Hoạt động này nằm trong tổng thể dự án cải tạo môi trường bờ vở sông Hồng ở phường Chương Dương, đồng thời cũng là một phần trong chuỗi sự kiện “Một tuần Vì một Hà Nội đáng sống” (diễn ra từ ngày 25-11 đến 4-12) nhằm tôn vinh, giới thiệu các hoạt động văn hóa, xã hội, nghệ thuật, môi trường được tổ chức bởi các cá nhân và nhóm cộng đồng tại Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, đồng sáng lập Doanh nghiệp xã hội Think Playgrounds: “Việc đưa vườn Giác quan vào giai đoạn 2 dự án Công viên rừng bờ vở sông Hồng là một ví dụ cho cộng đồng, trẻ em và người dân Hà Nội thấy được một mô hình mới, hay nói cách khác là cách tư duy mới mà chúng ta đối xử với không gian công cộng thông qua ngôn ngữ thiết kế Omniscape. Omniscape là một cách mà các nhà quy hoạch Nhật Bản ứng dụng để tạo nên mối liên kết giữa con người với thiên nhiên, đặc biệt là trong không gian đô thị. Mục đích hướng tới không chỉ là tạo nên không gian đẹp để nhìn ngắm mà nó còn mang đến mùi vị, âm thanh, thậm chí có thể sờ, nếm. Đó chính là quy hoạch cảnh quan gắn liền năm giác quan, điều mà các dự án đã và đang thực hiện ở Việt Nam chưa ai làm”.
Khu vườn Giác quan của Công viên rừng bờ vở sông Hồng trồng khoảng 300 cây trồng thuộc 40 loài cây, trong đó có nhiều cây giống bản địa như trứng gà, quất hồng bì, mít, dành dành, phèn đen, hương nhu... Ngoài ra, một số cây khác như cúc tần, trầu không, dâm bụt, phù dung, ngọc lan, hoa hồng... cũng được ươm trồng tại đây nhằm tạo môi trường vườn rừng với các lớp tầng tán phù hợp. Mục tiêu của vườn Giác quan là trồng nhiều loài cây đa dạng giúp người dân có thể ngắm nhìn (màu sắc của hoa, lá), ngửi (mùi hương của các loài hoa), nghe (tiếng lá xào xạc) và có thể ứng dụng một cách thiết thực vào cuộc sống hằng ngày như các loại cây gia vị và các loài có tác dụng chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe...
Dự án này còn có sự chung tay của Đại sứ quán New Zealand. Phát biểu tại buổi lễ, bà Tredene Dobson, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam cho biết: “Thông qua dự án giúp cải tạo không gian xanh công cộng, bao gồm trồng cây và hỗ trợ xử lý nước thải, chúng tôi hy vọng, cộng đồng địa phương, đặc biệt là trẻ em có thể tận hưởng các hoạt động ngoài trời gần gũi với thiên nhiên và làm những gì các em giỏi nhất. Đó là chơi đùa, lớn lên trong hạnh phúc và là những thành viên khỏe mạnh trong cộng đồng của chúng ta”.
Dự án vườn Giác quan nằm trong khuôn viên Công viên rừng bờ vở sông Hồng thuộc giai đoạn 2 của Dự án cải tạo bờ vở sông Hồng được tiến hành từ năm 2021. Công viên rừng bờ vở sông Hồng có tổng diện tích 8.000m2, kéo dài từ phố Hàm Tử Quan đến sân đền Sơn Hải (phường Chương Dương), với các hạng mục công trình bổ trợ như đường kết nối, vườn Giác quan, hệ thống xử lý nước thải, sân chơi...