Xưa và nay

Phố bờ sông

Nguyễn Ngọc Tiến 28/09/2024 - 08:14

Trận bão lũ đầu tháng 9 vừa qua đã gây úng ngập bãi giữa sông Hồng và các phố ngoài đê dọc sông. Từ trận bão năm 1997 đến nay mới có trận lũ lớn gây úng ngập như vậy. Những bãi xưa đã thành phố từ lâu nên lũ cũng không gây nhiều thiệt hại.

ngap-bai.jpg
Phố Tứ Liên trong những ngày nước sông Hồng lên cao do ảnh hưởng của cơn bão số 3. Ảnh: Vũ Minh

Trước khi Pháp chiếm Hà Nội, dân ngoài bãi sông Hồng thưa thớt. Thời Pháp thuộc, bãi An Dương (nay thuộc phường Yên Phụ, quận Tây Hồ), bãi Phúc Xá (nay là phường Phúc Xá, quận Ba Đình) có tên gọi chung là bãi Cát. Dân đông dần vì hằng năm đều có người dựng lều sinh sống. Đại đa số là tầng lớp dưới đáy xã hội, lam lũ với đủ nghề nặng nhọc như xe tay, xe bò, khuân vác, vớt củi, bán quà rong...

Họ là dân các tỉnh về Hà Nội mưu sinh. Một số ít có nghề thủ công, buôn bán lặt vặt nhưng làm ăn thất bại, trắng tay, không còn chỗ ở nên ra đây dựng lều. Hằng ngày lo kiếm miếng ăn, đến mùa lũ lại lo chạy nước. Người lớn không có giấy tờ tùy thân, vì thế, con đẻ ra không có giấy khai sinh.

Trong báo cáo của Thống sứ Bắc Kỳ gửi toàn quyền Đông Dương Albert Pierre Sarraut năm 1912, có đoạn: “Dân bãi Cát không khai tử vì sợ khai báo phiền hà tốn kém, không giấy tờ lý lịch nên trẻ con không được đi học, người lớn không thể xin được việc làm ở các xí nghiệp”. Bệnh tật không có tiền đi nhà thương, hoặc có thì chỉ chữa thuốc Nam, có người vô vọng nằm chờ chết.

Năm 1932, nhà báo Tam Lang nhập vai phu xe sống ngoài bãi đã viết thiên phóng sự “Tôi kéo xe” đăng trên Hà Thành Ngọ Báo gây tiếng vang trong xã hội khi đó. Năm 1936, chính quyền thành phố quyết định di dời nghĩa trang chôn cất người chết vô thừa nhận ở bãi Nghĩa Dũng, vợ chồng nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô đã cúng 100 tiểu quách đựng hài cốt.

Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh được giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội khóa I ở khu vực này. Dân dừng hết công việc ra bãi Phúc Tân (nay là phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm) mít tinh ủng hộ Người. Trong kháng chiến chống Pháp, bãi Cát và bãi Giữa đã lập đội tự vệ bí mật, có cả dân anh chị tham gia. Sau 60 ngày đêm chiến đấu anh dũng, ngoan cường, cuối tháng 2-1947, Trung đoàn Thủ đô được lệnh rút khỏi Hà Nội, đơn vị tự vệ ở bãi Cát đã âm thầm đưa các chiến sĩ qua sông Hồng an toàn.

Ở An Dương có tới mấy chục gánh xẩm túm lại một chỗ, dân Yên Phụ gọi là trại Xẩm. Ngày đi hát, tối về nấu ăn rồi chui vào trong lều ngủ vạ vật, sớm hôm sau lại kéo nhau ra bến ô tô, xe điện. Cuộc sống khốn cùng nhưng họ đã tham gia đội văn nghệ tuyên truyền, kêu gọi bà con không nghe theo lời xúi giục di cư vào Nam.

Sau ngày tiếp quản Thủ đô, dù còn nhiều việc quan trọng nhưng chính quyền thành phố đã nỗ lực thay đổi diện mạo của khu vực An Dương, Nghĩa Dũng, Phúc Xá và Phúc Tân. Xí nghiệp gỗ 42, Mộc Bạch Đằng mọc lên, thu nhận người bãi. Chỉ trong vài năm, hàng loạt dãy nhà tập thể một tầng lợp ngói được xây dựng rồi phân cho người lao động. Quân đội có khu tập thể K95, nhiều tướng tá nhà văn sống ở đây. Từ An Dương kéo xuống Đầm Trấu, bãi trở thành phố bãi hay phố bờ sông. Nhiều người trở thành công nhân, có gạo cung cấp, đau ốm được vào bệnh viện chữa trị không mất tiền, điều trước đó họ không dám mơ.

Xen giữa những phố bãi, thành phố còn xây dựng nhiều trường trung cấp nghề khang trang. Sân vận động Phúc Tân được sửa sang lại thành Câu lạc bộ Thể dục thể thao Long Biên, chiều chiều nhộn nhịp người tập. Chính quyền mới tập hợp người dân lao động tự do vào các hợp tác xã khiến cuộc sống của họ khá ổn định. Các gia đình trồng dâu, ngô hay khoai lang được đưa vào hợp tác xã nông nghiệp nên bãi Giữa xanh ngắt. Tháng 8-1958, thực hiện chủ trương của Ủy ban Hành chính thành phố, Công an quận Hoàn Kiếm đã kê khai, lập sổ hộ tịch, làm chứng minh thư cho người từ 18 tuổi trở lên. Từ dân lao động dưới đáy xã hội, bị khinh rẻ nay đã trở thành người phố, là công dân Hà Nội.

Vì sống ở phố bờ sông nên vào mùa mưa lũ, hàng vạn người phấp phỏng. Trận lũ năm 1968, 1969 và đặc biệt là trận lũ năm 1971 lớn đến mức các cửa đê đều phải hàn khẩu, nước sông mấp mé mặt đê Yên Phụ, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải. Nhiều gia đình phải dựng lều sống tạm hàng chục ngày trên vỉa hè. Những năm bao cấp, hạ tầng ngoài đê chưa được đầu tư nên đường sá lầy lội, thiếu nước sạch trầm trọng, nhưng sau Đổi mới, phố bãi lột xác. Từ khu vực Tứ Liên kéo đến cầu Vĩnh Tuy, hầu hết là nhà bê tông kiên cố, giấy tờ chính chủ. Đường trục chính trải nhựa hay bê tông, điện nước đầy đủ.

Tháng 6-2024, Quốc hội đã cho ý kiến về 2 quy hoạch lớn của Hà Nội. Trong tương lai, khu phố bờ sông sẽ được cải tạo, xây dựng hệ thống công viên cây xanh sinh thái, công viên văn hóa, vui chơi giải trí, quảng trường đô thị..., đảm bảo hành lang thoát lũ và trở thành trục không gian chủ đạo, hấp dẫn của Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phố bờ sông