1. Có mặt tại lễ kỷ niệm 16 năm thành lập Bảo tàng Phan Thị Ngọc Mỹ (tháng 9-2022), tôi đã chứng kiến sự yêu mến, trân trọng của giới nghề dành cho bà. Rất đông họa sĩ, nhà nghiên cứu bảo tàng ở khắp mọi nơi đã đến để chúc mừng và chiêm ngưỡng thành quả của nữ họa sĩ xứ Đoài. 16 năm quả là một hành trình không ngắn, bà đã phải đổ tâm sức, tiền bạc và thời gian để “từ không đến có” như hôm nay. Hôm đó, nữ họa sĩ tươi tắn, rạng ngời trong bộ áo dài màu hồng nhạt. Có những lúc phát biểu hay nghe lời tâm sự của những người bạn, đôi mắt bà đỏ hoe vì xúc động. Để có không gian như hôm nay, bà nghẹn ngào cho biết, là nhờ sự giúp đỡ, đồng hành của bạn bè, đồng nghiệp và những người yêu mến mình.
Tại buổi lễ, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam khẳng định: “Để có được bảo tàng không chỉ là tâm huyết của họa sĩ Phan Thị Ngọc Mỹ trong 16 năm qua mà còn cả hàng chục năm “chạy đà” trước đó. Bà cứ lặng lẽ, âm thầm để xây dựng nên một không gian văn hóa đặc sắc, thú vị, hấp dẫn nơi “xứ Đoài mây trắng” như ngày hôm nay. Với vị trí địa lý gần ngay chùa Thầy, bảo tàng đã kết nối cùng ngôi chùa cổ kính, linh thiêng này tạo nên điểm du lịch lý tưởng cho du khách”.
Còn dưới con mắt của người làm di sản, PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia khẳng định: “Bảo tàng của họa sĩ Phan Thị Ngọc Mỹ đã và đang phát huy hiệu quả trong việc gìn giữ, lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc. Việc bảo tàng đặt ở làng quê đã góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của người dân, từ đó đóng góp vào quá trình xây dựng nông thôn mới tại nơi này”.
Cùng các đại biểu bước chân vào khuôn viên bảo tàng với mặt bằng hơn 500m2 sàn trong khu biệt thự 3 tầng khang trang, chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, bởi bảo tàng sở hữu rất nhiều tranh, thư pháp và hiện vật gốm quý. Tầng một dành để trưng bày các tác phẩm của các họa sĩ Lê Huy Hòa, Lưu Công Nhân, Trần Lưu Hậu, Linh Chi... Tầng hai dành để trưng bày tác phẩm của các họa sĩ bậc thầy thời mỹ thuật Đông Dương như Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái... Tầng ba trưng bày tác phẩm của các họa sĩ trẻ đương đại. “Cách sắp xếp này giúp người xem có cái nhìn tổng thể về quá trình phát triển của hội họa nước nhà” - họa sĩ Phan Thị Ngọc Mỹ nhấn mạnh.
2. Sinh ra trong một dòng họ nổi tiếng với các nhà nho Phan Huy Ích và Phan Huy Chú, ngay từ khi còn nhỏ, họa sĩ Phan Thị Ngọc Mỹ đã được giáo dục trong một gia đình gia giáo, nền nếp và được thừa hưởng năng khiếu “cầm, kỳ, thi, họa”. Dù tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế quốc dân nhưng bà lại có niềm say mê hội họa. Bà đã mày mò tự học hỏi, sáng tạo để không bị gò bó trong khuôn phép hay quy tắc cứng nhắc nào.
Chủ đề quen thuộc trong các bức vẽ của bà là con người, thiên nhiên xứ Đoài. Trong các bức tranh của bà, người xem dễ dàng nhận thấy màu sắc tươi sáng, bút pháp trẻ trung, khoáng đạt và đặc biệt là giàu nữ tính. Bà đã vẽ các bức tranh bằng tâm hồn yêu đời, yêu thiên nhiên và cuộc sống. Nét vẽ trong tranh của bà bay bổng, lãng mạn như lời ca, nốt nhạc mang đến cho người xem sự tươi mát, chất chứa khát vọng và sự vươn lên.
Họa sĩ Phan Thị Ngọc Mỹ khởi đầu sự nghiệp nghệ thuật bằng việc mở cửa hàng tranh trên phố Bà Triệu (Hà Nội) vào những năm 1980. Cứ nghe nói ở đâu có tranh quý là bà lại cất công tìm mua. Lâu dần, khối lượng tranh càng lớn thì kinh tế nhà bà càng khó khăn. Có lúc bà thuyết phục chồng bán cả căn nhà để mua cho được những bức tranh quý. Theo bà, để mua được những bức tranh quý thì tiền không quan trọng, lòng đam mê mới là yếu tố quyết định. Khi có trong tay khối lượng tranh đồ sộ, bà ấp ủ việc lập một bảo tàng tranh ngay tại quê nhà. Có ý tưởng, lại được địa phương, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp ủng hộ, bảo tàng đã nhanh chóng được thành lập và đi vào hoạt động.
Họa sĩ Phan Thị Ngọc Mỹ cho biết: “Theo quy định của Nhà nước, bảo tàng được phép thu phí để duy trì hoạt động, tuy nhiên, đến thời điểm này, bảo tàng vẫn mở cửa miễn phí. Bởi tôi mở bảo tàng này không phải để kiếm tiền, mà muốn lan tỏa giá trị văn hóa của xứ Đoài cũng như giá trị văn hóa dân tộc đến với du khách. Mỗi ngày, trung bình bảo tàng đón hàng chục khách; số lượng khách đông hơn vào dịp cuối tuần, ngày lễ. Trong số khách đến với bảo tàng có các em đến từ trường học trên địa bàn huyện Quốc Oai, các huyện lân cận, thậm chí từ các quận nội thành. Mỗi năm, vào dịp hè, tôi lại dạy vẽ miễn phí cho các em học sinh có nhu cầu. Tất cả những việc mà tôi làm chỉ với một khát vọng là thế hệ trẻ hãy quan tâm nhiều hơn đến văn hóa dân tộc, bởi đó chính là hồn cốt, là bản sắc hàng nghìn năm của ông cha để lại”.
3. Việc họa sĩ Phan Thị Ngọc Mỹ mở bảo tàng tư nhân đã tạo nên “cú hích” cho sự ra đời của nhiều bảo tàng tư nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo bà, trong xã hội hiện nay cần phải xã hội hóa các nguồn lực để xây dựng bảo tàng. Cùng với bảo tàng công, bảo tàng tư nhân sẽ giải quyết nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu, học tập của du khách. Tuy nhiên, điều mà bà trăn trở là hiện nay số hiện vật, tranh của mình ngày càng lớn hơn, trong khi diện tích bảo tàng lại không thể “tăng thêm”.
Dù đã ở tuổi 75, họa sĩ Phan Thị Ngọc Mỹ vẫn ngược xuôi với những chuyến sưu tầm, thăm thú, trao đổi ở các bảo tàng để nâng cao công tác quản lý, trưng bày các hiện vật. Bà mong muốn mỗi ngày khách đến với bảo tàng của mình nhiều lên và đó chính là “quả ngọt” sau biết bao nỗ lực và tâm huyết. Mặc dù biết tình yêu với hội họa, với văn hóa truyền thống trong mỗi người không thể một sớm, một chiều nên bà luôn kiên trì, nhẫn nại và có niềm tin về những bức tranh, cổ vật trong bảo tàng cũng như những việc mà mình đã và đang làm sẽ có tác động, sức lan tỏa đến mọi người. Sâu thẳm trong thâm tâm, bà muốn thông qua hội họa đánh thức tinh thần tự tôn dân tộc trong tâm hồn mỗi người, để mỗi người sẽ có cách riêng cống hiến cho Tổ quốc thân yêu.