Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn cho biết, kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây là sự kiện chính trị, văn hóa lớn của thị xã nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của thế hệ hôm nay với di sản văn hóa ông cha để lại; tôn vinh, giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa tiêu biểu, độc đáo của di tích Thành cổ, cũng như tiềm năng phát triển du lịch văn hóa của Sơn Tây đối với bạn bè trong nước và quốc tế; thu hút du khách thập phương về với vùng đất địa linh nhân kiệt, góp phần thúc đẩy đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp văn hóa của thị xã. “Đón đầu sự kiện, trước, trong và sau dịp lễ, thị xã Sơn Tây đã và đang triển khai nhiều hoạt động hấp dẫn, làm nổi bật, lan tỏa ý nghĩa của sự kiện”, ông Trần Anh Tuấn nói.
Cụ thể, thị xã Sơn Tây triển khai các hoạt động sáng tác nghệ thuật, các hoạt động tham quan, trải nghiệm nhằm giáo dục truyền thống, ý thức bảo tồn di sản, khơi dậy tiềm năng sáng tạo văn hóa trong thế hệ trẻ; tổ chức trưng bày ảnh, hiện vật về di tích Thành cổ Sơn Tây, trưng bày sinh vật cảnh, cổ vật, thư pháp, diễn xướng hát văn… tại không gian đi bộ Thành cổ Sơn Tây.
Thị xã Sơn Tây phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại, du lịch Hà Nội tổ chức các hoạt động quảng bá du lịch, kết nối tour, tuyến nhằm phát triển du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng, trải nghiệm ẩm thực…
Đặc biệt, Lễ kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây (1822-2022) và xúc tiến đầu tư phát triển du lịch diễn ra ngày 12-11 tại chính không gian Thành cổ, với chương trình nghệ thuật đặc sắc, quy tụ nhiều gương mặt nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng, hứa hẹn mang đến cho nhân dân, du khách những ấn tượng đặc biệt trong không gian cổ kính của Thành cổ và không khí náo nhiệt tại không gian đi bộ.
Nhân dịp này, tại sân vận động thị xã Sơn Tây sẽ diễn ra Lễ hội khinh khí cầu lần đầu tiên, bao gồm các hoạt động như “Bay tự do ngắm bình minh Sơn Tây”, “Bay treo trải nghiệm ngắm Thành cổ Sơn Tây”, “Tham quan, trải nghiệm, chụp hình tương tác trực quan với khinh khí cầu”, hứa hẹn mang đến cảm xúc mới lạ, độc đáo cho du khách và người dân địa phương.
Là một trong 4 trọng trấn của Bắc thành Hà Nội, Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây) là hiện thân cho một giai đoạn trong lịch sử đất nước; minh chứng thuyết phục cho sức mạnh, lòng quyết tâm chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Thành cổ Sơn Tây được xây dựng từ năm Minh Mạng thứ ba (1822) với nguyên liệu hoàn toàn bằng đá ong - loại vật liệu đáp ứng được yêu cầu bền chắc của một công trình phòng thủ, lại rất sẵn có ở xứ Đoài.
Những sự kiện lớn của tòa thành liên quan đến cuộc chiến chống thực dân Pháp của triều đình nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam cho thấy, Thành là vùng “trọng địa” có chức năng che chở, bảo vệ cho đồng bằng và trung du Bắc Kỳ; đồng thời là “bàn đạp”, hậu cứ cho biên cương Tây Bắc.
Với những giá trị độc đáo, năm 1924, Thành cổ Sơn Tây được Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định xếp hạng di tích; năm 1994, được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Thông tin tại sự kiện, thị xã Sơn Tây đang xây dựng dự án tu bổ tổng thể di tích Thành cổ, đồng thời dự tính xây dựng hồ sơ đề nghị Nhà nước công nhận Thành cổ Sơn Tây là Di tích quốc gia đặc biệt.