Lê Minh "hát" cùng sông Hồng
Sau rất nhiều tác phẩm in chung, cuối cùng Lê Minh cũng có cuốn sách cho riêng mình. “Sông Hồng hát” (NXB Văn học, 2023) là tuyển tập 32 tản văn của anh đã đăng tải trên nhiều tờ báo, tạp chí.
Trong lời giới thiệu đầu sách, nhà văn Hồ Huy ví von Lê Minh là “người viết tản văn như tình ca” và cuốn “Sông Hồng hát” chính là “bản tình ca tràn đầy dư vị châu thổ mà một người con xa xứ gửi về tặng quê hương”. Lê Minh quê ở Gia Lâm, Hà Nội, nhưng phiêu bạt xứ người đã mấy mươi năm. Nên “Sông Hồng hát” chứa đầy hoài niệm của anh về quê nhà. Là ký ức ngọt ngào nơi căn nhà xưa in đầy dấu chân của mẹ. Nơi ấy có khu vườn xanh ngời màu lá luôn líu ríu tiếng chim trong nắng mới. Và cả tiếng cười trong veo của một thời trẻ dại mà ấm êm trong vòng tay thân thương của mẹ, của bà.
Quê hương là nơi lưu giữ những hương vị ngọt lành mà dẫu xa bao lâu vẫn còn đậm mãi trong tâm tưởng. Nơi đó, làn gió ban trưa cũng trở nên thơm lành bởi vì ngang qua vùng đất mẹ. Miếng sắn, miếng khoai thuở cơ hàn cũng dậy lên vị mật ngọt của hương quê. Bởi dù ở nơi đâu, người ta đi có bao xa lòng vẫn vấn vương hướng về quê xứ cội nguồn. Bởi mùi khói bếp, mùi rơm rạ, mùi trên tóc trên áo của bà của mẹ đậm vị mồ hôi mà nuôi ta khôn lớn thành người, dung dưỡng tâm hồn ta những thương yêu tròn trịa.
Ở “Sông Hồng hát”, tác giả nhắc nhiều về Hà Nội với một tình yêu đầy day dứt và tiếc nuối khi phải rời xa. Hà Nội hiện ra trong văn Lê Minh là một Hà Nội yên bình và nên thơ. Sự trầm lắng, sâu hun hút của Hà Nội lúc chiều buông hay khi đêm về, giữa ngày nắng hay lúc mưa chiều qua phố đều khiến lòng người đọc rung lên xao xuyến. Những lúc lang thang giữa lòng Hà Nội, chợt thấy tình yêu Hà Nội như thấm sâu vào từng mạch máu để rồi ngân lên những bản hoan ca rộn rã giữa đất trời.
Tản văn của Lê Minh không chỉ có ngôn từ đẹp mà còn luôn rung lên những giai điệu quyến rũ đầy cảm xúc. Trong tản văn "Sông Hồng hát", cũng là tên tác phẩm được tác giả dùng để đặt tên cho cuốn sách, dòng cảm xúc của Lê Minh khi thì thủ thỉ như mạch nước ngầm, lúc lại cuồn cuộn như dòng sông tuôn chảy suốt ngày đêm, qua tháng năm, qua thăng trầm dâu bể không bao giờ vơi cạn: “Khi hạt phù sa bật khóc, là lúc con vừa rời lòng mẹ. Đỏ hoe như bùn non, nhuốm phù sa sông Hồng. Từ đáy sông, con mang trong mình cuộn trào, những khao khát và cả những ngọt ngào của dòng sông đang hát. Cho con thêm hiểu, nghìn năm đất Thăng Long lịch sử, mang đắng cay, ngọt bùi hòa quyện với vị nồng của biển. Từ ngàn năm vẫn thế, muôn đời vẫn thế, cứ reo ca sông Hồng, bồi đắp thêm mãi, thêm mãi phù sa để bốn mùa trù phú, thêm tươi thêm tốt. Trời cao luôn bận xanh trong, sông Hồng khôn nguôi thôi chảy. Ngân vang khúc hát yêu thương quê hương mình, ngân mãi như lòng mẹ yêu con”. "Sông Hồng hát", đó là bản hòa ca gói trọn những yêu thương thẳm sâu trong lòng người viết. Những yêu thương tự hào, những nhung nhớ bời bời ấy len vào tâm khảm người đọc với sự rung động vô hạn trong tâm hồn.
Lê Minh hiện sống và làm việc tại Đức, nhưng hoạt động văn chương rất sôi nổi ở Việt Nam. Các tác phẩm của anh được đăng đều đặn ở các báo, tạp chí từ trung ương đến địa phương. Không chỉ được trao giải thưởng văn học, nhiều tác phẩm của Lê Minh còn được sử dụng làm ngữ liệu để giảng dạy, và đưa vào đề thi học sinh giỏi, đề thi kết thúc môn học ở bậc cao đẳng, đại học.