Hà Nội văn

Đảo Kiếp

Truyện ngắn của Lê Quang Trạng 23/09/2023 - 06:41

Chần chừ suốt ba hôm, có lúc thu xếp quần áo vào ba lô xong Hậu lại đắn đo rồi đem ra vắt lên sào. Cảnh đó lặp lại nhiều lần, nhân vật chính như đang đứng giữa cán cân, một bên là ra đi, một bên là ở lại, cứ chòng chành không nghiêng hẳn về phía nào. Giá mà ông Tư Đáo nói câu gì đó động lòng, như hồi trẻ ông từng hừng hực nói với chính mình, lúc đã bước được một chân lên tàu đò đi về phía trước, thì thằng con đâu có vật vã nghĩ suy nhiều đến vậy.

mh-dung.jpg
Minh họa: Lê Trí Dũng

Nhìn đứa con bước đi, Tư Đáo không nói gì, tự hỏi lòng đảo Kiếp có còn trói buộc con người ta được nữa hay không? Nhìn cái ba lô xẹp lép, ông đoán những món thằng con mang đi chẳng có gì đắt giá. Điều đó làm người cha xốn xang, lo lắng. Ông ngồi dậy, hai tay cầm đầu võng, định nói điều gì đó nhưng lại thôi. Sợ câu nói của mình thốt ra sẽ đẩy toa tàu tương lai của thằng con chệch đường ray. Nỗi lòng ông chùng xuống như thấy được tận đáy ký ức mình.

***

Từ mấy hôm trước, Tư Đáo đã qua bờ bên kia để thăm căn nhà còn hay đã sập. Nhìn gió tước từng sợi nilon của tấm bạt chưa kịp mục, ông thở dài: “Cảnh như vậy, nhắm có giữ được chân Hậu”. Nhưng đứa con khác nhiều với ông hồi trẻ. Thời chàng trai Tư Đáo bắt đầu biết sầu, muốn bỏ xứ này đi phứt cho rồi. Nhưng một bữa gió lặng, đưa tín hiệu báo bão sắp về. Tư Đáo nằm mơ thấy Bà Cậu ngoi lên dạy: “Đảo là máu thịt của nước mình, con phải ở lại đây gìn giữ”. Thức dậy toát cả mồ hôi dẫu gió biển đang luồn qua tấm cửa lá sách kêu rin rít. Mấy hôm sau, Tư Đáo rao bán chiếc thuyền ba mẹ từng giong đến đây trong một ngày tìm miền đất mới. Bán được hai cây tư, ông cất hai căn nhà tường kiên cố ở hai bờ, xong xuôi còn dư một ít, đủ sống. Nhà rộng, Tư Đáo chia thành những phòng trọ nhỏ. Người ta cười, xứ này có ai lui tới mà mở nhà trọ? Nhưng khi bão liếm ngang đảo Kiếp họ mới thấy người tên Đáo mà tính toán cũng rất đáo (để)! Nhà trọ chật kín, ai có tiền thì thu, không tiền thì sau bão cứ làm từ từ trả, tệ quá thì cho tá túc nhờ. Lão ở lại đảo Kiếp không mong cầu làm giàu, lão chờ đợi một điều gì đó?

Đoạn Tư Đáo qua tuổi tam tai, nhà trọ ăn nên làm ra nhờ những chuyến đi biển xa lấy Kiếp làm điểm trung chuyển. Năm đó, trong đoàn người ghé đảo có cô gái quỳ trước bàn thờ: “Nguyện Bà cho con tìm được ba đứa nhỏ, con sẽ đem thân này hầu hạ bà suốt đời”. Bởi ngoài xác người tươi đang thở đó, cô không còn bất cứ thứ gì để dâng lên. Nhìn cái bụng bầu lúp xúp, Tư Đáo lên tiếng bảo rằng: “Nếu khổ quá cô cứ ở đây, khi nào đẻ đứa nhỏ xong rồi tìm gì đó kiếm sống. Sống được trước đã rồi tìm cha đứa nhỏ sau. Đảo Kiếp đó giờ không đuổi xua ai”. Rưng rưng, cô gái thấy lời van vái đã linh ứng, Bà Cậu thiêng dẫn lối chỉ đường. Cô ở lại đảo, thuê một phòng trọ mà không biết khi nào mới trả tiền. Thời gian trôi và đứa trẻ ra đời đã làm cô tươi tỉnh lại.

***

Tư Đáo nhấp chút rượu ngâm hải mã, khẽ chau mày không rõ vì men rượu hay men đời nồng nặc rồi nói với cánh thanh niên ghé đảo nghỉ sau đêm chài lưới:

- Lúc thằng Hậu hai tuổi, mẹ nó cất cái chái nhỏ bên hông nhà tao bán khô. Bữa tao ẵm Hậu đi chơi, về tới nhà thì mẹ nó đã lên tàu, mang theo mấy cây vàng tao giấu trong gối ôm. Chỗ cái gối bị mổ ra, cổ nhét lại bức thư đề mấy chữ: “Anh Tư thứ lỗi! Em không thể sống được ở đảo Kiếp này, em mượn anh mớ vàng, nhờ anh nuôi giúp thằng Hậu một thời gian”. Tao chờ suốt bấy nhiêu năm, hỏi thăm bao nhiêu tàu biển qua lại đây nhưng vô vọng. Không biết họ có qua tới bên ấy hay bị sóng cuốn trôi dạt nơi nào. Bữa đó nhìn mắt tao thâm quầng vì suốt đêm ngó biển hoài không ngủ, thằng Hậu nghẹn ngào nói: “Ba, đừng bỏ con đi nha ba”. Hỏi tụi mày thằng nhỏ nói vậy, tao nỡ lòng nào bỏ ra đi?

Câu hỏi đó ông lặp lại nhiều lần, với những ai nghe câu chuyện và với Hậu. Kể cả bữa đứa con đặt vấn đề bán nhà vào đất liền sống, nó đi làm công nhân, ông ở nhà dưỡng già cho khỏe sau mấy mươi năm vật lộn với biển. Và từ nay sẽ không phải lo âu mỗi năm mỗi dọn nhà. Ban đầu Tư Đáo hơi giận, nhìn chằm chằm ra biển, như trông thấu tận bờ phía xa kia: “Cái thằng nghe gái nói có mấy câu mà bắt ông già bán nhà”. Hậu cúi mặt, nói gái đó đâu phải dân cùng đường đạo tặc tìm tới Kiếp, cô ấy là phóng viên, ăn học đàng hoàng, đâu như cha con mình chỉ có mỗi cái chữ bẻ đôi. Tư Đáo nổi điên, đứng phắt dậy chỉ tay ra biển: “Mày kệ cha tao!”. Thằng con lặng lẽ bỏ đi, nhìn dáng nó nhập nhòa trong gió cát Tư Đáo thấy lòng buồn mênh mông. Nghĩ cảnh Hậu bỏ đi, ông muốn khóc. Giá như cô phóng viên kia đừng đến đây thì đâu có chuyện cha con quằn quại như vầy.

***

Bữa trưởng ấp đưa Ánh đến nhà trọ giới thiệu đây là phóng viên ra đảo công tác, hai cha con còn hí hửng với nhau. Thằng con hứa chở cô đi vòng vòng nơi nào cô thích, cứ ở đây, biết bao thứ để viết bài. Những ngày đó, Hậu thấy Kiếp đẹp lên, dẫu tư liệu Ánh thu thập rồi kể cho anh toàn chuyện giang hồ, hải tặc, bão biển, chết người từ thời đảo còn hoang vu, heo hút. Hay chuyện cô xém bị nhóm thanh niên sàm sỡ khi vào xóm Tha Ma, may có người ghé ngang nên đám đó mới buông tha, chứ không thì chẳng biết tòa soạn hôm sau sẽ đăng tin gì về mình nữa. Dẫu câu chuyện đó được kể bằng sự giận dữ của Ánh cũng không làm Hậu thấy khung cảnh trời chiều trên Kiếp tối tăm mù mịt. Cô gái đi ra từ bãi làng, sau những hàng nhang cắm trên mộ gió, mắt ướt đẫm, dụi khăn. Dẫu là khói nhang cay hay do Ánh cảm động thì ánh mắt đó cũng đáng để Hậu tạc trong lòng.

Sự cảm động đó cùng chuyện Ánh kể về các thanh niên khởi nghiệp đã tác động đến Hậu nhiều. Chuyện nghe tưởng xa xôi diệu vợi ai dè ở ngay trong đất liền. Những lần theo cha vào đó làm giấy tờ, Hậu đã thấy. Nhìn căn nhà trọ đứng sững với gió bão mấy mươi năm, nóc bắt đầu có dấu hiệu rệu rã, Hậu biết mình cần làm gì đó hơn là đứng yên để năm tháng ăn mòn, như cha. Dự định đó chỉ manh nha dậy lên, Hậu nghĩ nếu không có vụ Ánh chết hụt ngoài bãi biển thì ý nghĩ ấy đã bị sự buồn tẻ tuần hoàn của Kiếp dỗ cho ngủ say dưới đáy biển.

***

Sáng sớm hôm đó, gà chưa gáy đã thấy Ánh mở đèn. Hậu nghe tiếng sột soạt phòng bên bất thường, ngồi bật dậy định ra coi sao, ông già gác chân lên cản lại:

- Kệ người ta. Đàn bà con gái mày đeo theo hoài thấy kỳ.

Mặc ông già nói, Hậu vùng ra. Lúc này Tư Đáo mới biết thằng con không đơn giản là lo lắng cho một người khách lạ. Ông hỏi:

- Mày thương nhỏ đó hay sao?

Ngừng lại hồi lâu, Hậu nghĩ mãi mà không biết trả lời cha mình thế nào. Những cảm giác lạ cuồn cuộn từng đợt trong lòng, thứ cảm giác không tên, không ngôn ngữ nào nói lên được.

Thấy con trai im im, Tư Đáo nói tiếp:

- Họ có ăn có học tử tế, dễ gì chịu ra đây làm dâu. Mình không xứng, đừng đeo chi cho buồn.

Mặc kệ ông già nói, Hậu mở cửa phòng bước theo. Mặt trời vừa mới nhú lên ở bãi. Ánh đang mò tìm gì đó nơi mép nước, cô lần lần đi ra xa, sóng nhè nhẹ vỗ tới ngực, lúc lặn lúc nổi, nhấp nhô. Hậu gọi: “Ánh ơi, Ánh ơi...”. Lúc đó đột nhiên có cơn sóng lớn bật ngang, cô gái biến mất trong biển. Hậu tức tốc nhảy ra theo hướng Ánh, bị sóng cuốn ra xa. Anh bơi nhanh theo hướng cô vừa trồi đầu lên mặt nước, vật lộn với sóng và thời gian. May sao trong lúc hơi thở cả hai sắp cạn thì vớ được nhau, Hậu níu cô vào bờ. Nằm sõng trên mặt cát mặc cho nước rỉ, Ánh cảm động, đôi mắt long lanh nước. Nằm thở những hơi dài, Hậu nghĩ chắc là cô tiếc cái máy ảnh, nó hiện đại, chắc là đắt lắm. Nhưng không phải vậy!

Trên đường về nhà trọ, Ánh chợt nắm lấy tay Hậu, cái nắm dứt khoát và rất chặt: “Hậu sẽ mãi gắn mình với đảo này sao?”. Đờ người ra một chút, Hậu nghe như có luồng điện chạy trong người, đánh thức một cơn mê dài trong đêm tối. Dường như khoảng cách đất liền và đảo thu hẹp lại, bến bờ gần xịt kế bên: “Chỉ ba tiếng tàu biển mà thôi, có xa gì đâu, Ánh!”. Câu đó thốt lên trong vô thức, lúc Ánh thêm một lần nắm chặt tay lại trước khi buông. Hai người vừa tới cổng nhà. Ông già đứng nhìn bất động, thờ thẫn người ra, chỉ khói thuốc bay là động đậy.

***

Ba hôm nữa có chuyến tàu ngang qua, Ánh sẽ về lại đất liền sau một tháng ròng ở đảo. Mớ tư liệu thu thập được chẳng có gì sáng sủa ngoài bài ký chân dung “Hậu - một tương lai tươi sáng đầy nghị lực”. Thấy con trai lục đục đi tới đi lui rồi thở dài bối rối, ông già cam đoan: “Đảo này còn giữ chân mày lại đây lâu”. Nhìn xuống nơi bàn chân lấm lem bùn cát, Hậu thầm hỏi: “Kiếp, mày lấy gì giữ chân tao?”. Kiếp lặng im, Hậu nghe nơi lòng mình cất lên tiếng khàn khàn cơn suyễn của ông già lặp lại điệp khúc: “Bà ấy sẽ về rước mày đoàn tụ”.

Giờ này chắc Ánh đã ra tới bến tàu, Hậu chần chừ thêm giây lát: “Rồi con sẽ về thăm cha, con sẽ mang mớ hạt giống về trồng xanh lên đảo”. Sau câu nói đó, Hậu không mong ông già cảm động cuốn gói đi theo hay chia cho một mớ vàng làm vốn. Hậu hy vọng cha sẽ nói gì đó động lòng, như khoảnh khắc hồi ông hai mươi tuổi đã hừng hực nói với chính mình lúc bước một chân lên tàu định đi xuyên qua biển tối.

Đất liền cách Kiếp một giấc ngủ đêm. Chiều muộn lên tàu vẫn kịp cập bến lúc bình minh vừa mới dậy. Hậu nghe Ánh nói về nơi bán hạt giống ở ngay bờ biển. Ở đó hay mua hạt giống về đảo, Hậu vẫn đang nghĩ suy khi biển vẫn sóng dồn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đảo Kiếp