Hà Nội 360

Họa sĩ Đỗ Đức: Viết về Hà Nội bằng cảm xúc chân thành

Minh Châu 08/10/2023 - 06:43

Họa sĩ Đỗ Đức đến với văn chương như cuộc dạo chơi đầy mê đắm và cho đến nay, ông đã xuất bản 17 tập sách riêng cùng nhiều tập sách in chung.

Chủ đề về Hà Nội hiện hữu trong tác phẩm của ông đầy lãng mạn, có nét riêng, nhất là trong tập sách “Hà Nội đây chứ đâu” (NXB Hội Nhà văn, 2022). Đây là một trong 4 tác phẩm/ công trình được đề cử Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 16 - năm 2023 ở hạng mục giải Tác phẩm.

hoa-si-do-duc.jpg
Họa sĩ Đỗ Đức bên tác phẩm vừa sáng tác.

1. Tôi đến gặp họa sĩ Đỗ Đức tại xưởng vẽ của ông ở phố Ngọc Khánh (Hà Nội), được ngắm nghía những bức tranh bằng chất liệu sơn dầu khổ lớn về đề tài dân tộc thiểu số, miền núi, nhất là về Hà Giang.

Dáng vẻ nhanh nhẹn, dễ gần, không ai nghĩ ông đã ở tuổi xấp xỉ 80. Ông say sưa kể về những chuyến đi, những dự định triển lãm tranh và viết sách. Ông bảo, cuộc đời sẽ thật tẻ nhạt nếu không có sáng tạo nghệ thuật. Công việc cuốn ông đi, giúp ông quên sự mệt mỏi của tuổi già.

Họa sĩ Đỗ Đức cho biết, khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật Việt Bắc, ông về công tác tại tờ báo Đảng khu tự trị, làm công việc vẽ minh họa và trình bày.

Năm 1975, ông chuyển sang Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc và được cử đi học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam). Địa bàn công tác của ông chủ yếu là miền núi, các dân tộc thiểu số nên ông vẽ rất nhiều về đề tài này, và đã thành công.

Theo nhà văn Nguyễn Huy Thắng, một người bạn thân thiết và gần gũi với họa sĩ Đỗ Đức thì “Đỗ Đức đã đem tranh của mình lên tận Đồng Văn triển lãm. Đáng nói, tiền bán tranh trong triển lãm được ông cho dựng hai ngôi nhà rồi nhờ chính quyền địa phương chọn ra hai gia đình người Mông nghèo nhất vùng để đem tặng”.

Có hai người thầy có ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp của họa sĩ Đỗ Đức. Nếu như trong mỹ thuật, ông biết ơn họa sĩ người Tày Vi Kiến Minh thì khi viết văn, ông được nhà văn Tô Hoài ra sức động viên, khuyến khích và chỉ bảo.

“Khi tôi mon men đến với nghề viết, tôi đã đến gặp nhà văn Tô Hoài để xin ý kiến. Tôi hỏi: “Sao bác viết về Hà Nội nhiều và hay như múc nước giếng lên không bao giờ hết thế. Còn cháu viết vài tạp văn mà đã hết vốn”.

Nhà văn Tô Hoài nói: “Cái quan trọng nhất của người viết là phải quan sát để tìm ra những nét độc đáo, riêng biệt. Đặc biệt nhà văn phải có trách nhiệm với cuộc sống, với xã hội”. Sau đó một thời gian, tôi đem bản thảo tập đầu tiên mang tên “Chuyện đời” đến nhà ông để xin ý kiến.

Sau một tháng, ông gọi tôi đến nhà và bảo: “Cháu viết rất có chất văn, rất có trách nhiệm. Văn đơn giản lắm, là cái để bạn đọc ngẫm, khi người ta ngẫm thì người ta mới nhớ”. Rồi ông viết lời giới thiệu cho cuốn sách của tôi” - họa sĩ Đỗ Đức kể.

2. Nhà báo Đỗ Doãn Phương, Phó Tổng Biên tập Báo Thể thao và Văn hóa (Thông Tấn xã Việt Nam) nhận xét: “Đỗ Đức đi nhiều nên có nhiều chuyện để kể. Nhưng suy cho cùng thì những câu chuyện về cuộc sống bên ngoài chỉ là một phần.

Tôi cho rằng, Đỗ Đức đã sống cả một cuộc đời đầy ngẫm ngợi. Từ những mẩu chuyện nhỏ nhất tình cờ được biết đến cũng khiến ông suy luận, tưởng tượng, chắp nối lại với những gì mình từng quan sát, trải nghiệm trong quá khứ để tìm ra trong đó những ý tứ mang đậm tính triết lý về nhân sinh.

Từ Đại Từ (Thái Nguyên), nơi ông lớn lên, từ làng Nành (Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội) quê gốc nơi ông tìm về, vùng Việt Bắc xưa, đặc biệt là cao nguyên đá Hà Giang nơi ông đi đi về về để vẽ, cho đến cuộc sống ồn ào nơi phố phường Hà Nội - nơi ông sống và làm việc đến bây giờ..., nơi nào cũng lặng lẽ thẩm thấu vào đời ông, vào các tác phẩm của ông”.

Nhiều độc giả lớn tuổi vẫn còn nhớ những tạp bút của họa sĩ Đỗ Đức trên chuyên mục “Tản mạn” của Báo Lao động, “Sổ tay” trên Báo Nông thôn ngày nay rồi “Ngẫm ngợi cuối tuần” trên Báo Thể thao và Văn hóa như nhiều người nhận xét là “đậm đà như chén trà trong sương sớm”.

Có thể nói, khi mạng xã hội có hàng ngàn hàng vạn post “đu bám” theo trend hằng ngày hằng giờ, nhưng hóa ra lại rất thiếu một giọng văn cứ lặng lẽ ngẫm ngợi cả đời theo cách của mình về đời sống nhân sinh. Chẳng cần "đu trend", và vì thế chẳng bao giờ cũ. Đó chính là điều làm nên “thương hiệu” Đỗ Đức.

“Hà Nội đây chứ đâu” tập hợp những bài về đất kinh kỳ trong hàng chục năm rải rác viết cho chuyên mục “Ngẫm ngợi cuối tuần” của Báo Thể thao và Văn hóa. Trong chuyên mục này ông viết nhiều chuyện "ngoài Hà Nội", nhưng trong nửa thế kỷ sống ở Thủ đô thì Hà Nội và ông như thẩm thấu vào nhau, hiểu dần nhau, thấy được, nghe được, ngửi được và cảm nhận được tiếng vọng của nó.

Người đọc bị cuốn vào giọng văn nhẩn nha, bình dị mà thâm thúy của ông qua các tạp bút: “Hà Nội ngõ nhỏ phố nhỏ”, “Lan man... phố”, “Hà Nội của ta”, “Biệt thự cổ 65”, “Hàn huyên về Hà Nội”, “Dấu vết sử làng”, “Cà phê Hà Nội”, “Tản mạn Long Biên”...

“Hà Nội đây chứ đâu” là một góc nhìn về Hà Nội hiện hữu, đang chuyển mình. Như một cái cây, trải qua bốn mùa lại thay lá, trổ hoa cho lứa sản phẩm mới. Sản phẩm mới có thể hay, có thể chưa hay, nhưng rồi cái hay sẽ được giữ lại, cái không hay sẽ được loại bỏ như quy luật tự nhiên. Cuộc sống luôn có sự sàng lọc để cho những bụi bặm dần được thải loại ra, giữ lại những thứ sạch lành” - họa sĩ Đỗ Đức tâm sự.

3. Dù đã thành công với viết lách nhưng họa sĩ Đỗ Đức khẳng định rằng nghề chính của ông vẫn là họa sĩ. Ông viết đa dạng thể loại, cả truyện ngắn, tiểu thuyết nhưng thể loại mà ông thích viết nhất là tạp văn, bởi theo ông: “Tạp văn là vùng đệm, là cầu nối giữa báo chí và văn học. Nó đòi hỏi người viết ở cách nhìn, sự phân tích cao hơn báo chí nhưng lại viết bằng chính sự chủ quan của người viết. Những vấn đề phản ánh trong tạp bút là những gì cuộc sống đang diễn ra”.

Cũng theo họa sĩ Đỗ Đức, người viết văn phải đi nhiều, đọc nhiều, hiểu nhiều để có tác phẩm “chạm” vào tâm lý, cách nghĩ của số đông người đọc.

Chia sẻ bí quyết làm nên thành công khi viết về Hà Nội, họa sĩ Đỗ Đức cho biết: “Tôi đã viết về những gì mà mình bắt gặp bằng cảm nhận thật. Khác với những cây bút trước viết về Hà Nội, tôi viết về mảnh đất này với chất quê mùa, sự đồng cảm, chân chất, viết về những con người sẵn sàng giúp đỡ nhau cùng tình làng nghĩa xóm gắn bó bền chặt. Tôi viết về Hà Nội dưới góc độ đời sống hằng ngày... Nhìn và cảm nhận Hà Nội ở góc nhìn này, tôi luôn thấy Hà Nội đẹp và đáng yêu”.

Họa sĩ Đỗ Đức tên đầy đủ là Đỗ Văn Đức, sinh năm 1945 tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, quê gốc ở làng Nành (xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội).

Ông nghiên cứu, biên soạn và cùng đồng nghiệp xuất bản nhiều công trình nghiên cứu về mỹ thuật như "Nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam hiện đại", "Tranh khắc gỗ Việt Nam", "Mỹ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam", "Nhiếp ảnh các dân tộc thiểu số Việt Nam"...

Ông hiện là hội viên của Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Văn hóa dân gian Việt Nam, Hội Dân tộc học Việt Nam, Hội Văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội Văn nghệ Hà Nội...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Họa sĩ Đỗ Đức: Viết về Hà Nội bằng cảm xúc chân thành