Nội bán ngô ở ngoài cổng trường từ khi tôi còn là cậu học sinh lớp một. Ngày đó, mùa đông về, ngô nếp thu hoạch xong thì bị thương lái ép giá, bán rẻ như cho, nội xót công mua giống, chăm sóc nên bàn với ba tôi cho nội bán ở cổng trường. Công việc chính của nội tôi vẫn là làm ruộng, còn bán ngô nướng vào mỗi mùa đông chỉ là phụ. Bán mùa thứ nhất, học sinh ăn quen thấy ngon nên đến rất đông, thành ra đều đặn những năm sau nội đều gánh ngô ra bán.
Ngô nội trồng nổi tiếng cả xóm, bắp nào bắp nấy hạt mẩy, tròn chắc. Những ngày bắt đầu thu hoạch ngô, nội ra vườn từ lúc mặt trời chưa lên, xếp ngô vào thúng rồi đắp lá chuối lên trên. Chính vì ngô được thu hoạch từ sáng sớm lại được bảo quản kỹ nên luôn giữ được nước, không bị khô. Tôi vẫn nhớ cảm giác sợ bị bỏ lại mỗi lần theo nội ra trường, vì nội đi gấp cho kịp giờ ra chơi cho học sinh mua ăn.
Dáng nội nhỏ thó, khuôn mặt sạm đen vì dãi dầu năm tháng, tay nội thoăn thoắt quạt than, bóc vỏ ngô cho lên bếp. Vì phải làm nhanh nên tay của nội đôi lúc dính than hồng, bị phồng rộp. Mọi người trong nhà khuyên nội nghỉ một vài hôm cho tay khỏi rồi bán tiếp nhưng nội không chịu, sợ tụi nhỏ nhớ nội.
Để nướng ngô, nội tằn tiện nhặt từng gộc củi khô rồi mang đốt lấy than. Tới đâu mà thấy củi khô nội đều hỏi rồi xin về. Ba thấy nội cực, rằng than để ba lo, ba đi rừng đốn cây già về là có củi cho nội làm than cả năm cũng không hết. Nhưng nội khoát tay, thôi khỏi, tiết kiệm công sức chừng nào hay chừng đó. Tiền bán ngô nướng nội cất vào một chiếc túi vải tự nội may, có dây rút. Tiết kiệm vậy nhưng nội rất rộng rãi. Bát bánh đúc nhân thịt đầu đời tôi được ăn cũng là nội mua cho. Khi ấy tôi còn buột miệng hỏi: “Có phải người giàu mới được ăn bánh đúc nhân thịt đúng không nội?”. Nội cười, xoa đầu tôi: "Con cứ chăm ngoan, lần sau nội lại dẫn đi ăn”. Giờ nghĩ lại, người giàu nhất khoảnh khắc đó là tôi, vì được ở cạnh nội ngồi ăn bát bánh đúc nhân thịt bằng một phần ba gánh ngô nướng của nội.
Nội tôi thảo thơm không chỉ với con cháu trong nhà, không ai là không biết. Để có một bắp ngô nướng nội phải bỏ ra bao nhiêu công sức, nhưng nội bán rất rẻ. Nói theo cách của nội là bán cho tụi nhỏ ăn vui, chứ lời lãi nhiêu đâu. Cái lãi nhất của nội là có thêm một đàn cháu nhỏ. Học sinh tới gánh ngô của nội, không chỉ để thưởng thức ngô nướng mà còn được nghe nội kể chuyện, những câu chuyện ngày xửa ngày xưa hồi nội còn đi học, khốn khó lắm. Khi nội cười, nụ cười móm mém lành hiền trong chiều đông gió lạnh phơ phất.
Giờ đây, mỗi khi thấy những bắp ngô nướng bán thơm phức mỗi dịp đông về, tôi lại nhớ nội. Hình dáng ấy, bao nhiêu năm ăn sâu vào tâm khảm tuổi thơ tôi. Một bóng già hiền lành, lam lũ, cười nói ở cổng trường tiểu học. Những năm tháng tôi lớn lên có nội luôn đồng hành, lúc nào tôi cũng lẽo đẽo theo nội mà hỏi bà ơi cái này để làm gì, tại sao cái kia... Rồi một ngày bỗng thấy hình ảnh nội trong chính bản thân, khi tôi tới nhà bạn chơi thấy củi chỏng chơ lại mở miệng xin, vô thức cầm củi về khe khẽ cười một mình. Một mùa đông nữa lại xôn xao ngoài cửa, thèm làm sao được ôm nội, được nghe mùi cơ thể người già quyện với mùi trầu ấm cay và cả mùi ngô nướng ngọt ngào năm xưa...