Người trở về mình từ gốc rễ
Thi sĩ Khuất Bình Nguyên (tên thật là Khuất Văn Nga) là người gốc Sơn Tây, người xứ Đoài chính hiệu. Ông có người cha đặc biệt yêu thích truyện chương hồi Trung Hoa cổ.
Chính ông cụ thân sinh từng yêu cầu con trai mỗi buổi trưa đọc một chương của cuốn tiểu thuyết chương hồi nào đó, ngay khi Khuất Văn Nga còn là học sinh tiểu học. Bên cạnh đó, ông còn có một ưu thế khác: Giỏi văn từ nhỏ. Đến giờ, sau rất nhiều năm đã trôi qua, có một kỷ niệm mà Khuất Văn Nga vẫn nhớ dai dẳng. Ông kể: "Trong cuốn học bạ của tôi hồi học ở Trường cấp 1 Phúc Hòa (Phúc Thọ, Sơn Tây), thầy giáo chủ nhiệm từng phê: “Học giỏi, rất giàu trí tưởng tượng”. Chính xuất phát này đã “đưa đường, chỉ lối” cho Khuất Văn Nga trở thành sinh viên khoa Ngữ văn khóa 13 (Đại học Tổng hợp Hà Nội) từ năm 1968.
Đến năm thứ ba (1970), Khuất Bình Nguyên có bài thơ đầu tiên mang tên “Hoa trong làng” đăng trên Tạp chí Văn nghệ Hà Tây qua sự quan tâm và biên tập của nhà thơ Bế Kiến Quốc - người vừa đoạt giải nhì cuộc thi thơ của Tuần báo Văn nghệ 1968 - 1969. Sau đó, Khuất Bình Nguyên còn viết tiếp một số bài nữa, trong đó có một bài viết về sông Nhuệ có hai câu mang tín hiệu của sự thao thức không yên: "Lán nứa ven sông chiều im lặng/ Có con thuyền nào trăn trở dưới sông đêm".
Đấy là lần thứ nhất, Khuất Bình Nguyên chính thức đến với thơ.
Lần thứ hai, lần thứ ba, ông tiếp tục đến với thơ theo cách khác: Làm khóa luận về thơ Chế Lan Viên và làm luận văn tốt nghiệp “Những tìm tòi nghệ thuật của thi ca Việt Nam hiện đại đầu thế kỷ đến năm 1970”. Ông đặc biệt thích Chế Lan Viên. Ông coi thơ Chế Lan Viên không chỉ nói về thân phận của một con người mà là thân phận của một thế hệ của cả dân tộc. Ngày bảo vệ, luận văn được xếp hạng xuất sắc. Có nhiều giáo sư, giảng viên muốn xin luận văn. Vì tất cả đều phải viết tay nên việc “nhân bản” rất vất vả. Khuất Văn Nga đã phải nhờ đến bè bạn giúp việc này.
Năm 1972, sau khi tốt nghiệp, những tưởng sẽ “tuần tự nhi tiến” trong nghề văn, nhưng chẳng ngờ, cuộc đời tân cử nhân văn khoa Khuất Văn Nga lại bất ngờ gặp một khúc quanh định mệnh, trở thành người của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Năm 2010, khi đã có đến 10 năm làm Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, bấy giờ có người hỏi ông: “Ông học văn. Vậy học văn có tác dụng gì trong nghề kiểm sát của mình?”. Không ngần ngừ, Khuất Văn Nga trả lời ngay: “Nó giúp tôi tạo ra một phong cách khác với các đồng nghiệp và tăng thêm chất nhân văn trong nghề”.
Dịp Thăng Long - Hà Nội tròn nghìn năm tuổi, tôi mới có dịp làm quen với Khuất Bình Nguyên khi tôi và ông cùng đoạt giải nhì một cuộc thi thơ do Báo Văn nghệ và Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội tổ chức. Từ đó, tôi bắt đầu tìm hiểu ông qua thơ và quý trọng ông từ đó. Có một nhà thơ nước ngoài đã ví thơ của những người khi đã có tuổi mới “phát tiết”, mới “thăng hoa” là một thứ ánh sáng chậm. Và tôi cũng coi thơ ông là một thứ ánh sáng chậm như thế.
Đến nay, Khuất Bình Nguyên đã cho xuất bản 5 tập thơ và 3 tập phê bình văn học. Từ 2010 đến 2023, ông đã kịp đoạt nhiều giải thưởng văn chương danh giá: Giải nhì cuộc thi thơ nhân 1000 năm Thăng Long (2010) của Báo Văn nghệ và Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội, Tặng thưởng (Bằng khen) năm 2012 của Hội Nhà văn Việt Nam cho tập thơ “Hoa hoàng đàn nở muộn”, Giải thưởng năm 2016 của Hội Nhà văn Việt Nam cho tác phẩm xuất sắc “Giọt nước trong lá sen”, Giải A của Hội đồng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật năm 2020 cho tác phẩm “Giấu vàng trong gió thu”.
Bằng những sáng tác văn chương của mình, Khuất Bình Nguyên đã thực sự trở về nhà mình, trở về ngôi nhà văn chương của mình từ căn nguyên, gốc rễ.