Người Dao ở Ba Vì cơ bản giữ được nguyên vẹn phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc mình. Trong đó, lễ cấp sắc - lễ trưởng thành của người con trai dân tộc Dao là nghi lễ quan trọng, linh thiêng đối với người dân nơi đây.
Linh thiêng lễ cấp sắc
“Đã là con trai dân tộc Dao, ai cũng phải thực hiện nghi lễ cấp sắc. Có người tổ chức sớm, có người tổ chức muộn, tùy theo hoàn cảnh từng gia đình” - ông Dương Kim Liên (thôn Yên Sơn, xã Ba Vì) cho biết. Ngày 8-4-2023, gia đình ông Liên làm lễ cấp sắc cho con trai thứ 2 là Dương Đức Cảnh. Anh Cảnh hơn 30 tuổi, đã lập gia đình và có con.
Ngay từ đầu giờ sáng, căn nhà mới xây khang trang của gia đình ông Liên đã nhộn nhịp, công tác chuẩn bị nghi lễ đã hoàn tất. Các thầy cúng và họ hàng, làng xóm tập trung đông đủ để hỗ trợ gia đình.
Trong tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng phách nhịp nhàng, nhiều nghi lễ truyền thống của dân tộc là điệu múa, bài cúng cổ truyền của người Dao được thực hiện.
Phía dưới khu bếp, lợn, gà đã được sơ chế... Bên ánh lửa bập bùng, phụ nữ tập trung chế biến nhiều món ăn để cúng thần linh và tổ tiên, mời họ hàng, làng xóm. Không khí của buổi lễ cấp sắc rộn ràng như xua đi sự yên ắng vốn có của miền sơn cước.
Đã hơn 60 tuổi, khá am hiểu về phong tục của địa phương, ông Dương Kim Liên giải thích: Lễ cấp sắc là nghi lễ trưởng thành mà người con trai Dao bắt buộc phải trải qua thì mới coi là trưởng thành, mới được cả cộng đồng tôn trọng...
Theo quan niệm của người Dao, đàn ông đã lập gia đình, có vợ, con nhưng chưa trải qua lễ cấp sắc thì dù già vẫn bị coi là "trẻ con". Người chưa được cấp sắc là chưa được tham gia vào công việc hệ trọng của gia đình, bản làng và một số nghi lễ khác...
Người Dao cũng quan niệm rằng, phải trải qua lễ cấp sắc thì mới biết lẽ phải - trái ở đời... Lễ cấp sắc có tính giáo dục rất lớn, thể hiện qua những lời giáo huấn hướng tới việc thiện, không làm điều ác, các điều giáo huấn được thực hiện bằng lời thề với sự chứng kiến của thần linh, gia tiên và có sự chứng nhận của họ hàng bên nội, bên ngoại, bà con dân bản.
Để chuẩn bị cho lễ cấp sắc, gia đình ông Dương Kim Liên chuẩn bị nhiều đồ lễ và lương thực, thực phẩm từ sớm. Ví như việc chuẩn bị những bức tranh thờ truyền thống của người Dao, gia đình phải đặt vẽ thủ công trong rất nhiều tháng và cũng tốn khá nhiều tiền. Hay như việc báo cáo với tổ tiên xin làm lễ cấp sắc, từ lúc bắt đầu có ý tưởng tổ chức (sau Tết Nguyên đán Quý Mão) cho đến khi thực hiện được phải qua 10 lần cúng.
Lễ cấp sắc diễn ra trong 3 ngày, 2 đêm với hàng chục nghi thức cúng khác nhau. Ban đầu là lễ mời tổ tiên “Tổng thần hương hỏa”; lễ đón thầy vào nhà thực hiện nghi lễ chính; lễ khai đàn “treo tranh”; lễ nhập đồng; lễ đặt tên; lễ dâng đèn “quá tăng”; lễ giao quân; lễ cấp quân lương; lễ nhập cung tử vi; lễ trình; lễ lên đồng hương hỏa; lễ thượng quang; lễ gọi hồn lúa; lễ đánh đồng thiếp; lễ trả ơn thần thánh; lễ khao quân… Có lễ cúng được thực hiện ban ngày nhưng cũng có lễ cúng thực hiện ban đêm. Trong suốt quá trình làm lễ, anh Dương Đức Cảnh hầu như phải ở trong nhà và làm đủ các nghi thức cúng lễ.
Bảo tồn văn hóa dân tộc
Bà Phùng Thị Bình, vợ ông Dương Kim Liên cho biết: “Để chuẩn bị cho lễ cấp sắc, gia đình đã chuẩn bị 3 con lợn, hơn chục con gà, 20 con sóc và rất nhiều măng khô. Lợn và gà được gia đình nuôi từ nhiều tháng trước; măng cũng vào rừng lấy về từ mùa hè năm trước, phơi thật khô. Chỉ có thịt sóc là phải mua. Trong mâm cỗ cúng của người Dao, đó là những thực phẩm không thể thiếu”.
Cũng theo bà Bình, ngoài cúng lễ, trong 3 ngày diễn ra lễ cấp sắc, gia đình sẽ làm gần 100 mâm cỗ lá mời dòng họ, làng xóm và bạn bè tới dự. Thịt lợn cũng sẽ dùng để chia phần cho thầy cúng và người đến làm giúp...
Là người Dao đỏ ở thị xã Sa Pa (Lào Cai), ông Chảo Tả Mình (bố vợ anh Dương Đức Cảnh) có mặt trong lễ cấp sắc của con rể cho biết, nam nữ người Dao từ xưa tới nay chỉ lấy người Dao, không lấy người dân tộc khác, để bảo tồn văn hóa dân tộc. Ở Ba Vì, số hộ người Dao không đông nên thanh niên đến tuổi dựng vợ, gả chồng vẫn đi tìm bạn đời ở các tỉnh bạn, như: Phú Thọ, Tuyên Quang, Lào Cai.
Dịp này, đại gia đình ông Chảo Tả Mình vượt hàng trăm cây số xuống dự lễ cấp sắc của con rể Dương Đức Cảnh. “Lễ cấp sắc của người Dao đỏ ở Sa Pa và Dao quần chẹt ở Ba Vì có nhiều điểm tương đồng. Dù người Dao ở Ba Vì thuộc thành phố Hà Nội, mọi thứ đều rất phát triển nhưng tôi thấy bản sắc văn hóa của dân tộc vẫn được giữ gìn khá nguyên vẹn, không có gì thay đổi”, ông Mình nhận xét.
Chị Dương Thị Quỳnh, cán bộ phụ trách văn hóa xã Ba Vì cho biết, trong cuộc đời, người Dao phải thực hiện rất nhiều nghi lễ: Tết nhảy, lễ tạ mả, lễ cấp sắc… truyền giữ qua các thế hệ. Trong đó, Lễ cấp sắc của người Dao là tổng hòa nhiều loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian mang đậm nét văn hóa của người Dao: Nghệ thuật sử dụng ngôn từ; nghệ thuật trình diễn qua các bài múa nghi lễ, bài hát; trang trí bàn thờ, trang trí trên trang phục của các thầy cúng; âm nhạc dân gian…
Bên cạnh đó, tại một số điểm, so với nhiều năm về trước, lễ cấp sắc của người Dao ở Ba Vì đã được cải tiến theo hướng ngày một thuận tiện và tiết kiệm hơn. Ví như các thủ tục chuẩn bị cho lễ cấp sắc trước kia phải mất cả năm, nay rút gọn xuống vài tháng. Hay như việc làm cỗ, tùy điều kiện từ gia đình, nếu gia đình khó khăn, việc tổ chức ăn uống cũng giảm. Dân làng được mời cũng chỉ cử 1-2 người đại diện gia đình đến chia vui, làm giúp chứ không đi cả nhà như trước...
Với anh Dương Đức Cảnh, sau lễ cấp sắc, anh sẽ được tham gia vào công việc hệ trọng của gia đình và bản làng...
Video: Lễ cấp sắc của người Dao ở Ba Vì.