Xưa và nay

Bình An Vương Trịnh Tùng - vị chúa Trịnh đầu tiên

Thành Dũng 17/08/2023 06:14

Công cuộc Trung hưng nhà Lê nói riêng và thời kỳ vua Lê - chúa Trịnh luôn thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, bởi đây là một thời kỳ đặc biệt với cơ chế “song trùng quyền lực”: Vừa có vua, vừa có chúa.

trinhtung.jpg
Chân dung Trịnh Tùng trong “Trịnh gia chính phả”.

Thành tổ Triết vương Trịnh Tùng (1550 - 1623) là vị chúa đầu tiên trong các chúa Trịnh. Xét về thế thứ, ông là đời thứ hai của họ Trịnh kế tục việc phù Lê suốt 249 năm.

Cha của Trịnh Tùng là Trịnh Kiểm chỉ được nhà Lê phong tước Công, còn tên thụy Thái vương của chúa tiên khởi Trịnh Kiểm là do đời sau đặt. Phải từ thời Trịnh Tùng trở đi, họ Trịnh mới được nhận tước Vương, khi tại vị được gọi là Chúa và lập thế tử, vì thế nên ông được xem là vị chúa Trịnh chính thức đầu tiên.

Sau khi Trịnh Kiểm mất, vua Lê Anh Tông sắc phong Trịnh Tùng là Trưởng quận công Tiết chế. "Đại Việt sử ký toàn thư” có viết: "Ngọc Bảo sinh con là Trịnh Tùng, tài đức hơn người, anh hùng nhất đời, có thể nối được chí cha, giúp nên nghiệp Đế. Công cuộc Trung hưng của triều Lê thực dựng nền từ đấy". Tiếp thu truyền thống tốt đẹp của ông ngoại (Nguyễn Kim) và của cha (Trịnh Kiểm), Trịnh Tùng được học hành chu đáo, giỏi văn võ, năm 16 tuổi đã đi chinh chiến, năm 20 tuổi đã đeo ấn Bình Đông, được phong Phúc Lương hầu. Ông tinh thông binh pháp, có mưu lược nên khi quân Mạc bao vây Yên Trường - Vạn Lại, được vua Lê giao ấn Tiết chế chư dinh, ông đã cùng tướng sĩ không cho quân Mạc tiếp cận nơi vua ở - nơi căn bản nhất của Nam Triều. Chỉ trong một đêm, ông cho đắp thành lũy dài hơn 10 dặm. Danh tướng Mạc là Mạc Kính Điển thấy vậy thất kinh nói với tướng sĩ dưới quyền: "Không ngờ ngày nay quân Lê còn có kỷ luật, pháp lệnh nghiêm minh, lòng ta không yên. Tất không thể thành công, chưa dễ dẹp yên được" ("Đại Việt sử ký toàn thư”).

Trong "Đại Việt sử ký toàn thư” và "Sự nghiệp các chúa Trịnh trong lịch sử nước Đại Việt" (tác giả Phạm Xuân Huyên) đã nêu một khúc quanh sau khi Trịnh Kiểm mất. Vua Lê Anh Tông giao cho con trưởng của Trịnh Kiểm là Tuấn Đức hầu Trịnh Cối quyền điều hành triều chính và công cuộc chống Mạc. Trịnh Cối vốn không có tài năng lại ham mê tửu sắc, tướng sĩ không phục. Các tướng giỏi và mưu sĩ đem quân bản bộ về phò Phúc Lương hầu Trịnh Tùng do ông là người văn võ song toàn, biết trọng hiền tài, thương yêu sĩ tốt. Thấy lòng quân sinh biến, Trịnh Cối cho quân truy bắt Trịnh Tùng và phe cánh. Trịnh Tùng kéo quân sĩ về Yên Trường - Vạn Lại. Sau 7 ngày vây đánh không được, Trịnh Cối đem 1 vạn quân đánh với đội quân 10 vạn người, 700 chiến thuyền của Mạc Kính Điển. Trịnh Cối thua to và đã đem 1.000 quân và gia quyến hàng nhà Mạc, được Mạc Kính Điển phong cho tước Trung Lương hầu ("Đại Việt sử ký toàn thư”). Ngày 9-4-1584, Trịnh Cối chết, quân Mạc giao quan tài cho người nhà đem về chôn. Trịnh Tùng trình tấu xin vua xá tội, cho người đón tiếp linh cữu, quàn tại núi Quân Yển (Yên Định, Thanh Hóa) và tổ chức tang lễ chu đáo.

Trong cuốn "Đại Việt sử ký toàn thư”, sử thần Ngô Sỹ Liên miêu tả hàng trăm trận đánh lớn nhỏ để nói lên tài thao lược của Trịnh Tùng. Sau khi giải phóng thành Thăng Long (mùa xuân 1593), Trịnh Tùng cho sửa sang cung điện, bày cờ xí, chỉnh đốn binh mã chuẩn bị đón vua (Lê Kính Tông) về kinh thành. Vua từ hành cung Vạn Lại (Thanh Hóa) đi qua các huyện Mỹ Lương, Chương Đức một tháng thì đến Thanh Oai cắm trại. Tiết chế Trịnh Tùng đem các quan đến Thanh Oai, cử nhã nhạc rước vua về kinh. Trong lời chiếu (ngày 16-4-1593) tại chính điện, vua Lê Kính Tông đã ca ngợi, tôn vinh Trịnh Tùng: "Việc dực phù nhật nguyệt, chỉnh đốn càn khôn thì nhờ ở công đức của Minh Khang Thái vương (Trịnh Kiểm) cùng Tổng quốc chính Thượng phụ Trịnh Tùng". Ngày 7-4-1599, vua tấn phong Trịnh Tùng làm Đô nguyên súy Tổng quốc chính Thượng phụ Bình An vương.

Đánh dẹp nhà Mạc, giải phóng Thăng Long, mặc dù đây đó vẫn còn tàn quân Mạc nhưng có thể nói đất nước đã tạm yên sau hàng chục năm binh đao khói lửa, dân tình khốn đốn vì nội loạn. Công cuộc dẹp Mạc phải kể đến công sức của Thái phó Đoan quận công Nguyễn Hoàng (cậu ruột Trịnh Tùng) khi đích thân đưa tướng sĩ, voi ngựa, thuyền ghe từ Thuận Hóa về kinh lạy chào vua Lê; đem sổ sách binh lương, tiền vàng châu báu của 2 trấn Thuận Hóa và Quảng Nam dâng nộp. Vốn là người đa tài, Nguyễn Hoàng còn giúp Trịnh Tùng tiễu trừ dư đảng nhà Mạc, đến sau năm 1600 mới "Hoành sơn nhất đái vạn đại dung thân", về ở đất Đàng trong. Sau đó, những nghi kỵ giữa hai bên đã dẫn đến thảm họa binh đao Trịnh - Nguyễn kéo dài gần 200 năm.

trinhtung1.jpg
Sau khi mất, Thành Tổ Triết vương Trịnh Tùng được đưa về an táng ở quê nhà Sóc Sơn nay là xã Vĩnh Hùng (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa).

Cũng đã có không ít quan điểm từ chính sử đến dân gian gắn cho Trịnh Tùng cụm từ "bức vua". Ở chuyện "bức vua", trong lúc cuộc đánh dẹp nhà Mạc đang hồi gay cấn, Trịnh Tùng mở cuộc phản công nhà Mạc khắp nơi thì xảy ra chuyện động trời: Vua Lê Anh Tông nghe lời xúc xiểm rằng "Tả tướng (Trịnh Tùng) cầm quân quyền thế rất lớn, bệ hạ khó lòng tồn tại với ông ta được", thế là trong đêm mang 4 hoàng tử chạy đến thành Nghệ An và ở luôn tại đó. Bản kỷ của "Đại Việt sử ký toàn thư” viết: "Anh Tông từ thuở hàn vi vì là cháu xa đời của họ Lê dòng dõi nhà vua, nhờ được Tả tướng Trịnh Tùng và các quan tôn lập làm vua thiên hạ, nhưng sau đó lại tin dùng bọn tiểu nhân, nghe lời ly gián, khinh suất đem ngôi báu xiêu dạt ra bên ngoài, hại đến thân mình". Hành xử thể hiện sự bất tài, bạc nhược của nhà vua đã đẩy Trịnh Tùng vào thế chân tường. Ngay trong đêm hôm ấy, Trịnh Tùng khảng khái nói với thuộc hạ: "Nay nghe lời dèm pha của kẻ tiểu nhân, phút chốc đem ngôi báu phiêu bạt ra bên ngoài. Thiên hạ không thể một ngày không có vua. Bọn ta và quân lính sẽ lập công danh cho ai được, chi bằng trước hết hãy tìm Hoàng tử để lập nên, để yên lòng người" ("Đại Việt sử ký toàn thư”). Vị hoàng tử mà Trịnh Tùng lập nên chính là vua Lê Thế Tông sau này. Và kể từ năm 1600, chế độ chính trị phong kiến Đại Việt có hình thái mới, có vua có chúa cùng cầm quyền quản trị đất nước. Vua Lê đã dành cho chúa Trịnh Tùng những đặc quyền, đặc lợi như con chúa thế tập nối nghiệp được gọi là Thế tử, vợ chúa được gọi là Vương phi, con gái là Quận chúa và chế độ này được truyền nối.

Uy danh của Bình An vương Trịnh Tùng không những lẫy lừng trong nước mà vang vọng đến Trung Quốc. Vua nhà Minh đã sai người đem tặng Bình An vương sắc văn 8 chữ vàng: "Quang hưng tiền liệt, Định quốc nguyên huân" (Làm rạng rỡ công đức tổ tiên, đất nước yên ổn thái bình, công đứng đầu) cùng các vật phẩm như đai ngọc, mũ xung thiên, ngựa tốt, đồng thời tặng tôn hiệu Đại nguyên soái.

Bình An vương Trịnh Tùng cầm quyền bính được 53 năm. Sử sách thời đó coi ông là người có công lớn mang lại giang sơn, ngai vàng cho vua Lê, là bậc đại anh hùng của thời kỳ Lê Trung hưng. Trong "Lịch triều hiến chương loại chí”, sử gia Phan Huy Chú viết: "Ông tính khoan hòa, yêu người, khéo vỗ về tướng sĩ, dùng binh như thần... Ông thực sự làm Chúa, cầm quyền chính, công lao sự nghiệp lừng lẫy...".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bình An Vương Trịnh Tùng - vị chúa Trịnh đầu tiên