Có một làng nghề như thế

KTS Phạm Thanh Tùng| 25/01/2023 06:30

(HNM) - Bát Tràng là một trong ít làng nghề cổ của vùng đất địa linh nhân kiệt hơn ngàn năm tuổi.

1. Trong lịch sử hình thành và phát triển của Thăng Long - Hà Nội, Bát Tràng là một trong ít làng nghề cổ của vùng đất địa linh nhân kiệt hơn ngàn năm tuổi này. Theo Đại Việt Sử ký toàn thư, cách đây hơn 700 năm, dân làng Bồ Bát, thuộc trấn Thanh Hóa ngoại (nay là xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) là những người có nghề làm gốm đầu tiên di cư đến đây lập nghiệp tại Bát Tràng, sau khi Vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, dựng nghiệp lớn vào năm 1010.

Tương truyền, người dân Bồ Bát đến vùng đất bãi bồi trên sông Nhị, thấy nơi đây có loại đất sét trắng rất thích hợp với nghề làm gốm, lại có vị trí bến thuyền thuận lợi cho việc giao thương bèn dừng lại, lập phường làm gốm, lấy tên là Bạch Thổ Phường, nghĩa là Phường Đất trắng, thuộc xã Bát Tràng, về sau gọi là làng Bát Tràng. Còn theo nghiên cứu dấu tích tìm được của khảo cổ học, thì gốm Bát Tràng xuất hiện từ cách nay khoảng 8000 năm, vào giai đoạn cuối của văn hóa Hòa Bình đầu văn hóa Bắc Sơn.

Trải qua nhiều thế kỷ thăng trầm của lịch sử, những người thợ tài hoa nơi đây vẫn giữ được ngọn lửa nghề của tổ tiên để sáng tạo ra nhiều loại đồ gốm quý, độc đáo nổi tiếng khắp trong và ngoài nước. Và xã Bát Tràng (gồm hai thôn Bát Tràng và Giang Cao), cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km, với sản phẩm gốm sứ nổi tiếng, lâu đời của mình cũng đã trở thành điểm đến đầy hấp dẫn cho du khách bốn phương.

2. Tôi cũng đã vài lần đến Bát Tràng để du ngoạn, để được ngắm nhìn những người thợ gốm ở đây với đôi bàn tay như múa trên bàn xoay, biến thứ đất sét màu trắng xám đã được nhào nặn đến mịn nhuyễn như bột thành hình cái bát, cái đĩa, cái bình… Dù chẳng phải lúc nào cũng có nhu cầu mua sắm, vậy mà, mỗi khi ra về thế nào tôi cũng vẫn phải mua một thứ gì đó ở cái chợ gốm rộng mênh mông ngay đầu làng. Khi thì cái đĩa gốm có hình cặp tình nhân lãng mạn nhất của văn học nước nhà Chí Phèo - Thị Nở, đang liếc nhau cười tình tứ, tràn đầy hạnh phúc. Hay người đàn bà áo yếm lả lơi hai tay vừa nâng, vừa như tốc cái váy sồi đang mặc để chờ hứng quả dừa mà người đàn ông đang trèo trên cây cao hái thả xuống… Khi thì cẩn trọng ôm cái bình gốm men rạn giả cổ để cắm cành đào ngày Tết, vất vả leo lên chiếc xe buýt tuyến 47 chẳng lúc nào vơi khách để về nhà ở trung tâm thành phố.

Thời kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, hàng hóa nước ngoài tràn ngập ở nước ta, nhất là hàng hóa Trung Quốc. Ở đâu không biết, chứ ở Hà Nội, không khu phố nào là không có cửa hàng bán đồ gốm sứ Quảng Đông, Quảng Tây. Nhất là vào dịp cuối năm, giáp Tết. Đồ gốm sứ phương Bắc nhiều vô kể, đa dạng đủ loại với nước men sáng bóng, màu sắc, hoa văn, họa tiết và cả chữ Hán được vẽ cầu kỳ và lại bán với giá phải chăng (?!). Vậy mà, may thay, hàng gốm sứ Bát Tràng vẫn đứng vững, bao giờ cũng được người mua lựa chọn, cho dù đắt hơn hàng của Trung Quốc vài giá cùng chủng loại.

Thì ra, không phải lúc nào cứ “rẻ”, cứ “ngoại” là tốt! Hàng gốm sứ là loại hàng cao cấp, mang tính nghệ thuật và cũng kén người dùng. Chả thế mà bây giờ đứng đầu các lò gốm Bát Tràng, ngoài một số ít nghệ nhân cao niên, thì có rất nhiều nghệ nhân của làng tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp. Nhiều họa sĩ tốt nghiệp trường này về Bát Tràng khởi nghiệp và thành danh. Ở Bát Tràng, người ta thường lấy tên của nghệ nhân để gọi sản phẩm gốm sứ mà họ làm ra. Như nói đến gốm Trần Độ, gốm Vương Mạnh Tuân, gốm Tô Thanh Sơn là nói đến các nghệ nhân chuyên về phục chế đồ gốm cổ Thăng Long, men rạn truyền thống, men lam thời Nguyễn. Hay gốm Vũ Đức Thắng, gốm của vợ chồng Nguyễn Lợi - Phạm Thị Châu là nói về các loại gốm men nâu có tính độc đáo, giả cổ… mà các nghệ nhân này làm ra.

Trước đây, từ thế kỷ XIX, gốm được nung trong lò bầu bằng rơm rạ, tre nứa, sau thay bằng “củi phác”, “củi bửa”, thứ củi sau khi được bổ ra, xếp thành từng đống ngoài trời, phơi sương nắng cho ải rồi mới đem sử dụng. Khi chuyển sang dùng loại lò đứng từ năm 1975 thì nguyên liệu chính là than cám, còn củi chỉ dùng để mồi lò. Than cám trộn kỹ với bùn đất theo tỷ lệ nhất định rồi nặn thành từng bánh nhỏ phơi khô. Nhiều khi người ta nặn xong đập lên mặt tường nhà, tường ngõ để cho chóng khô, chóng dùng được. Nếu đến làng Bát Tràng khi ấy, đi vào các con ngõ nhỏ ngoằn ngoèo, hẹp đến mức chỉ đủ cho một người đi xe máy, sẽ thấy hai bên tường ngõ chi chít các bánh than còn in hằn cả bàn tay của người thợ, mà trong đó có nhiều hình bàn tay với những ngón gầy run rẩy của người thợ già, hay bàn tay với năm ngón bé nhỏ mảnh mai của người con gái nào đó.

Khi ấy, tôi và có lẽ cả bạn sẽ trào lên một cảm xúc khó tả về cái nghề làm gốm. Nỗi vất vả, nhọc nhằn hiển hiện qua từng nắm than cám trộn bùn, để rồi khi vào lò nó trở thành ngọn lửa nung lên đến hơn ngàn độ, đủ sức nóng để biến các sản phẩm đất sét đã qua tay các nghệ nhân nhào nặn, tạo dáng, rồi vẽ và phủ men… thành những tác phẩm gốm sứ tuyệt vời. Dù bây giờ đã xuất hiện lò nung kiểu tuynen đốt bằng khí gas, thì khi cầm trên tay cái bình gốm men lam, men ngọc, men trắng, men nâu hay men rạn, ta vẫn như thấy có cả hình bóng nhọc nhằn của những người thợ gốm lung linh trong ngọn lửa nung hơn ngàn độ ấy. Và khi đó, cái hồn của Đất, của Người đã hòa chung vào trong gốm Bát Tràng!

3. Một ngày cuối năm, tôi lại về Bát Tràng và ghé thăm ngôi đình làng nổi tiếng nằm gần bến thuyền du lịch. Nơi đây thủa xa xưa tấp nập thuyền bè tứ xứ đổ về chở theo hàng hóa và cả củi, than, đất sét. Rồi khi rời bến, các con thuyền buôn lại ngược xuôi dòng sông Nhị, mang đi những sản phẩm gốm sứ tuyệt đẹp và độc đáo của Bát Tràng đến khắp mọi miền. Trong đó, có cả những con thuyền lớn xuôi ra biển cả, vượt trùng khơi để gốm sứ Bát Tràng có mặt ở các nước như Trung Quốc, Nhật Bản. Trải qua gần 400 năm, ngôi đình cổ vẫn uy nghi đứng đó, bề thế với bố cục theo kiểu chữ Nhị, bốn mái lợp ngói mũi hài xoải nghiêng cong vút. Trên các đầu mái đắp hình con nghê với dáng mềm mại, khỏe khoắn mà uy nghiêm. Một bức hoành phi đại với 4 chữ thếp vàng “Bạch Hổ Danh Sơn” treo chính giữa phía trên cửa lớn vào đình, gợi nhớ thời Bạch Thổ Phường xa ngái.

Làng gốm Bát Tràng giờ đã thay đổi rất nhiều. Những con ngõ xưa vẫn hẹp như thế, nhưng trên các bức tường nhà đã không còn phơi những nắm than như trước nữa. Rất nhiều ngôi nhà khang trang, kiến trúc hiện đại cao bốn năm tầng đã mọc lên nơi đây. Đời sống của dân làng Bát Tràng đã giàu có theo đúng nghĩa của nó, bởi hằng năm chỉ riêng hàng xuất khẩu đi các nước cũng đem về cho làng gần 30 triệu USD. Được sự giúp đỡ của Bộ Khoa học và Công nghệ, sự quan tâm của các cấp chính quyền, đến nay gần 90% hộ làm nghề tại Bát Tràng đã sử dụng lò nung gốm bằng khí gas hóa lỏng, góp phần làm giảm phần lớn lượng phế phẩm so với lò than và hạn chế ô nhiễm môi trường.

Gần đây, Bảo tàng Gốm Bát Tràng, một công trình kiến trúc có hình dáng lạ mắt, với những vòng xoáy ốc lớn dần hướng lên bầu trời, gợi hình tượng cái bàn xoay vuốt gốm do KTS Hoàng Thúc Hào thiết kế, được xây dựng tại thôn 5 (xã Bát Tràng) trên khu đất rộng 3.700m2, với số vốn đầu tư khoảng hơn 150 tỷ đồng do Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh làm chủ đầu tư, tạo điểm nhấn kiến trúc đẹp cho không gian làng cổ. Đây là nơi giới thiệu trưng bày sản phẩm của làng gốm, là không gian văn hóa, quảng bá, giao lưu, bảo tồn và phát huy tinh hoa sản phẩm gốm Bát Tràng.

Và vì thế, dù trong dòng xoáy nghiệt ngã của nền kinh tế thị trường, làng gốm Bát Tràng với sản phẩm gốm độc đáo có tuổi đời hơn 700 năm vẫn cứ lung linh, tỏa sáng khí chất tài hoa nghề truyền thống của vùng đất ngàn năm văn hiến Thăng Long - Hà Nội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Có một làng nghề như thế