Xưa và nay

Lễ phẩm thờ Thành hoàng làng

Đặng Thiêm 05/01/2024 - 07:52

Dân ta có phong tục - tín ngưỡng thờ Thành hoàng từ bao giờ? Thật khó trả lời chính xác. Chỉ biết rằng thời Lý - Trần vẫn chưa thấy nói tới đình với nội dung thờ Thành hoàng mà chỉ thấy nói đến chùa thờ Phật.

Ngay cả trong thơ văn Nguyễn Trãi và vua Lê Thánh Tông - hai tác giả nổi tiếng, vịnh cảnh rất nhiều - cũng không thấy bóng dáng của đình làng.

thanh-hoang.jpg
Dâng rượu, nước lên Lục vị thành hoàng trong Lễ hội làng Bát Tràng (huyện Gia Lâm). Ảnh: Linh Tâm

Chỉ đến thời Lê Trung hưng, thời Lê - Trịnh (1533 - 1788), trong Bộ Lễ đã đặt chức quan Quản giám bách thần viết thần phả, soạn sắc phong Thành hoàng cho từng thôn, ấp phụng thờ. Rõ rệt nhất là Thượng thư Nguyễn Bính từng soạn rất nhiều thần phả, có tài liệu nói là vào niên hiệu Hồng Phúc (1572) đã thấy xuất hiện. Thời này, đình làng xây dựng khắp nơi. Những ngôi đình lớn, cổ nhất hiện còn đều được xây dựng từ thế kỷ XVI.

Ở Trung Hoa, thơ Đường, Tống, Nguyên lác đác có nói tới đình nhưng đó chỉ là nơi để dừng chân nghỉ ngơi chứ không phải để thờ ai. Chỉ đến triều Minh, qua "Truyện Kiều" của cụ Nguyễn Du, “Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh” (1522 - 1571), gặp lời khấn của Bạc Hạnh: “Bạc sinh quỳ xuống vội vàng/ Quá lời nguyện hết Thành hoàng thổ công” mới khẳng định được có tín ngưỡng đó. Thời Minh ngang với thời Hậu Lê của ta.

Nếu suy luận đó là có cơ sở đáng tin cậy thì việc thờ cúng Thành hoàng làng ở ta cũng đã trải qua trên dưới năm thế kỷ, và đã trở thành nền nếp, phong tục, tín ngưỡng của mọi làng. Các vị Thành hoàng dù xuất thân cao sang hay dân thường, dù có quan tước hay là những người có công với nước, với dân, ít nhất cũng là của một làng. Sinh thời, các ngài đều tài cao, trí sáng khác thường, đức độ hơn người, một lòng cứu nhân độ thế, hoặc ra sức đánh giặc bảo vệ non sông, hoặc mở mang bờ cõi, khai phá ruộng đồng, dạy dân nghề nghiệp, giáo hóa lễ nghĩa, giữ gìn thuần phong mỹ tục...

Thường mỗi làng thờ một vị Thành hoàng, nhưng cũng có làng thờ nhiều hơn thế. Điển hình như đình Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) thờ Lục vị thành hoàng. Dù nhiều dù ít nhưng các vị đều rất được dân làng sùng kính, tin tưởng. Mỗi năm hai lần (xuân thu nhị kỳ) lễ vật dâng các ngài đều là những thứ quý giá nhất, thể hiện tấm lòng thành của dân làng. Hầu như ở tất cả mọi nơi, đồ chay đều là: “Hương hoa quả phẩm, phù lưu thanh chước”, tức là hương, hoa, chuối, oản, trầu, rượu. Về đồ mặn thường là “suy trư - suy kê” (xôi sỏ lợn - xôi gà).

Những lễ phẩm này vừa thể hiện tấm lòng thành kính của người dân, vừa mang nhiều ý nghĩa. Trước hết, nén hương thể hiện tấm lòng thơm thảo, thẳng ngay, son thắm. Làn khói nhè nhẹ bay lên như dâng lòng thành kính, ước vọng, tưởng nhớ huân công (công lao to lớn rực sáng) của người dân lên thánh. Tiếp đó là hoa. Hoa là đẹp, là sản phẩm quý giá của Mẹ Đất. Hoa dâng thánh phải là hoa ngào ngạt sắc hương, thanh khiết như hoa huệ trắng trong, thơm xa, càng xa càng ngát. Hoa sen “nhị vàng bông trắng lá xanh”, sắc bền, hương dịu; hoa cúc vàng thắm sắc thu, coi thường sương tuyết. Các loài hoa có sắc mà không có hương, không dùng; hoa nhài hương sắc đó, nhưng nở về đêm mờ ám, không dùng; hoa quỳnh hương sắc đó, nhưng vừa nở đã khép, e lệ như con gái đàn bà, sao được vào đình?

Quả là kết tụ đất trời và đại diện cho kết quả của mọi việc. Quả dâng thánh, đầu vị là chuối, chuối đẹp hình, đẹp sắc, thơm hương, ngọt vị. Chuối là thứ quả chỉ để dâng hiến, không dành giống cho riêng mình. Oản là gạo nếp, thứ gạo ngon nhất, nguyên chất, đóng khuôn, không thêm thứ gì dù chỉ là chút muối. Trầu - đầu vị lễ nghi từ ngàn đời, từ thuở ban đầu dựng nước và đã thành phong tục truyền thống, biểu tượng của son sắt thủy chung. Rượu là tinh hoa của hạt gạo đồng quê, ngọc thực quý giá nuôi sống con người. Đã thành nguyên tắc: “Phi tửu bất thành lễ” ("Không có rượu không thành lễ").

Đó là chay tịnh. Còn lễ mặn? Trước hết là xôi. Xôi dâng thánh phải là xôi trắng, tinh khôi nếp cái hoa vàng, thơm ngon đệ nhất. Xôi mặn mà bởi xóc thêm chút muối trước khi đồ chín. Thịt là thực phẩm cao cấp, sang quý ngày xưa. Nói thịt là nói thịt lợn - đại diện tiêu biểu đến nỗi không cần phải nhắc đến bò, gà, dê, ngỗng... Ăn cơm với thịt là ăn sang. Thịt dâng thánh là sỏ lợn, bao giờ cũng kèm theo cái đuôi. “Nhất thủ nhì vĩ”, đầy đủ vẹn toàn, trân quý. Nếu dâng gà, phải là gà trống hoa, bởi vật hiến tế đó có đủ năm đức quý: “Nhân, nghĩa, trí, dũng, tín” như ước nguyện làm người.

Chung nơi nơi là như thế. Còn riêng thì phong phú vô cùng, không sao kể hết được bởi mỗi nơi mỗi vẻ của sự kính thành trước thánh. Hoặc ghi sâu cuộc sống thanh bạch, đạo cao thanh khiết của ngài như lễ rước Đốn cúng toàn cỗ chay ở làng Bặt (xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa). Hoặc kỷ niệm những việc ngài đã làm cho nước cho dân như ở hai thôn Nội Xá và Thái Bình (xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa). Hoặc dâng những thứ yêu thích của thánh lúc sinh thời như món nộm giá ở thôn Đình Tràng (xã Dục Tú, huyện Đông Anh)...

Tất cả đều sáng lên tấm lòng hiếu nghĩa trung hậu của người sau theo đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Gốc thiện là đây. Nguồn sức mạnh cũng từ đây. Mở nước, giữ nước bao giờ chẳng cần như thế!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lễ phẩm thờ Thành hoàng làng