Hà Nội văn

Chuyện phố

Lam Bình 10/10/2024 - 14:05

Lan man về Hà Nội, hẳn có nhiều điều để nhớ. Rêu phong phố cổ, nhàn tản cà phê, quán cóc vỉa hè, chợ đêm chộn rộn... Hoặc là ngõ, những con ngõ đủ dài để người ta phải áng chừng thời gian khi đi qua, cũng chỉ đủ rộng để xe cộ dùng dằng tránh nhau...

pho-ha-noi.jpg
Góc phố Hà Nội. Ảnh: Đan Toàn

Và qua ngõ, dĩ nhiên để vào nhà. Những ngôi nhà thấp, hẹp chiều ngang nhưng lại dài và sâu hút, san sát liền nhau qua lớp sân ngăn cách. Những mái ngói âm dương dan díu với mảng tường rêu phủ, cái giếng khơi nằm giữa khoảng sân trong, hàng con tiện gỗ phía trước căn gác lửng thâm thấp với những ô cửa sổ tò vò... Tất cả trở thành “ký ức hình ống”, thành “di sản” của phố cổ, hồn cốt của Hà thành.

Ở đó, chếch qua ô cửa bé xíu, có thể quan sát, lắng nghe đủ thứ chuyện nơi quán nước vỉa hè, dưới chân cây cột điện, dù người trong nhà vốn chẳng phải kẻ tò mò.

Ở đó, bỗng một hôm chợt thấy nhành dương xỉ xanh ngắt trồi ra từ một mé tường rêu, ghé mắt trông sang những mái ngói lô xô như thủy triều ào về từ con phố bên cạnh...

***

Với những người có ít nhiều “chất nghệ”, căn gác áp mái là không gian sống đặc biệt, mơ mộng và u hoài. Sự chật chội dường như chưa bao giờ khiến cho phố cổ trở thành một cái gì giống như khu “ổ chuột” giữa lòng đô thị này, khi gác xép chính là một thực tế minh chứng cho sự thông minh, khéo léo tổ chức không gian sinh hoạt của dân gốc Hà Nội. Để bên cạnh việc phục vụ cho những nhu cầu thiết yếu, người “phố Hàng” vẫn có một không gian để “chơi”. Đó là nơi những chiều hè gió tung tẩy thổi từ đầu ngõ vào tới khoảng sân trong, qua cửa sổ thẳng lên căn gác xép, nằm khểnh đọc sách mà tai còn nghe rõ tiếng rao dưới ngõ của cô hàng bánh rán. Là những tối thu trăng rọi qua khe cửa như ngàn năm qua vẫn thế, tưởng như cái vĩnh hằng vẫn cần mẫn ghé thăm một điểm nhỏ giữa mênh mông. Là những đêm đông vàng vọt ánh đèn rọi ngang ô cửa sổ, hắt vào bên trong những mảng màu tương phản, khi ngoài kia gió bấc căm căm gọi mùa về. Và, lại nhớ một sáng xuân năm nào cách đây đã rất nhiều năm, chẳng biết là mấy giờ, mở mắt ra chợt thấy ánh sáng đã theo những kẽ ngói li ti chiếu rọi xuống, tuôn qua ô cửa tò vò khiến cho bức tường loang lổ vôi rêu như được khoác thêm một lớp áo mỏng, trở nên sâu và tuyệt đẹp, làm bật hẳn lên một nhành khẳng khiu, guộc gầy điểm vài bông xanh trắng... “Dã mai cốt cách nguyên phi tục”, câu thơ của Nguyễn Trung Ngạn thốt nhiên vụt hiện về trong trí. Là bởi, trong cái bình sứ men lam kia chính là bạch mai đang ở đúng thời khắc của loài hoa.

***

Nhắc đến một chút “mai cốt cách”, phải chăng là đang nhắc tới một nét tính cách của “người Hà Nội” xưa: Trầm tư, kín đáo, hơi nhuốm phong vị Thiền. Thu liễm một chút, nhưng cũng lại có cái chất hơi ngông ngạo kiểu “kẻ sĩ Bắc Hà”, thông minh, tài hoa đấy mà cũng lười biếng, uể oải lắm. Và phong lưu, nôm na là không giàu đâu, nhưng cái chất sang thì chẳng trộn lẫn.

Thực tế thì, cái danh xưng “người Hà Nội” xưa cũng như nay chỉ nên hiểu một cách tương đối, khi bản thân Hà Nội từ ngàn đời nay vốn đã là một đô thị có tính chất quần cư, là bến đỗ cho đời người bốn phương. Mà khi đã mang trong mình nhiều tập hợp người, nghĩa là không “thuần chủng”, thì thật khó để xác định được cho thật rõ một nét tính cách của những “người Hà Nội”. Thôi thì, hãy cứ dùng lại câu thơ: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” của cụ Nguyễn Công Trứ, không phải khuyết danh như nhiều người vẫn tưởng thế, để ví von so sánh, dù vẫn biết là chẳng phải ai cũng thanh lịch và chẳng phải đâu cũng là nền nếp, gia phong.

Tựu trung, để phác ra vài nét về cái “mai cốt cách, tuyết tinh thần” của dân xứ Thăng Long - Kẻ Chợ ngày trước, có thể thấy được phảng phất đâu đó trong cả các tác phẩm nghệ thuật của những nghệ sĩ là “con ruột” của phố cổ Hà Nội: Màu nâu xám nhuốm vị trầm buồn trong tranh “phố Phái”, những thân phận kín đáo bộc lộ trong tranh thiếu nữ Dương Bích Liên... Trong không gian “phố Hàng”, những họa phẩm ấy chắc hẳn đã được soi rọi bởi thứ ánh sáng tràn qua mái ngói hay ô cửa tò vò lành lạnh và trong trẻo...

Nhớ thì cứ mãi là nhớ và cảm nhận chẳng bao giờ là cũ xưa, mòn vẹt. Vẫn sẽ cứ trộn khuấy, đan cài và bất phân, vô định giữa hai lằn ranh quá khứ và thực tại, không gian và thời gian, màu và mùa... Cũng như, có ai giải thích được rành rẽ rằng tại sao ta lại yêu một người đến thế? Mà Hà Nội thì cũng tựa như một người đẹp nền nã và duyên ngầm, làm ta say đắm.

Tất nhiên, nhiều người sẽ bảo: Chỉ còn là “vang bóng một thời”, khi những mâu thuẫn, xung đột giữa hai giá trị cũ và mới, nội sinh và ngoại sinh cứ ngổn ngang, va đập với nhau chan chát hằng ngày; và cái cốt cách trầm, thanh của người Hà Nội, theo thời gian cũng đã có những lai tạp và chuyển hóa rất nhiều. Nhưng hãy cứ tĩnh, chậm lại một chút. Một lúc nào đó thử gạt đi những cái tạp nham, xô bồ ấy qua một bên và thử tẩn mẩn, lang thang đi tìm, hỏi và thử cố lắng nghe... Sẽ thấy rằng vẫn còn, nhưng kín đáo hơn, âm trầm và khó tìm, khó nghe thấy hơn. Nằm khuất ở đâu đó, xen lẫn với những cái mới mà có thể không đẹp, vẫn còn đó vía hồn của nhà xưa phố cũ đang vận động theo nhịp chảy hôm nay. Và, biệt đãi xứng đáng cho những người chẳng ngại khó đi tìm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuyện phố