòa Xá. Đặc biệt, xã còn có Bảo tàng Quê hương Phong trào Chiếc gậy Trường Sơn..., tất cả đều được quan tâm đầu tư tôn tạo với kinh phí hàng chục tỷ đồng từ nhiều nguồn khác nhau. Hiện, Bảo tàng và các di tích lịch sử của địa phương đang được nhiều trường học thường xuyên đưa học sinh, sinh viên tới tham quan, tìm hiểu lịch sử...
Một điểm đến gắn liền với các di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng khác mà du khách có thể tham quan là xã Tảo Dương Văn. Theo trưởng thôn Tảo Khê - Đỗ Đặng Lanh cho biết, các di tích lịch sử, cơ sở cách mạng của địa phương được người dân và chính quyền gìn giữ nguyên vẹn, như: Ngôi nhà nhỏ bốn gian ở xóm Trung Kiên, thôn Tảo Khê là điểm thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên ở Ứng Hòa - cũng là Chi bộ Đảng đầu tiên ở phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ) đến chùa Tảo Khê, là nơi lưu giấu nhiều cán bộ cấp cao của Đảng và cây Trôi - cây di sản nghìn năm tuổi. Hằng năm, các di tích lịch sử của địa phương thu hút hàng nghìn người, đặc biệt là thế hệ trẻ tham quan, tìm hiểu lịch sử đáng tự hào của vùng.
Ngoài hệ thống di tích lịch sử cách mạng hấp dẫn, Ứng Hòa còn có nhiều làng nghề độc đáo. Thời gian gần đây, làng tăm hương Quảng Phú Cầu nổi lên như điểm check-in mới lạ, không những thu hút du khách trong nước mà còn nhiều khách quốc tế tìm đến. Tận mắt chứng kiến và trải nghiệm cách người dân ở đây tạo ra sản phẩm tăm hương từ những công đoạn chọn vầu, bó tăm, nhuộm phẩm... tỉ mỉ cũng là điểm nhấn thú vị, cuốn hút trong chương trình khám phá làng tăm hương ở Quảng Phú Cầu của du khách.
Tăng cường kết nối vùng
Bên cạnh tiềm năng lớn về phát triển du lịch văn hóa gắn với các di tích lịch sử cách mạng, thì phát triển du lịch làng nghề ở Ứng Hòa còn nhiều hạn chế. Ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội cho rằng, Ứng Hòa chưa phát triển được các loại hình du lịch trải nghiệm làng nghề cho du khách. Nhân lực phục vụ trong lĩnh vực du lịch tại địa phương còn hạn chế, đặc biệt là nhân lực chuyên nghiệp. Nhiều dịch vụ du lịch như nhà hàng, khách sạn, các cơ sở lưu trú còn thiếu. Đặc biệt, Ứng Hòa chưa huy động được nguồn lực đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng, quảng bá, marketing cho các điểm du lịch…
Do đó phát triển du lịch ở Ứng Hòa nên theo hướng gắn với trải nghiệm, giúp du khách có những kỷ niệm đáng nhớ, tạo sự khác biệt cho địa phương và thu hút khách du lịch trở lại. Ví dụ, du khách có thể tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất của các làng nghề như làm tăm hương, may áo dài… hay tập làm nông dân. Việc xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm bền vững sẽ giúp Ứng Hòa giữ được giá trị của sản phẩm du lịch nông thôn, làng nghề và di tích lịch sử văn hóa; đồng thời, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và văn hóa địa phươn
Ngoài ra, Ứng Hòa cần tăng cường kết nối với các địa phương lân cận trong phát triển du lịch, như: Mỹ Đức, Hà Nam, Ninh Bình, Hòa Bình… để tạo ra các sản phẩm du lịch gắn kết trải nghiệm toàn vùng, tăng tính ứng dụng và thuận tiện cho du khách.
Về vấn đề này, Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa Bùi Thị Thu Hiền cho biết, trong thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh chính sách khuyến khích đầu tư phát triển du lịch gắn với việc đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ hoạt động quảng bá và marketing; tăng cường đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch, đặc biệt là kết hợp sản phẩm du lịch nông thôn, làng nghề và di tích lịch sử để đa dạng hóa trải nghiệm cho du khách; kết nối đào tạo và cung cấp nhân lực chuyên nghiệp trong lĩnh vực du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ…
Hy vọng, với những giải pháp định hướng nêu trên, du lịch ở huyện Ứng Hòa sẽ vượt qua thách thức để phát triển bền vững và hiệu quả hơn...