(HNM) - Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất, mạnh dạn đầu tư, lắp đặt hệ thống nhà màng, nhà lưới, trạm quan trắc thời tiết thông minh, nên việc sản xuất tại các vùng rau an toàn của huyện Chương Mỹ giúp nông dân giảm công lao động và năng suất tăng 20-25%. Nhờ vậy, thu nhập của người trồng rau tăng lên, nông dân yên tâm sống với nghề.
Đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật mới
Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất, xây dựng các nhà màng, nhà lưới, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, nên trong bất cứ điều kiện thời tiết nào, ruộng rau của Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (thị trấn Chúc Sơn) vẫn xanh tốt.
Theo Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn Hoàng Văn Thám, hợp tác xã là đơn vị đầu tiên của huyện Chương Mỹ phối hợp với các nhà khoa học lắp đặt hệ thống trạm quan trắc thời tiết thông minh iMetos 3.3 A-G. Với bán kính phủ sóng 15km, trạm quan trắc dự báo chính xác nhiệt độ, tốc độ gió, lượng mưa..., làm căn cứ để nông dân xây dựng kế hoạch chăm sóc, bảo vệ rau, quả. Ngoài ra, hợp tác xã đầu tư lắp đặt 10 camera tại đồng ruộng, kết nối với máy tính, điện thoại thông minh giúp Ban Giám đốc dễ dàng quản lý vùng sản xuất theo quy trình... Nhờ sản xuất rau, quả bằng công nghệ cao, mỗi ngày hợp tác xã thu gom gần 2 tấn rau, quả sạch. Sản phẩm rau của hợp tác xã cung cấp cho bếp ăn của 4 bệnh viện, 2 hệ thống siêu thị (Big C, T-Mart), 15 cửa hàng tiện ích theo hợp đồng liên kết với giá bán ổn định.
Tương tự, tại Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đông Sơn, nông dân cũng ứng dụng sản xuất rau trong nhà màng gắn phun tưới tự động. Chị Bùi Thị Nguyệt, thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đông Sơn cho biết, nhờ xây dựng hệ thống nhà màng, nhà lưới quy chuẩn, sử dụng các loại phân bón hữu cơ, nông dân cam kết quy trình sản xuất rau an toàn, rau hữu cơ, nên khi tham gia đánh giá chất lượng sản phẩm, sản phẩm rau của hợp tác xã được thành phố Hà Nội công nhận là sản phẩm OCOP.
Trung bình mỗi năm, vùng rau của huyện Chương Mỹ cung ứng cho thị trường Hà Nội hơn 19.000 tấn. Trong đó, sản lượng qua sơ chế, chế biến là 960 tấn/năm, cung cấp chủ yếu cho các siêu thị, trường học, bệnh viện... trên địa bàn thành phố. Những năm gần đây, tại Chương Mỹ xuất hiện các mô hình sản xuất rau an toàn ứng dụng khoa học kỹ thuật như: Tưới tự động, điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng để cây trồng có điều kiện sinh trưởng và phát triển tốt; chọn tạo được giống năng suất, chất lượng, ngày càng được nhân rộng và phát triển khắp các xã.
Sản xuất an toàn, liên kết tiêu thụ
Để có các vùng rau an toàn xanh tốt, ngành Nông nghiệp và huyện Chương Mỹ đã có nhiều chương trình tập huấn hỗ trợ nông dân sản xuất rau màu hiệu quả. Cụ thể, về phía Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về sản xuất rau màu an toàn gắn với tiêu chuẩn VietGAP hoặc hữu cơ. Các lớp tập huấn tập trung truyền tải quy trình kỹ thuật sản xuất cây rau màu hạn chế sâu bệnh hại, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; cách nhận dạng và quy luật phát sinh gây hại của một số loại sâu bệnh chính trên rau màu; kỹ thuật phòng trừ hiệu quả sâu bệnh hại rau màu... Qua các lớp tập huấn, nông dân không chỉ nắm được quy trình sản xuất an toàn mà còn được tiếp cận kỹ thuật mới, lựa chọn được mô hình sản xuất phù hợp.
Về phía huyện Chương Mỹ, xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ, tạo cơ chế hình thành các tổ chức dịch vụ, gồm: Hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp nông thôn, các dịch vụ đầu vào của quá trình sản xuất và dịch vụ tiêu thụ sản phẩm. Huyện cũng hỗ trợ cơ sở sản xuất, kinh doanh mở cửa hàng, tham gia hội chợ, sàn giao dịch nhằm quảng bá thương hiệu, sản phẩm chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Để duy trì hoạt động hiệu quả các vùng rau an toàn, huyện cùng Trạm Bảo vệ thực vật tiếp tục tổ chức nhiều lớp tập huấn sản xuất rau an toàn, sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP... giúp nông dân thuần thục kỹ năng sản xuất rau an toàn...
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, 100% sản phẩm rau màu an toàn, hữu cơ của Chương Mỹ được tiêu thụ theo chuỗi, được đóng gói, dán nhãn và được chứng nhận an toàn VietGAP hoặc hữu cơ... Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Hoàng Minh Hiến khẳng định, trong giai đoạn 2021-2025, huyện tập trung thực hiện một số giải pháp, như: Mở rộng cơ sở sơ chế, chế biến, đóng gói rau quả vùng chuyên canh; hỗ trợ xây dựng mô hình điểm về chế biến rau, quả; ưu tiên dự án có ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số, khuyến khích phát triển các dự án, kế hoạch liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm rau hữu cơ.