Hà Nội của tôi

Phong Điệp| 22/01/2023 17:24

(HNMCT) - Năm 18 tuổi, tôi chính thức “nhập cư” Hà Nội. Hành trang mang theo là chiếc hòm tôn có móc khóa bé xíu, bên trong xộc xệch mấy bộ quần áo cũ, ít sách vở, cuốn sổ chép thơ và lọ muối vừng. Từ tỉnh lẻ lên Thủ đô nên cái gì cũng lạ, cũng rón rén, dè chừng. Chắc bởi vậy nên đám sinh viên ngoại tỉnh chúng tôi hay tụ lại với nhau, thì thầm, ngơ ngác, thảng thốt. Nhìn con đường quá rộng phía trước, không có người thân bên cạnh, đôi lúc không khỏi thấy hoang mang, chống chếnh.

Xuân về làng quất Tứ Liên. Ảnh: Vũ Minh

Tôi trọ ở nhà chị Lan trong xóm Pháo đài Láng, cách trường chưa đến một cây số. Nền đất xưa của khu Pháo đài Láng vốn thuộc trại Yên Lãng, tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận, nay thuộc địa bàn phường Láng Thượng, quận Đống Đa. Sau nhiều lần điều chỉnh địa giới để phù hợp với tốc độ phát triển của một đô thị đặc biệt, vùng đất ngoại thành xưa dần tiến sâu vào nội đô, để rồi lọt thỏm giữa những tòa cao ốc như cánh tay người khổng lồ đang vươn lên. Con ngõ quanh co, nhỏ xíu nối từ dốc Phụ Nữ xuyên qua xóm, gần cuối chẻ đôi, chia làm hai nhánh nối vào đường Láng giờ được gắn biển tên, lột xác thành dãy phố sầm uất. Giá nhà đất thay đổi nhanh hơn thời tiết lúc chuyển mùa. Thời tôi trọ học vẫn còn những mảnh vườn trồng rau xanh rì. Sáng sáng, các bà các chị kĩu kịt gánh rau, màu xanh lá nõn sóng sánh tràn ra phố mang lại cảm giác thật bình yên.

Khi Trường Đại học Luật chuyển từ huyện Thường Tín về quận Đống Đa, nhiều trường đại học khác đồng loạt tăng chỉ tiêu tuyển sinh, kéo theo lượng sinh viên ngoại tỉnh đổ về Thủ đô như lũ tháng Mười. Khu Pháo đài Láng được coi là một trong những “rốn lũ” bởi quanh đó là hàng loạt trường đại học như Luật, Ngoại thương, Quan hệ Quốc tế, Giao thông Vận tải... Làng Láng, làng Cót... dần thành “làng sinh viên”. Ban đầu chủ nhà chỉ thu gọn nhà cửa, chừa ra đôi phòng cho sinh viên ở. Nhưng số lượng “cơi nới” vẫn chưa thấm vào đâu so với nhu cầu. Ngày nào cánh sinh viên cũng lượn lờ tìm thuê phòng nên nhiều nhà hối hả cải tạo sân vườn, thu hẹp đất trồng rau, thu hẹp diện tích làm hương, vàng mã để dựng những nhà trọ mái lợp phi-bro xi măng, mỗi phòng trên dưới 10 mét vuông đủ cho đám sinh viên tỉnh lẻ có chỗ sớm tối đi về.

Nhà chị Lan cũng nằm trong số đó. Đất tổ tiên để lại có mấy gian nhà và khoảnh vườn trồng rau, tăng gia thêm lợn gà. Theo thời thế, vườn tược được thu hẹp để xây phòng trọ. Vợ chồng chị vẫn đi làm ở công ty vệ sinh môi trường đô thị. Cái tên khá dài mỗi khi cần phải giới thiệu trang trọng. Nhưng chị cười xuề xòa: “Ui dào, công nhân với chả công ty gì. Cứ gọi chị là Lan quét rác cho nhanh!”.

Tôi nhớ những chiều tối mùa đông lạnh tê tái, trời lắc rắc mưa khiến da thịt buốt như bị kim châm. Chúng tôi đứa nào đứa nấy co ro trong khăn áo dày cộm, chúi đầu vào góc phòng trọ, bắc bếp dầu thổi cơm, nấu mỳ tôm xì xụp ăn thì chị Lan tất bật thay bộ bảo hộ lao động, hối hả đạp xe đi làm. Cô con gái chưa đầy một tuổi khóc ngằn ngặt trên bậc thềm đòi mẹ. Anh chồng chị người gầy mỏng như tấm bìa carton cuống quýt dỗ con. Bố con đánh vật với nhau cả tiếng đồng hồ mới thấy yên ắng. Chẳng may hôm nào hai vợ chồng trùng lịch, cùng làm ca đêm thì trông cả vào bà nội. Trước cảnh ấy, mấy cô chú sinh viên chẳng ai bảo ai xúm vào, người bế, người hò reo, cổ vũ, bày trò để đứa trẻ ăn xong bữa và mải vui mà tạm quên không đòi mẹ nữa.

Thường tôi không biết khi nào thì chị Lan đi làm về, bởi giờ chị hết ca thì xóm trọ đã chìm vào giấc ngủ. Mãi đến hôm phải thức xuyên đêm học ôn thi, nghe tiếng lạch xạch mở cổng, rồi tiếng xe đạp rão xích rón rén băng qua khoảng sân gạch thì tôi mới biết là chị đi làm về. Lúc ấy trời đã tờ mờ sáng. Gà trong xóm bắt đầu xao xác gáy.

Mang tiếng chủ nhà trọ nhưng vợ chồng chị Lan thương chúng tôi lắm. Có hôm đi làm về kiếm được mớ ốc tươi hay túi lạc vừa dỡ, chị hào hứng bắc nồi luộc ốc, luộc lạc rồi trải chiếu giữa nhà, hò chúng tôi xuống ăn. Tháng Tết hay đợt nghỉ hè về quê, chúng tôi kỳ kèo thể nào cũng được anh chị bớt tiền nhà. Quà Tết đám sinh viên biếu anh chị thường là cặp bánh chưng “của nhà trồng được”. Xóm trọ lên đông đủ thì tủ nhà chị cũng đầy chật bánh chưng, tha hồ cho cả xóm ăn lai rai hết tháng Giêng.

Không biết tự lúc nào Hà Nội với đám sinh viên tỉnh lẻ chúng tôi dần trở thành nơi chốn thân thiết và thấy quyến luyến. Hà Nội mang đến cho chúng tôi những run rẩy của tình yêu đầu đời, những dại khờ, vấp váp, đau khổ... Hà Nội bao dung đón nhận, khiến chúng tôi có cảm giác tự tin khi thấy mình dần trở thành một phần của Hà Nội.

Đôi lúc thấy lòng chống chếnh tôi hay đạp xe lang thang phố xá. Đi, quan sát, ngẫm ngợi cũng là một cách để tôi thích nghi, nhập cuộc nhanh hơn với cuộc sống ở nơi này. Có hôm tình cờ tôi bắt gặp chị Lan đang lầm lụi làm việc ở ngõ chợ lúc tàn phiên, giữa sực nức mùi rau quả úa mục, mùi nước thải ứ đọng và ruồi nhặng bay xập xè. Nhìn chị cần mẫn đưa từng nhát chổi trên nền chợ ngập rác rồi ì ạch đẩy chiếc xe lặc lè, hôi rình đến nơi tập kết, mắt tôi cay xè. Tôi lặng lẽ đạp xe về xóm trọ chật chội, đám sinh viên mặt dài thượt trước đống xô chậu xếp ngổn ngang đợi nước chảy, lòng không ngớt ưu tư về một Hà Nội vất vả, tảo tần, chát mặn mồ hôi...

Lớp đại học của tôi có Nga là người Hà Nội gốc. Bàn tay Nga chai sần giống như tay các chị con bác tôi ở dưới quê. Quả thật chưa bao giờ tôi có thể hình dung một cô gái Hà Nội lại có bàn tay lam lũ đến vậy. Nhà Nga ở làng Tứ Liên, mấy đời gắn bó với nghề trồng hoa, cây cảnh. Cuối năm là cao điểm làng hoa vào vụ. Hết giờ học trên lớp, chuông reo chưa dứt Nga đã lao xuống nhà xe, hối hả phóng về nhà. Nga ít nói, khuôn mặt hiền hậu, chất phác. Mùa hè năm thứ hai đại học, Nga rủ tôi và mấy bạn thân về nhà chơi. Ngôi nhà năm gian, mái bằng, phía trước là khu vườn rộng mênh mông, hoa lá xôn xao nhìn rất thơ mộng. Ngoài việc học thì trồng hoa cũng là công việc quan trọng không kém đối với Nga.

Mùa hè năm ấy chúng tôi cùng nhau làm pháo ném than. Lứa 7x trở về trước ở thôn quê hẳn không xa lạ với trò này. Ngòi pháo là than củi nghiền mịn bọc trong giấy báo có chiều dài chừng 10 - 15cm, được gắn vào thân pháo làm bằng đất thịt mềm dẻo, giúp giữ chắc thân pháo và tạo trọng lượng phù hợp để có thể dễ dàng ném viên pháo đi xa. Pháo làm xong phơi vài buổi nắng cho khô nỏ, dễ bén lửa. Đây vốn là trò chơi yêu thích ngày bé của tôi vào mỗi mùa hè nghỉ học ở nhà. Thật bất ngờ, ký ức thuở nào lại bồi hồi sống dậy ngay giữa đất Thủ đô.

Đúng ngày trăng rằm, chúng tôi mang pháo ra dải đất ven sông Hồng phía sau nhà Nga để đốt. Lửa bén vào ngòi giấy, đứa nào đứa nấy quay cật lực cho than bén lửa đều rồi lấy đà, giang tay ném vút trái pháo nhỏ vào lòng trời đêm. Trái pháo bay lên như vệt sao chổi quét ngang trời, những vụn sáng li ti tỏa ra rực rỡ trong tiếng cười, tiếng hò hét của chúng tôi. Khi số pháo đã cháy hết, cả đám ngồi xuống rệ cỏ, nhìn về phía dòng sông, nhìn những vệt lân tinh bập bềnh trên mặt sóng, trôi mãi về nơi vô định. Tự nhiên không ai nói gì. Lòng dâng nên một nỗi bâng khuâng khó tả. Đến năm thứ ba đại học, do chia tách lớp theo chuyên ngành, tôi và Nga khác khoa, lịch học dày đặc nên ít gặp nhau hơn. Nhưng những ánh sáng bừng lên trong đêm trăng của mùa hè năm ấy vẫn xôn xao trong ký ức của tôi đến tận bây giờ, là một trong những kỷ niệm đẹp nhất về một Hà Nội của riêng tôi.

Tôi đã làm khách trọ của Hà Nội qua bao nhiêu mùa cây thay lá. Chiếc hòm tôn ngày đầu lên Hà Nội tôi vẫn giữ như một chứng nhân đặc biệt cho hành trình nhọc nhằn mưu sinh, khao khát và ước mơ, nỗ lực tạo lập cuộc sống, tìm kiếm một chỗ đứng nhỏ nhoi cho mình giữa đất này. Bất chợt, giữa những lo âu, bận rộn thường nhật, tôi lại hình dung vẻ ngơ ngác của mình thuở ban đầu bước chân về phố. Từ bấy đến nay tôi đã gặp, đã quen, đã thân thiết, quý mến nhiều người Hà Nội. Tôi đã tìm thấy Hà Nội ở những khoảng lặng thật đằm sâu, để mỗi khi soi vào, tôi thấy mình trong đó. Nhờ vậy tôi đã có một Hà Nội của riêng mình, ân tình, nồng hậu. Để trái tim tự hào ngân lên tiếng gọi: Hà Nội của tôi...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội của tôi