Hà Nội văn

Hoa dưới chân rừng

Truyện ngắn của Phạm Đào 25/08/2024 18:03

Ông Dự dốc ngược chiếc ống nứa nhẹ bẫng lên miệng, tay lắc lắc như tìm kiếm giọt rượu cuối cùng. Con Mực ngồi cạnh, cái đuôi ngoe nguẩy, mắt nhìn xuống nền đất vẻ như chờ được chủ thưởng cho một cục xương.

mh-3.jpg
Minh họa: Lê Trí Dũng

Chuyển đến nơi ở mới đã lâu nhưng hình ảnh bản làng cũ vẫn hiện hữu trong giấc ngủ hoặc mỗi khi ông lên nương, xuống suối. Nơi ấy có người vợ và đứa con thơ, hồn vía họ có theo ông về nơi ở mới hay không ông cũng chẳng rõ. Gió rít qua khe vách nghe như lời than vãn. Ông thèm đến buốt nhói tiếng thủ thỉ của người vợ gọi ông mỗi sớm “nước dưới bếp sôi rồi mình có pha chè thì pha nhé”, thèm tiếng trẻ bi bô “bố ơi” giữa mênh mang rừng chiều.

Gió thốc ngược từ phía chân núi, mắt ông như nhòa đi trong hình bóng sa mu. Cây sa mu già đầu bản, ông nhớ nó biết bao. Không biết cây có ở đó tự bao giờ, khi ông lớn lên đã thấy nó sừng sững rồi. Đây chính là nơi ông quen người vợ quá cố trong một lần chạy lũ. Mùa xuân đến, khi lễ hội bản chưa tan thì cây sa mu đã khoác lên mình ngàn ngàn lá non xanh biếc, mơn mởn tràn trề sức sống.

Ngày rời bản ông cứ day dứt mãi về cây sa mu. Phải ở lại chắc nó sẽ rất cô đơn khi chỉ có gió núi mây rừng bầu bạn, cũng như ông vậy. Cây sa mu to lớn thế mà giờ cũng nhỏ xíu phía sau lưng ông. Thi thoảng ông ngoái đầu nhìn lại, cây sa mu chỉ còn là cái bóng nhỏ khuất dần sau rặng núi. Trước kia, mỗi khi đi nương về ông lại dừng nghỉ dưới gốc cây, tâm sự với nó những chuyện không đầu không cuối. Giờ chỉ còn con Mực là bạn với ông thôi, nghĩ thế ruột gan ông lại buốt nhói.

***

Đôi mắt ông Dự đục mờ, có lúc nhìn trân trân như thể thôi miên. Bọn trẻ chúng tôi rất sợ nhìn vào đôi mắt ấy. Chiều chiều, khi chúng tôi muốn ra bãi đất trống để đấu quay hay chơi trận giả đều phải qua cổng nhà ông và cứ lần nào bắt gặp dáng người nhỏ bé ngồi vót tre đan coong khẩu, lũ trẻ lại nhìn nhau ù té chạy.

Hiền và ít nói, đấy là người lớn nói về ông. Thực ra là ông rất quý đám trẻ. Có lần ông bảo nếu còn sống thì con trai ông cũng tầm tuổi chúng tôi. Bao quả chín trong vườn ông đều dành cho lũ trẻ trong bản. Dành dụm những đồng tiền nho nhỏ từ việc đan coong khẩu thuê, ông mua cho chúng tôi những thanh kẹo lạc, những gói mì tôm. Xòe tay nhận quà từ ông mà đứa nào đứa ấy cứ lấm la lấm lét.

Hôm ấy chúng tôi đang đấu quay ở bãi đất trống thì trời bất ngờ nổi giông, mây kéo về xám xịt. Mải cãi nhau phân thắng bại, khi mưa ào ào dội xuống chúng tôi cuống cuồng tìm dép chạy về. Dáng người nhỏ bé, nước da sạm nắng, ông đứng ngoài cổng gọi lũ trẻ vào nhà cho khỏi ướt rồi bê ra rổ khoai luộc. Đang cơn đói chúng tôi ngấu nghiến ăn, lúc đầu còn thì thầm nhưng chỉ sau mươi phút thì ầm ĩ, tranh nhau miếng khoai cuối cùng. Ông còn dạy chúng tôi chơi quay, dạy đàn tính tẩu. Mấy ông cháu rôm rả trò chuyện át cả tiếng mưa. Trời tạnh, bụng đã ấm, lũ trẻ chào ông ra về.

Bóng tối bủa vây khi ông chỉ còn lại một mình, con Mực nằm cuộn tròn bên cạnh. Ông ngồi phệt xuống nền nhà ẩm ướt, tựa lưng vào cửa. Ông với lấy ống rượu trên chiếc bàn tre rồi ngửa cổ tu ừng ực. Ông uống như chưa từng uống, uống nỗi đau, uống nước mắt, uống cả những nhớ thương day dứt trong lòng. Ông vừa uống vừa mường tượng về người vợ trẻ. Vợ ông ủ rượu men lá ngon nức tiếng. Người vợ đã mang theo một nửa linh hồn của ông ra đi trong một chiều mưa tầm tã. Ông nhớ mãi buổi chiều định mệnh ấy, khi trời sẩm tối mãi chưa thấy người về, ông sốt ruột cầm theo con dao chặt tre lao về phía nương ngô. Con Mực cũng đội mưa chạy theo. Ông vừa đi vừa chạy, vừa chạy vừa gọi, vừa gọi vừa khóc. Đáp lại ông chỉ có tiếng mưa lẫn tiếng những con cuốc gọi bầy.

Từ xa nhìn thấy chiếc khăn piêu cũ vợ vẫn đội hằng ngày đang bay theo chiều gió, ông gào thét vang cả núi rừng. Ngay dưới gốc cây sa mu, vợ ông người tím tái nằm bất động, bó rau dớn rừng trong tay nát nhàu, dòng máu loang lổ bởi nước mưa như đang tắm cho đứa con dây rốn vẫn cuốn loằng ngoằng bên người mẹ. Cởi vội chiếc áo ướt trên người, tay run cầm cập ông nhẹ nhàng lau cho thằng bé, rồi ông ôm vợ con vào lòng ngửa mặt lên trời mà gào khóc, trách than. Những giọt mưa táp vào mặt ông, gió vẫn vần vũ. Những bông hoa chuối rừng đỏ chót nơi vách núi như ngàn ngàn giọt máu rỏ từ trái tim ông.

***

Mở cánh cổng bước vào nhà, mắt ông Dự hoa lên. Con Mực vẫn nằm cuộn tròn trong ổ rơm, nhưng ai nhóm lửa mà bếp nhà ông vương sợi khói. Có phải vợ ông đang ngồi xe chỉ nơi góc hiên nhà? Đúng là vợ ông rồi, gương mặt hiền lành, đôi tay thoăn thoắt. Mùi cá nướng thơm quá! Cả mùi tỏi xào rau bí thơm nức nữa. Ông hay đùa vợ rằng chỉ vì mê món rau bí xào tỏi của cô gái bản Nậm Vai mà quyết lấy làm vợ đấy. Vợ ông mỉm cười cầm chổi bước ra sân, gần ngay cạnh ông. Thả vội bó cỏ trên lưng xuống đất, ông tất tả chạy vào nhà rồi hụt hẫng. Trời ơi, chỉ là ảo giác, chỉ là ảo giác thôi sao?

Ông lao ra khỏi nhà như chạy trốn nỗi đau. Ông chạy trốn cả ánh nhìn sẻ chia của con Mực. Ông cứ đi, rừng sâu thăm thẳm, đôi chân tươm máu, người mỏi rã rời, đôi mắt bị mờ bởi trời nhập nhoạng. Dừng lại nơi phiến đá nằm bên vực sâu, nghe như có tiếng ai đó gọi ông, là vợ ông chăng?

Nhìn xung quanh chẳng thấy bóng người nào cả. Gió vẫn nhẹ nhàng ru những rặng cây, lá rừng xanh miên man với những chùm hoa vàng óng. Ông Dự bứt ngọn lá nhìn ngắm rồi chợt nghĩ, hay mình đi tìm hai mẹ con cho có vợ có chồng, có bố có con nhỉ? Ông sống một mình nên đi thì cũng chẳng đau lòng ai cả. Bất chợt ông nghe văng vẳng bên tai lúc xa lúc gần: “Sao bố Dự nó lại nghĩ đơn giản thế. Được sống đã là một hạnh phúc, bố nó phải sống cho cả phần của hai mẹ con em chứ”. Ông chợt bừng tỉnh, từ từ thả nắm lá xuống vực. Nước mắt lăn trên đôi gò má xương xẩu, ông lê đôi chân rã rời, về đến nhà khi ánh trăng đã vượt quá ngọn sa mu.

Mưa đổ ban ngày ông thắt ruột buốt gan. Đêm ấy mưa cả đêm ông coi như thức trắng. Hình ảnh người vợ nằm bất động bên đứa con vẫn còn dây rốn luôn hiện về. Ông thương xót vợ con cóng lạnh dưới mưa, những bông chuối rừng ấy liệu có sưởi ấm nổi trái tim người vợ, che chở được cho đứa con trai tội nghiệp của ông không. Có những hôm đi làm nương ông chẳng thiết về nhà, ăn tạm nắm cơm nguội trong coong khẩu rồi vật ra ngủ ngay dưới gốc cây sa mu. Ông thầm nghĩ, về nhà cũng nào có ai chờ đợi, vậy thì ngủ ở đâu chả thế.

Thời gian bước qua những niềm đau, hằn in nếp nhăn trên khuôn mặt già nua, đôi mắt ông càng thêm mờ đục. Ông từ chối mọi sự giúp đỡ của chính quyền, của những nhà hảo tâm vào thăm xã biên giới. Ông bảo ông còn khỏe, vẫn nuôi được con gà con ngan, những món quà kia dành cho những người khổ hơn ông, hay đau ốm hơn ông.

***

Dòng sông hôm nay thật tĩnh lặng, chỉ duy nhất con thuyền độc mộc lặng lẽ trôi. Có gió trời làm bạn, chân tôi bước vô định, hai bên đường hàng găng tím tỏa hương thơm mát dịu khoảng trời chớm hạ. Đâu đó tiếng những đứa trẻ đang nô đùa như vỡ cả không gian. Biết bao hình ảnh ngày xưa lại hiện về.

Ngôi nhà nhỏ vẫn nằm sát ngay vườn lê sai trĩu quả. Nghe thấy bước chân người, tiếng ho như kìm nén lại. Tôi đẩy cửa bước vào, đặt túi quà lên bàn rồi lặng lẽ đến bên giường:

- Ông ơi! Ông nhận ra cháu không ạ?

Ông ậm ừ, gật gật, hướng đôi mắt đục nhìn hư vô.

- Nghe bước chân ông đã nhận ra rồi. Cháu là Chu hả? Bố cháu khỏe không? Lâu lắm rồi ông chẳng gặp lại ai.

- Bố cháu khỏe, chỉ mỗi cái đau xương khớp ông ạ!

- Cháu về từ khi nào? Về được lâu không mà có thời gian đến thăm ông. Quý tấm lòng của cháu quá.

Ngừng vài giây để thở rồi ông Dự lại hỏi:

- Ông nghe nói cháu giờ công tác ở đồn biên phòng Mù Cả à?

- Ôi sao ông biết tin nhanh thế ạ. Cháu mới chuyển về đồn một thời gian ngắn thôi.

- Hôm trước cán bộ xã vào thăm, các anh ấy nói ông mới biết. Mừng cho bố con cháu. Mà cu cậu bao giờ cưới vợ đấy, liệu ông còn được uống rượu mừng không?

Ông Dự vui hẳn lên, dường như cơn hen cũng không làm phiền ông những lúc như thế này. Ông nhắc lại những chuyện xa xưa, cái hồi lũ trẻ chúng tôi “nghịch ngợm như quỷ sứ”, ông kết một câu như thế.

Bên bếp lửa tiếng than nổ tí tách, ngoài kia hàng cây vẫn xào xạc gió trên vòm cao với lũ ve sầu đang ngân nga, bỗng giọng ông Dự chùng xuống:

- Này Chu, ông muốn một lần trước khi về với tổ tiên được thăm chỗ bà nhà ông và đứa con trai nằm, mà giờ ông già quá rồi, chắc không đi nổi nữa Chu à!

- Ông ơi nếu ông muốn cháu sẽ đưa ông đi, nhưng ông phải ăn nhiều cho khỏe, thu xếp công việc xong cháu vào đưa ông về thăm lại bản làng cũ của mình, ông nhé!

- Thật hả Chu, đi bằng cách nào vậy cháu?

- Chúng ta đi thuyền trên lòng hồ ông nhé.

Ông Dự nhìn tôi với ánh mắt hiền hậu, toát lên niềm vui khi sắp được gặp lại ký ức của mình. Có lẽ hôm ấy ông sẽ mang theo một bó hoa chuối rừng đỏ thắm. Nghĩ thế tôi thả hồn mình bay theo gió, gió núi len lỏi vào tim tôi như những cơn mưa xuân thật nhẹ, thật nhẹ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hoa dưới chân rừng