Lan tỏa phong trào hiến đất làm đường

Bạch Thanh| 24/03/2023 06:24

(HNM) - Đầu năm 2023, cùng với việc các dự án giao thông nông thôn được triển khai, phong trào hiến đất làm đường tiếp tục lan tỏa rộng khắp ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Ba Vì. Phong trào này đã thực sự làm thay đổi bộ mặt vùng quê, cải thiện đáng kể đời sống người dân, đưa nông thôn Ba Vì trở thành miền quê đáng sống.

Người dân thôn An Hòa, xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì) hiến đất làm đường giao thông nông thôn, xây mới hệ thống tiêu thoát nước.

Những con số biết nói

Những năm gần đây, nghề trồng mai trắng phát triển mạnh, nhưng nhiều khu dân cư trên địa bàn thôn An Hòa, xã Tản Lĩnh do đường hẹp, không thuận lợi cho việc đi lại, buôn bán. Đầu năm 2023, xóm Gốc Đa, thôn An Hòa được đầu tư mở rộng đường giao thông nông thôn, xây mới hệ thống tiêu thoát nước và nhân dân nơi đây đã đồng thuận ủng hộ hiến đất làm đường.

Là hộ tiên phong, gia đình ông Bùi Việt Hà đã tháo dỡ 200m tường bao, hiến sâu vào 1,1m đất, với tổng diện tích khoảng 200m2. Sau khi gia đình ông Hà tháo dỡ tường bao, hiến đất, rất nhiều hộ đã làm theo. Chỉ trong thời gian ngắn, hơn 20 hộ dân trong xóm đã hiến hơn 1.100m2 đất và tháo dỡ hơn 1.000m tường bao. Các gia đình trong xóm cũng đồng lòng đóng góp được khoảng 400 triệu đồng để xây lại tường bao cho các gia đình đã tháo dỡ, hiến đất để mở rộng đường, như gia đình ông Lê Đức Toàn ủng hộ 70 triệu đồng, gia đình ông Đỗ Tuấn Việt 35 triệu đồng, gia đình ông Nguyễn Văn Lộc 35 triệu đồng...

Trong khi đó, đoạn đường liên thôn của xã Cẩm Lĩnh đi qua thôn Vô Khuy có chiều dài khoảng 1,2km cũng được Nhà nước đầu tư toàn bộ vật liệu, công xây dựng. Tất cả 59 hộ ở hai bên tuyến đường chạy qua thôn Vô Khuy đã đồng thuận hiến đất mở rộng đường từ 4m lên 9m, với tổng diện tích lên tới 2.214,3m2 và tháo dỡ nhiều nhà cửa, tường bao... Tổng giá trị đất, tài sản trên đất mà các hộ hiến khoảng 4 tỷ đồng.

Tại xã Chu Minh, phong trào hiến đất cũng diễn ra hết sức sôi động. Mới đây, nhân dân xóm Tiên và xóm Vòng Phệ, thôn Vĩnh Phệ đã hiến đất, đóng góp tiền của, ngày công... trị giá gần 1,8 tỷ đồng để làm đường. Điển hình như hộ gia đình ông Phùng Văn Chén, Phùng Văn Mạnh, Trần Đình Quân… đã hiến hơn 300m2 đất cũng như đóng góp ngày công, tiền mặt để hoàn thành tuyến đường.

Đó chỉ là một vài con số về việc người dân Ba Vì đã hiến đất, xây dựng đường giao thông nông thôn. Những “con số biết nói” đó, phần nào cho thấy người dân đã không tiếc đất đai của gia đình, cha ông để lại hiến cho công cuộc xây dựng nông thôn mới, kiến thiết quê hương trên địa bàn. Việc hiến đất làm đường, đóng góp xây dựng kiến thiết cảnh quan môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội ở Ba Vì này là sự tiếp nối phong trào này từ nhiều năm trước. Trong hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, nhân dân huyện Ba Vì đã hiến hơn 206.000m2 đất thổ cư, gần 904.000m2 đất nông nghiệp, 42.000 ngày công… Qua đó, đã tạo quỹ đất để mở rộng các tuyến đường trong khu dân cư từ 2m lên trung bình 4-5m, nhiều nơi mặt cắt lên 9m, tạo bộ mặt khang trang, rộng rãi.

Những kinh nghiệm quý

Ông Chu Văn Thuật ở thôn Vô Khuy, xã Cẩm Lĩnh vừa hiến 190m2 đất chia sẻ: “Để làng quê mình ngày một giàu đẹp, chúng tôi luôn sẵn sàng. Khi người dân đã hiến đất, tự tháo dỡ các công trình, thì các tuyến đường được thi công cũng phải đúng tiến độ, chất lượng”.

Chia sẻ về kinh nghiệm vận động nhân dân hiến đất làm đường, Trưởng thôn An Hòa, xã Tản Lĩnh Bùi Thị Ánh Hoa cho hay, ở làng quê, mảnh vườn, thước đất, hàng rào cây xanh là thứ tài sản gắn bó với mỗi gia đình, nên ai cũng yêu quý. Thế nhưng, để bộ mặt nông thôn mới khang trang, sạch đẹp hơn, các gia đình đều tự nguyện hiến đất để làm đường, những hộ không có đất nằm ở trục chính thì đóng góp tiền của, ngày công để các hộ đó xây lại tường bao… Khi có sự cho đi, nhận lại, việc đóng góp vì cái chung được ghi nhận sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa cao.

Còn theo Chủ tịch UBND xã Tản Lĩnh Phạm Đình Hùng, chính quyền phải rõ ràng, cụ thể trong việc vận động nhân dân hiến đất để làm đường, người dân thấu hiểu thì sẽ có sự sẻ chia, đồng thuận. Khi địa phương có kinh phí, dự án chỉnh trang tuyến đường, việc đầu tiên là phải họp bàn, thông báo chi tiết các hạng mục đầu tư cũng như kinh phí để nhân dân nắm được. Vì vậy, nhiều khi Nhà nước chỉ có 1 đồng đầu tư, nhưng nếu biết huy động sức dân, kinh phí xây dựng có khi gấp tới 2-3 lần.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung cho biết, phong trào hiến đất làm đường luôn là một trong những phong trào tiêu biểu của huyện những năm qua. Có được những kết quả này là nhờ sự tuyên truyền, vận động của các ban, ngành, đoàn thể, địa phương. Cùng với đó, chính quyền các cấp luôn đặt quyền lợi của người dân lên trên hết, mọi công trình phải được thi công và đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của chính nhân dân, những người sẽ được thụ hưởng từ những công trình đó mang lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lan tỏa phong trào hiến đất làm đường