Từ làng lúa tới làng hoa...
Cụ Nguyễn Văn Tửu - một bậc cao niên của làng hoa cho biết, Tây Tựu xưa có tên là làng Đăm, nghề trồng hoa ở đây được hình thành từ năm 1930 nhưng phải đến đầu những năm 90, người dân mới bắt đầu tập trung trồng hoa và coi đó là nguồn thu nhập chính. Những cây hoa đầu tiên được đưa về trồng thí điểm thay cho loại cây trồng truyền thống như lúa, cà chua, dưa lê... thấy hoa phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng lúa, người dân Tây Tựu chuyển đổi sang trồng hoa. Cứ thế, làng hoa ven đô hình thành rồi phát triển. Giờ đây, hoa Tây Tựu không chỉ cung cấp cho khu vực Hà Nội mà còn mở rộng thị trường ra các tỉnh phía Bắc, phía Nam và xuất khẩu.
Gia đình bà Nguyễn Thị Nhuận ở Tổ dân phố 4, phường Tây Tựu đã có 3 thế hệ gắn bó với nghề trồng hoa. Bà Nhuận cũng là một trong số những gia đình chuyển đổi từ trồng rau sang trồng hoa thời kỳ đầu. Nhận thấy gần đây, nhiều gia đình ở miền Bắc chuộng hoa ly trong những ngày Tết bởi loài hoa này bền màu, giữ hương, có sức tiêu thụ mạnh nên gia đình bà Nhuận cũng như một số hộ đã lựa chọn trồng hoa ly. Vụ Tết năm nay, gia đình trồng 4 sào hoa ly và 2 sào hoa violet...
Còn gia đình bà Nguyễn Thị Yên ở Tổ dân phố 2, phường Tây Tựu trồng 2 sào thược dược, 1 sào violet. Đây là năm thứ 7 bà trồng loại hoa này. Sau mỗi vụ, gia đình bà cũng có thu nhập đáng kể. Bà Yến chia sẻ, để có được một mùa hoa đúng vụ, người trồng hoa phải thức ngủ cùng hoa, theo sát cây từng giờ bởi diễn biến bất thường của thời tiết có thể khiến cây "trở chứng" bất cứ lúc nào.
Để có hoa phục vụ nhu cầu những ngày Tết, ngay từ đầu tháng 10 âm lịch, người dân nơi đây đã bắt đầu chuẩn bị mùa hoa Tết. Đặc biệt, khi bước sang tháng Chạp, nhịp độ làm việc càng nhộn nhịp hơn, từ việc tưới nước, chăm sóc cho hoa, bảo đảm hoa phát triển đúng độ, nở đều và đẹp đúng ngày Tết. Hiện, toàn bộ diện tích hoa đều sinh trưởng, phát triển rất tốt, cây khỏe, nụ mập, bông to...
...hướng tới vùng hoa công nghệ cao
Theo Chủ tịch UBND phường Tây Tựu Đặng Văn Phi, trước đây, ở Tây Tựu, nông dân chủ yếu trồng các loại hoa thông thường như: Hồng, cúc, loa kèn, lay ơn... thì đến nay, nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư vốn, đặt mua thêm giống hoa mới, ứng dụng kỹ thuật cao vào sản xuất, đem lại giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng. Bên cạnh đó, nông dân không ngừng học hỏi ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao như nhà màng, nhà lưới... vào trồng hoa. Nhiều giống hoa mới trước đây phải nhập khẩu và chỉ phù hợp với một số địa phương thì nay các giống hoa ấy được người dân Tây Tựu trồng đại trà trên vùng đất quê hương và đạt năng suất, hiệu quả kinh tế cao.
Trưởng phòng Kinh tế quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Văn Ngà chia sẻ, cũng như một số địa phương trên địa bàn quận, Tây Tựu đang trong bối cảnh đô thị hóa, do đó, để duy trì, phát triển nghề truyền thống trồng hoa từ lâu đời, quận và thành phố hướng tới xây dựng vùng hoa chất lượng cao tại đây. Về phía quận Bắc Từ Liêm cũng rất quan tâm quy hoạch Tây Tựu thành vùng trồng hoa, cung cấp hoa tươi cho Thủ đô Hà Nội và địa phương lân cận.
Nếu như trước đây, "Nhất Mễ Trì, nhì Tây Tựu" là để nói về sự khó khăn của vùng đất thuần nông này, thì nay mọi việc đã khác, nhờ trồng hoa mà đời sống người dân được cải thiện rõ nét. Nghề trồng hoa đã đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho người dân.
Song, để bảo đảm nghề trồng hoa phát triển bền vững, chính quyền địa phương cần tiếp tục mở các lớp tập huấn, đào tạo cho nông dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo quản hoa, triển khai các mô hình trồng hoa mới hiệu quả cao; vận động nhân dân trồng các loại hoa chất lượng tốt... Hiện, Tây Tựu đang từng ngày đổi mới với những ngôi nhà cao tầng khang trang, hạ tầng luôn được đầu tư cải tạo, xây mới sạch đẹp... Người Tây Tựu ngày càng tự hào với nghề truyền thống, bởi nghề trồng hoa đã biến không ít nông dân "chân lấm tay bùn" thành ông chủ lớn. Cùng với nhiều vùng trồng hoa trên địa bàn cả nước, người dân Tây Tựu càng tự hào hơn khi góp phần mang mùa xuân tới mọi nhà.