Di sản

Chung tay bảo tồn, phát huy giá trị di sản Thành cổ Sơn Tây

Nam Phong 16/10/2024 - 13:55

Có lẽ hiếm nơi nào có nhiều thứ đặc biệt như Sơn Tây. Nằm ở vị trí lõi của xứ Đoài, Sơn Tây có làng cổ Đường Lâm, nơi sinh ra 2 vị vua lẫy lừng sử Việt: Phùng Hưng và Ngô Quyền.

Văn hóa nơi đây còn ghi dấu ấn bởi di tích Thành cổ Sơn Tây, một tòa thành được xây dựng bằng đá ong và được bảo tồn gần như nguyên vẹn.

thanh-co-son-tay.jpg
Toàn cảnh Thành cổ Sơn Tây.

Nơi lưu dấu thời gian

Theo sách “Đại Nam nhất thống chí”, Thành cổ Sơn Tây được xây dựng từ năm Minh Mạng thứ ba (1822), là trọng trấn cho cả khu vực phía Tây thành Hà Nội. Đây là một trong số 20 thành được xây dựng vào triều Nguyễn. Thành cũng được xem là vùng “trọng địa” có chức năng che chở, bảo vệ cho đồng bằng và trung du phía Bắc. Bởi vậy, đây còn là nơi đặt cơ quan hành chính của một vùng xứ Đoài rộng lớn, bao gồm gần một nửa diện tích của tỉnh Hà Tây cũ, tỉnh Vĩnh Phúc, một phần tỉnh Phú Thọ, huyện Sơn Dương của Tuyên Quang.

Trong lịch sử có ghi lại, hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, nơi Thành cổ đã từng diễn ra các cuộc chiến quả cảm của nghĩa quân chống lại sự tấn công của giặc Pháp. Qua thăng trầm lịch sử, nhiều công trình của thành đã bị phá hủy, tuy nhiên về cơ bản, tòa thành vẫn còn nguyên vẹn hình dạng.

Trong khu vực nội thành, các công trình kiến trúc theo phong cách truyền thống như Kỳ Đài (cột cờ), Vọng Cung (hay còn gọi là Điện Kính Thiên), Đoan Môn, hai hồ nước trong xanh phía trước cột cờ... vẫn còn rõ nét hình dạng và đã được các ngành chức năng trùng tu. Với tính chất quan trọng về văn hóa, lịch sử cùng kỹ thuật xây dựng độc đáo, năm 1994, Thành cổ Sơn Tây được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Dạo quanh Thành cổ, nhẩn nha bước trên con đường từ cửa Tiền (cửa phía Nam) đến cửa Hậu, tôi chiêm ngưỡng giếng Ngọc, cột cờ, Đoan Môn, Vọng Cung..., đặc biệt là nét rêu phong đọng trên những phiến đá ong và gạch cổ tường thành. Có tìm hiểu mới biết, thì ra Thành cổ Sơn Tây dù ở thuở nguyên sơ hay hiện tại thì đều được dựng từ đá ong. Đá ong là thứ nguyên liệu kỳ lạ, mềm mại khi ở trong lòng đất nhưng càng phơi gió, tắm sương thì lại càng bền chắc. Trông vẻ ngoài xù xì, cục mịch nhưng lại vô cùng bền bỉ, thời gian càng dài thì màu nổi lên càng đẹp.

Tôi còn nhớ dịp qua thăm ông Vương Văn Hùng, chủ cơ sở chế tác đá Hùng Châu - một trong những người có “đôi bàn tay vàng” trong xã Bình Yên (huyện Thạch Thất), người nghệ nhân bảo, đá ong là tài nguyên và cũng là “đặc sản” sẵn có ở vùng xứ Đoài xưa. Chẳng thế mà, nơi xứ Đoài, điểm qua các di tích nổi tiếng như chùa Thầy, chùa Tây Phương, đình Tường Phiêu, đền Và, Làng cổ Đường Lâm và đặc biệt là Thành cổ Sơn Tây... đều thấy sự hiện diện của đá ong. Ngày nay, dù có hàng ngàn loại vật liệu tự nhiên, nhân tạo mới ra đời với vô số công dụng tiện lợi, kinh tế nhưng với nhiều người, những viên đá ong xù xì, thô mộc vẫn là thứ được đánh giá cao.

Được nhiều người ưa chuộng, thế nên giá thành đá ong ngày một cao. Trước kia, chỉ những gia đình nào không có nhiều tiền thì mới tìm đến đá ong để dựng nhà, xây tường; nay thì ngược lại. Để mua được đá ong và dùng đá để “phủ” hết nhà cửa thì phải là những người khá giả, những đại gia mới có đủ kinh phí xây cất.

Ông Hùng chia sẻ, điều tiếc nuối duy nhất ở thời điểm hiện tại là đá ong ngày một hiếm. Nếu như trước đây ở Sơn Tây có “mỏ” đá ong lớn, ở Ba Vì hay Thạch Thất cũng dễ dàng tìm được những mỏ đá ong thì nay rất khó để tìm ra một mỏ.

“Lá phổi xanh” của thị xã

Qua thời gian, Thành cổ Sơn Tây giờ đây không còn giữ vai trò trọng trấn, bảo vệ dải đất ven kinh thành Thăng Long. Thành quách xưa giờ trở thành điểm tham quan, thư giãn của người dân cũng như du khách.

Ông Hứa Đức Tuấn, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thị xã Sơn Tây chia sẻ, với người Sơn Tây, Thành cổ được xem là “lá phổi xanh” giữa lòng đô thị. Những dịp có sự kiện lớn như biểu dương nữ công nhân, viên chức, lao động thị xã giỏi việc nước, đảm việc nhà hay có đoàn khách quốc tế đến tham quan..., Công đoàn thị xã đều lựa chọn Thành cổ là điểm đến, nơi lưu giữ hình ảnh đẹp cho chuyến thăm.

Quả thực có đến mới thấy, hiếm nơi đâu có số lượng cây xanh nhiều như Thành cổ Sơn Tây. Với diện tích 16ha, phần lớn diện tích này đều được bao phủ bởi thảm thực vật đa dạng. Tòa thành được ôm trùm bởi nhiều cây đại thụ, những xà cừ, cơm nguội, gạo, bồ kết, phượng vỹ, bằng lăng...

Chỉ tay vào cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi vươn bộ rễ sần sùi ôm trọn lấy bức tường rêu phong nơi cổng thành cổ kính, ông Hứa Đức Tuấn nhận xét: Sẽ tuyệt vời biết bao nếu mỗi buổi sớm thong dong tản bộ bên tường thành, ngắm những con đường xanh rợp bóng cây hay lặng lẽ đứng bên hào nước mênh mông xanh biếc để thả hồn theo những áng mây bồng bềnh ngang qua Thành cổ. Khi ấy, hẳn những muộn phiền sẽ theo gió tiêu tan.

Có lẽ, vẻ đẹp của Thành cổ đã đi vào trái tim của biết bao người con xứ Đoài như ông Tuấn. Tòa thành đá ong đã trở thành một phần máu thịt, hồn cốt không thể thiếu được của người dân thị xã bên dòng sông Hồng.

Ý thức được giá trị to lớn của di tích Thành cổ, thị xã Sơn Tây xác định lấy văn hóa làm tài nguyên, làm nền tảng phát triển kinh tế, thúc đẩy du lịch với mục tiêu đưa Sơn Tây trở thành cực tăng trưởng, kết nối vùng Tây Bắc của Thủ đô. Từ những điều này, Tuyến phố đi bộ ven Thành cổ Sơn Tây ra đời. Đáng mừng là, qua thống kê 6 tháng đầu năm 2024, thị xã đã đón hơn 60 vạn lượt khách du lịch. Với tuyến phố đi bộ, hiệu quả thúc đẩy kinh tế đêm đã từng bước được khẳng định. Đó là những đêm cuối tuần nô nức khách thập phương ghé thăm, là những chương trình lớn được thị xã tổ chức quy tụ nhiều gương mặt nghệ sĩ nổi tiếng...

Không chỉ vậy, Sơn Tây cũng xây dựng tour trải nghiệm di sản “Thành cổ - Văn Miếu - Đền Và - Đường Lâm”, tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học uy tín... nhằm tìm ra phương cách bảo tồn, phát huy giá trị di tích một cách hiệu quả.

Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng cho biết, trong nhiều năm qua, Thành cổ Sơn Tây luôn là điểm đến thu hút du khách. Cũng chính nhờ có di tích này mà không gian phố đi bộ luôn giữ được lượng du khách đông đảo vào mỗi tuần. Điều mà Sơn Tây đã làm tốt trong thời gian vừa qua là huy động cộng đồng cùng vào cuộc, chung tay bảo tồn di sản. Dễ thấy nhất đó là những buổi biểu diễn hoàn toàn miễn phí tại các khu vực ven hào Thành cổ. Đó là sự háo hức của du khách khi ghé đến Thành cổ Sơn Tây, là nét tươi vui của người dân địa phương mỗi khi được lên sân khấu biểu diễn...

Khi ánh chiều tà dần buông, Thành cổ Sơn Tây còn là nơi những cụ ông nhẩn nha ngồi dưới gốc si già để đánh cờ, thưởng trà; không ít cặp đôi cùng chọn Thành cổ làm nơi chạy bộ, rèn luyện sức khỏe... Thế mới thấy, Thành cổ Sơn Tây không chỉ là công trình có giá trị lịch sử, quân sự mà còn có ý nghĩa vô cùng lớn lao về mặt văn hóa, du lịch, góp phần vun bồi nên nét thanh bình của xứ Đoài.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chung tay bảo tồn, phát huy giá trị di sản Thành cổ Sơn Tây