Du điên
Đúng nơi góc cua của con ngõ nhỏ chạy dài mé bên chợ là nhà Du điên. Ngôi nhà mái ngói màu nâu thẫm nằm khuất sau hàng rào dâm bụt xanh mướt điểm những bông hoa đỏ thắm. Một ngôi nhà bình dị như bao ngôi nhà khác ở thôn quê, thế nhưng lại không ngớt tiếng hú hét. Tiếng của Du điên.
Không điên mà hắn nổi cơn, miệng tru lên man dại, rồi hắn đặt ngón trỏ bàn tay phải lên mặt thớt và vung con dao sắc nhọn chặt cái phập. Bố mẹ và hai đứa em lao vào can ngăn thì hắn vung dao chém tới, phải dạt ra. Máu lênh láng khắp nhà, đốt ngón tay lăn lóc góc bếp, khung cảnh hãi hùng kinh sợ.
Nhà có người điên khổ trăm đường khổ. Hàng xóm vây kín nhưng chả ai dám vào can. Tới khi dường như mất máu nhiều quá Du điên tím tái lịm dần, mẹ hắn mới xộc vào vơ nắm thuốc lào rịt đốt tay cụt để cầm máu. Bố và em trai bế xốc hắn lên xe máy, phóng thật nhanh ra bệnh viện để khâu vết thương.
***
Từ ngày cụt đốt ngón tay, Du điên thêm phần đáng sợ. Trẻ con thấy hắn là hãi, nghe tiếng hắn là đã chạy tránh xa. Có lần Du điên lên cơn, mấy ông hàng xóm phải xúm lại, trói nghiến hắn vào cây cột ở góc sân, mặc cho hắn la hét vùng vẫy, chửi bới. Không trói hắn lại thì hàng xóm lại một phen tanh bành nháo nhác.
Tôi không biết chính xác Du điên bao nhiêu tuổi, trông hắn như hơn chúng tôi cỡ mươi, mười hai tuổi. Dáng hắn còm, môi dưới trề và mắt lồi ra trông mê dại. Khi hắn nổi cơn thì trẻ con trông thấy bộ mặt ấy phải khóc thét. Nhưng cái điên của hắn cũng được việc. Đứa trẻ nào không chịu ăn cơm, chỉ cần bố mẹ dọa mách Du điên, thế là nuốt vội. Đứa nào khóc ăn vạ, nhắc tới Du điên là nín. Bọn nó sợ Du điên hơn cả sợ ông ba bị. Ông ba bị không biết mặt mũi thế nào, chứ mặt Du điên thì chúng biết rõ lắm.
***
Nhà tôi ở mặt ngoài của thị trấn. Đó là khu phố chạy dài theo quốc lộ gần một cây số, với vài ngôi nhà hai tầng, vài nhà mái bằng, còn lại là nhà mái ngói. Thoảng có một vài quán ăn đêm cho cánh lái xe đường dài, quán giải khát và cửa hàng bán đồ lặt vặt. Cái chợ mang tiếng là chợ huyện nhưng chỉ toàn những gian lều tranh lụp xụp, lối đi chằng chịt dây treo phông bạt che mưa che nắng, người cao một chút là phải cúi lom khom. Mỗi khi mưa xuống mọi người phải “lội” chợ bì bõm. Thị trấn nghèo, xơ xác bởi gió Lào và mưa bão. Nhất là mỗi khi có cơn bão quét qua thì phố xá tan hoang, nhà cửa xiêu vẹo, mái tranh rơi rớt khắp nơi, cây cối đổ gãy...
Con ngõ gần chợ nhà Du điên như dẫn vào một thế giới khác, thế giới của đói nghèo lạc hậu. Ngõ hun hút và càng vào sâu thì càng ghê rợn với những câu chuyện mà các ông bố bà mẹ thường mang ra dọa trẻ con. Nhà Du điên nằm ở ngay góc cua của ngõ, gần như đường ngõ chạy thẳng xộc vào nhà. Có lẽ đất xấu nên mới đẻ ra một đứa xấu thế chăng? Nhưng sau này tôi mới biết, bố Du điên từng đi bộ đội thời đánh Mỹ rồi về làng làm cán bộ hợp tác xã. Đâu phải hạng xoàng. Thế nhưng đẻ ra thằng con đầu có máu điên thì ông bà cũng đến khổ sở với hắn.
Ngày lại ngày, bố mẹ hắn lo nghĩ tọp cả người đi, chẳng phải buồn giận mà chỉ thương thằng con có máu điên. Chả biết trong những năm chiến tranh bố hắn có bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam không. Ấy thế mà một hôm bố mẹ Du điên qua nhà tôi mời đám cưới. Quái lạ, Du điên cưới ai được nhỉ? Mà ai đời nào lại chịu gả con gái cho một thằng điên như hắn. Thân hắn còn chưa tự biết lo, lấy ai rồi thì đời người đó sẽ khổ thôi. Tôi cho rằng cưới vợ cho hắn là một tội ác.
***
Đúng như người đời vẫn nói, nồi nào úp vung nấy. Vợ Du điên xấu tệ xấu hại. Má hóp, dáng người gầy nhẳng, xiêu vẹo. Thế nhưng đôi mắt chị ta nhìn thẳng và ánh lên nét cam chịu. Đồ rằng chị ta xấu tới mức chả ai chịu lấy, ngoài một thằng điên. Liệu rằng hai con người ấy có là một cái nồi, cái vung khớp nhau không?
Và đúng là khớp thật. Khớp lạ khớp lùng. Kiểu như cái nồi cái vung ấy là cùng một lò rèn đúc ra, được dính chặt với nhau, chịu đựng va chạm quăng quật làm nó méo mó, lồi lõm. Thế nhưng vung vẫn cứ liền nồi, vẫn nấu được cơm dẻo, canh ngọt. Từ hồi lấy vợ, Du điên lành hẳn. Có hôm gặp hắn đi ngoài phố tôi còn thấy hắn mỉm cười. Có lẽ đêm qua vợ hắn làm hắn sướng, hắn vui. Thì vui mới cười chứ. Hắn cười kiểu vui chứ không phải cười điên dại sằng sặc như trước. Hắn vui thì hàng xóm cũng vui theo, không lo đứa phá làng phá xóm nữa.
Tằng tằng vài năm vợ chồng hắn đẻ ra hai thằng cu. Đứa lớn đẹp trai, trắng trẻo, mặt mũi sáng láng. Chẳng lẽ hai cái gen điên điên xấu mã kia khi kết hợp với nhau lại tạo ra đột biến gen? Nhìn ông bà, chú bác, anh chị nhà hắn, không ai có cái vẻ đẹp như thế để mà di truyền lại cho thằng bé. Hẳn nhiên là đột biến gen rồi. Vợ chồng hắn đặt tên thằng đầu là Phong. Từ thuở nhỏ thằng bé đã chăm học, biết giúp đỡ ông bà, bố mẹ việc nhà như nấu cơm, rửa bát. Cứ như thể là cuộc đời ai chịu qua cơn giông bão thì được trời thương, trời ban phước cho. Còn thằng cu sau thì không được may mắn như thế. Nó lại trở về gen của bố nó, tuy rằng không điên nhưng ngờ nghệch. Được cái nó lành, ai bảo gì, sai gì cũng làm. Mà làm ra trò, làm thật sự. Bảo nó trông rạp cưới, đố ai phá được gì; bảo đi bê gạch, nó đánh trần nhễ nhại mồ hôi bê chẳng thua người lớn. Thế nên hàng xóm láng giềng ai cũng thương nó. Thôi thì hai đứa được một, âu cũng là lẽ công bằng.
Du điên từ ngày lấy vợ khác hẳn. Dường như khi âm dương được hòa hợp, máu điên của hắn được trung hòa, dịu lại rồi dần biến mất. Hết điên, hắn lại trở nên hay lam hay làm. Hai vợ chồng hắn khởi nghiệp bằng nghề xay xát hàng xáo. Mùa hè nóng nhễ nhại, gió Lào tạt rát mặt, mùa đông rét mướt chả ai muốn ra đường, thế nhưng cứ sáng sáng chiều chiều là cái dáng Du điên ặc è thồ ba bì gạo to uỵch, hai bì kẹp hai bên, một bì chính giữa, trên cái xe đạp ọp ẹp đã như một lệ thường của xóm chợ. Thóc lúa xay ra gạo trắng thì chị vợ mang ra chợ bán hay bỏ mối quen. Chăm chỉ làm ăn, năm dài tháng rộng qua đi, vợ chồng Du điên cũng tích cóp được ít của riêng. Bố mẹ hai bên, anh chị em người cho ít, người cho nhiều nên vợ chồng hắn xây được căn nhà nhỏ lợp ngói hẳn hoi trên mảnh đất mé vườn chỗ nhà bố mẹ hắn. Thế là Du điên có nhà có cửa, có vợ có con, có công ăn việc làm tử tế.
***
Chuyện đâu chỉ có thế. Lạ hơn nữa là Du điên học đánh vần, học cộng trừ. Thầy giáo nào phải ai xa lạ, chính là thằng cu Phong học lớp 7 dạy bố. Tôi qua nhà Du điên mua cút rượu, nghe tiếng đọc đánh vần ồm ồm, lạ quá bèn ngó vào thì thấy hai bố con đang học bài. Thằng con cầm phấn viết lên chiếc bảng đen nhỏ chữ “LÚA”, rồi dạy bố từng chữ cái, từng thanh dấu một. Bố nó ê a đánh vần theo thằng con. Du điên khỏe mạnh, làm mọi việc hùng hục như trâu, nhưng học đánh vần với con chữ bé xíu, nhẹ bẫng thì như đánh vật, nom đến là tội. Thế nhưng một hôm thằng con hắn qua nhà tôi chơi, nó khoe “bố cháu biết đọc, biết làm tính rồi đấy chú ạ”.
Có chữ rồi, vợ chồng Du điên chuyển từ chạy hàng xáo xay xát gạo sang buôn bán cửa hàng tạp hóa nhỏ. Dân xóm cần mua gì là hắn bán thứ đó. Bột ngọt, mỳ tôm, muối, bột canh, nước uống, bột giặt, bẫy chuột, nến, diêm, thuốc lào, chè khô... đủ cả. Vợ chồng hắn thuê một quầy hàng của nhà bác tôi ở ngoài phố. Ngày nào cửa hàng cũng mở từ sáng sớm đến tối muộn, chỉ tới giờ ăn thì hai vợ chồng mới thay nhau tạt qua nhà. Đứa lớn ngoài học hành còn biết đi chợ, nấu cơm, nấu nước phụ cho bố mẹ. Cuộc sống vợ chồng Du điên khấm khá dần lên. Hắn giờ đã biết nói cười chào hàng, nhiệt tình chạy lấy cái này, lấy cái kia cho bà con lối xóm. Việc làng việc nước từ ma chay hiếu hỉ hắn và hai thằng con đều góp mặt, phụ giúp một tay.
Hôm rồi nhà tôi có đám, ngay giữa mùa hè nóng bức, Du điên xách qua mấy bình nước cho bà con để ai khát thì có cái mà uống. Đám xong tôi chạy qua nhà Du trả tiền thì hắn bảo: “Hàng xóm láng giềng có công có việc giúp nhau, đáng gì mà trả đâu em”. Ô hay, ăn nói đâu ra đấy, có tình có nghĩa, có trước có sau. Tôi bất ngờ và cám ơn hắn. Tôi xa nhà đi học, đi làm, mải miết gần chục năm mới trở về quê cũ, cứ đinh ninh Du điên thì vẫn cứ điên, cho dù đã lấy vợ, có con. Cái suy nghĩ ấy bám rễ từ thuở nhỏ rồi nên chẳng suy chuyển được. Thế nhưng chỉ khi nhà có việc, anh em nói chuyện với nhau thì tôi dám khẳng định rằng Du điên hết điên thật rồi!