Xưa và nay

Mong ước trước thềm xuân

Tùy bút của Tạ Việt Anh 10/02/2024 - 06:34

Trong số những làng hoa xưa của Hà Nội, có lẽ ngôi làng hiếm hoi còn tên đến bây giờ và vẫn giữ nghề truyền thống bao đời là làng đào Nhật Tân. Có điều, tên làng còn đó, hoa đào vẫn đây, nhưng giống đào Nhật Tân truyền thống đã “di cư” vài ba bận - như một người bạn yêu hoa, sinh ra và lớn lên, nay vẫn lập nghiệp tại vùng đất này đã nói.

tuy-but.jpg

Giờ nói đến đào Nhật Tân cũng là nói đến khu cánh đồng bãi sông Hồng chạy dài những vồng đất trồng đào. Nghĩa là, đi từ mạn Nghi Tàm, Yên Phụ lên thủ phủ đào Nhật Tân bây giờ nằm phía bên phải, qua cửa khẩu vào ngõ 264 đường Âu Cơ mà ra phía bãi sông Hồng. Khái niệm làng đào Nhật Tân, nằm phía bên trái, lối rẽ xuống đường Lạc Long Quân, chỉ còn trong ký ức của không nhiều người Hà Nội. Số người biết từng có một Dinh đào Nhật Tân, nơi xuất xứ và bảo tồn “gen” của giống đào quý xưa của Hà Nội, lại càng ít nữa. Tính ra đến đận được đưa ra bãi sông Hồng cách nay hơn hai chục năm, đào Nhật Tân đã “di cư” lần thứ hai. Lần đầu, như các cụ kể, là từ Dinh đào ven hồ Tây ra cánh đồng phía Bắc đường Lạc Long Quân chạy từ đê sông Hồng đến chợ Bưởi.

Khoảng những năm 1990, trên đường Lạc Long Quân có quán lẩu sách bò khá nổi tiếng. Dạo ấy đường này chưa mở rộng, chưa nhiều nhà cao tầng như bây giờ. Ngồi nhâm nhi chén rượu với món sách bò xào khế có thể thấy những ruộng đào đang đơm nụ phía xa xa. Rồi những ruộng đào cũng phải nhường chỗ cho những công trình hiện đại, mà rõ nhất là Trung tâm thương mại Lotte hiện nay.

Vùng đất trồng đào ngoài bãi sông Hồng bây giờ là kết quả cuộc “di cư” lần thứ hai của đào Nhật Tân. Theo những người sinh ra, lớn lên tại vùng này, Nhật Tân xưa có cả đồng và bãi. Những năm 1990 - 1995, diện tích đất đồng của Nhật Tân chỉ khoảng 34ha. Sau năm 1998, người dân chuyển ra bãi sông Hồng trồng đào và từ đó tới nay phát triển thành khoảng 60ha. Còn Dinh đào Nhật Tân trước đây rộng chừng 1,9 mẫu Bắc Bộ, nằm ở cụm 3, phường Nhật Tân, Tây Hồ. Nhưng quá trình đô thị hóa đã khiến Dinh đào có nguy cơ biến mất vĩnh viễn.

Theo quyết định phê duyệt “Đề án phát triển sản xuất hoa, cây cảnh thành phố Hà Nội, giai đoạn 2012 - 2016”, diện tích hoa đào toàn thành phố là 288,2ha (chiếm 14,4% diện tích đất trồng hoa), được trồng chủ yếu ở quận Tây Hồ, Long Biên và các huyện Đông Anh, Thường Tín. Diện tích hoa đào cho giá trị kinh tế cao khoảng 30ha, tập trung chủ yếu ở quận Tây Hồ, nghĩa là vùng đào Nhật Tân hôm nay.

Dù từ nhiều năm nay hàng trăm hộ dân Nhật Tân đã được cấp đất ngoài bãi để giữ nghề trồng đào, nhưng nhiều người vẫn còn lưu luyến nhớ khu đất được gọi là Dinh đào xưa. Những người theo nghề có kinh nghiệm đều biết, tuy cùng bung nở, đem lại sắc xuân cho Hà Nội nhưng đào trồng ngoài bãi có nét khác với đào trồng ở Dinh đào xưa, một vùng gò nằm dọc con đường hướng ra mặt hồ Tây. Nắng, gió và hơi nước cùng những yếu tố thổ nhưỡng rất hợp với cây đào đã khiến nụ đào trồng ở Dinh căng mẩy, bông to, cánh dày, thắm đậm hơn đào nơi khác.

Người sành chơi trót nặng lòng với cây đào ở Dinh đào cổ sẽ chẳng bao giờ muốn chơi đào trồng ở nơi khác. Có thể hơi cực đoan, nhưng đã có nhận xét: Cũng là người Nhật Tân, cũng trồng đào, nhưng người trồng đào ngoài bãi bây giờ gần hơn với hình ảnh người nông dân với những lo toan tất bật, một nắng hai sương, trong khi người trồng đào ở Dinh xưa không chỉ là người làm nông, mà ở họ còn phảng phất chất hào hoa, nghệ sĩ... Với họ, nghề trồng đào không chỉ là mưu sinh, mà còn đáng tự hào, thậm chí có chút kiêu hãnh. Nay thì cũng là chăm chút cho hoa nở đúng vụ, với những dáng những thế hợp thị hiếu người chơi, nhưng có vẻ như cái công cuộc trồng đào trên hàng chục héc ta ngoài bãi đã bớt đi niềm hứng thú, cái tình gửi vào cây cũng vừa phải, nhường chỗ cho những toan tính được mất...

Cứ ngỡ Dinh đào đã biến mất sau hai đận cây đào Nhật Tân “di cư”, vậy mà dịp chuẩn bị đón xuân Giáp Thìn này tôi may mắn bắt gặp chút hình ảnh còn lại của Dinh đào xưa nhờ chỉ dẫn của mấy người cao tuổi ngồi uống cữ trà chiều tại quán “Ông già”. Đó là khu đất nằm chỗ giao nhau của đường Nhật Chiêu và đường Vũ Tuấn Chiêu, thuộc cụm 3, phường Nhật Tân, bên hông nhà khách của UBND thành phố. Không biết có phải do nặng lòng hoài niệm về Dinh đào một thuở, mà tôi vẫn có cảm giác bồi hồi khi đặt chân lên khu đất từng được gọi trang trọng là Dinh đào đang lác đác những bông hoa nở sớm. Thế mới biết cha ông ta xưa đã nâng niu, trân trọng giống đào quý, tặng vật của đất trời biết bao nhiêu.

Bên chén trà nóng, một ông đã ngoài 70 tuổi chia sẻ: Khu đất còn lại của Dinh đào cũng là được lúc nào hay lúc ấy. Bởi theo quy hoạch, một con đường sẽ được mở từ đường Lạc Long Quân, chỗ khu Lotte tọa lạc, xuống thẳng ven hồ Tây. Có nghĩa là một chút còn lại của Dinh đào Nhật Tân xưa cũng có nguy cơ mai một.

Ngắm những gốc đào đang đơm nụ, nảy lộc trong ánh nắng nhẹ chiều cuối đông, lại nghĩ đến nhận xét của một chuyên gia: Nghề trồng đào Nhật Tân ngoài ý nghĩa về hiệu quả kinh tế còn có giá trị bảo tồn, phát triển nguồn gen thực vật quý hiếm và gìn giữ một nét đẹp văn hóa Hà Nội.

Quả thật là như vậy. Dinh đào Nhật Tân xưa trải bao biến thiên đã gắn với những câu chuyện đầy nét nhân văn, gắn với lịch sử hào hùng của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Lại ngẩn ngơ nghĩ, nếu một mai chút dấu tích sót lại của Dinh đào cũng không còn nữa thì đâu sẽ là nơi để con cháu chúng ta, những thế hệ chủ nhân tương lai của Thăng Long - Hà Nội có thể đến và tự hào bảo nhau rằng đây chính là nơi phát xuất câu chuyện đẹp hàng trăm năm trước, vào mùa xuân Kỷ Dậu năm 1789 Hoàng đế Quang Trung đã chọn một cành đào thắm gửi về Phú Xuân tặng công chúa Ngọc Hân như một tấm thiệp báo tin thắng trận. Đây cũng là nơi người dân Nhật Tân đã chọn những cành đào đẹp nhất gửi vào nội thành để các chiến sĩ "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" ăn Tết Đinh Hợi - cái Tết kháng chiến đầu tiên...

Rất may câu hỏi ấy xem ra đã có lời giải khi mới đây UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 5642/QĐ-UBND ngày 6-11-2023, theo đó Làng nghề hoa đào Nhật Tân cùng một số điểm đến khác như đình Nhật Tân, chùa Tảo Sách, phố đi bộ Trịnh Công Sơn, thung lũng hoa Hồ Tây, Công viên nước Hồ Tây, nhà hàng Sen Tây Hồ... được xác định là những điểm tham quan chủ yếu của khu du lịch trọng điểm Tây Hồ. Hy vọng, với quyết định này, trên mảnh đất Dinh đào còn lại sẽ có một công trình nho nhỏ, bao quanh là mấy luống đào quý, lưu giữ những hình ảnh, câu chuyện về cây đào Nhật Tân xưa. Và có lẽ, đây không chỉ là mong muốn của người dân và chính quyền phường Nhật Tân. Bởi Dinh đào Nhật Tân cùng với ruộng rau thơm làng Láng, vườn thuốc Đại Yên... dù không đem lại nhiều lợi ích kinh tế nhưng lại chính là những giá trị văn hóa, lịch sử riêng có của Thăng Long - Hà Nội, rất cần được chắt chiu, gìn giữ cho muôn mùa xuân sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mong ước trước thềm xuân