Mùa đông không lạnh
“Xe Lạng Sơn về..., xe Lạng Sơn về...”. Tiếng nhao nhao vọng lên từ chỗ cánh xe ôm đang tụ thành nhóm.
Ông Thuần kéo cái áo mưa mỏng cố che phần đuôi xe cho khỏi ướt. Chiếc mũ bảo hiểm mất lưỡi khiến ông như đang ụp một cái nồi cơm điện trên đầu. Hai tay ông giữ chặt tay ga của chiếc xe Wave cũ kỹ, mắt ngóng theo dòng người ùa ra. Mấy bà mấy chị ăn mặc sang trọng leo vội lên taxi. Vài người đi nhanh về phía bến xe buýt. Số còn lại lễ mễ bê vác, ngơ ngác dưới làn mưa bụi. Đám xe ôm ào tới: “Về đâu anh ơi”... Tiếng hỏi giá, tiếng trả lời. Tiếng kỳ kèo chê đắt. Tiếng chửi thề...
Ông Thuần kiên nhẫn đứng ở một góc chờ đợi. Tranh giành liệu có gì hơn, anh em hằng ngày giáp mặt nhau, mình ăn miếng cơm cũng nên chừa cho người ta miếng cháo. Suy nghĩ ấy khiến ông thiệt thòi. Ông luôn là người vớt vát những khách hàng cuối cùng hoặc khách trả rẻ quá chẳng ai đi. Ừ, thì cũng tại ông người ngoại tỉnh, tại ông lành, ông đụt... Họ nghĩ gì kệ họ. Bù lại ông có một số khách quen quý cái tính thật thà chất phác của ông. Nhờ thế mà ông có thêm chút tiền lo cho người vợ bệnh tật và hai đứa nhỏ đang tuổi ăn, tuổi học ở quê.
Gần một năm trước ông nhận quyết định nghỉ hưu, đang loay hoay không biết làm gì để có thêm thu nhập thì thằng Lân cháu ruột ông trọ học trên Cầu Giấy bảo chú lên ở cùng. “Chú cứ mang cái xe cà tàng này ra đứng ở bến, kiểu gì cũng có việc”. Vậy là đi. Thằng Lộc, con Xuân đã biết phụ mẹ lo việc đồng áng. Ông cố gắng làm lụng để vợ có cơ hội được đặt cái stent vào động mạch vành. Bác sĩ nói phải ba chiếc phủ thuốc mới đủ. May có bảo hiểm đỡ phần nào, nhưng còn khoảng 50 triệu nữa gia đình phải lo. Nghe đến số tiền mà vợ chồng chỉ biết nhìn nhau ngậm ngùi.
***
Hôm nay mưa gió ế ẩm, khách quen cũng chẳng thấy đâu. Thời buổi xe công nghệ lên ngôi, thành ra đám xe ôm truyền thống như ông cứ dài cổ mà chờ. Vậy nhưng nhất định ông không a dua mua bộ quần áo màu xanh giả làm đồng phục xe công nghệ. Làm thế, ông thấy nó cứ điêu điêu... Cái lạnh theo những hạt nước li ti luồn qua cổ, thấm xuống lưng. Khách thưa thớt dần. Tiếng thở dài khẽ trượt theo gió.
- Bác ơi! Đến chân cầu Chương Dương giá bao nhiêu vậy?
Giọng nói run run từ phía sau khiến ông giật mình quay lại. Một phụ nữ trung tuổi, dáng gầy gò trong chiếc áo đen sờn bạc. Tay ôm một bao tải to trước ngực, hai vai lỉnh kỉnh túi vải, túi thổ cẩm, túi nilon, ánh mắt mệt mỏi hướng về phía ông chờ đợi. Ông nhẩm tính, đến đó cỡ 12km, vị chi khoảng 75 ngàn. Nhìn người đàn bà lam lũ, ông khoát tay: “Tôi lấy 70 ngàn, chị lên xe tôi chở”.
Người đàn bà cúi đầu ngại ngùng. Lại không có tiền đây mà. Ông Thuần tặc lưỡi nói nhanh.
- Thôi muộn rồi, chị trả tôi bao nhiêu cũng được. Lên xe đi!
- Dạ, em cảm ơn bác.
Đưa mũ và áo mưa cho người đàn bà, ông Thuần đỡ mấy cái túi lùng bùng. Sao nặng thế, cả bát đĩa xoong nồi cơ à? Người đàn bà lí nhí không rõ lời, khư khư ôm cái bao nhìn ông loay hoay móc đám túi vào cổ xe. Chẳng còn chỗ cho cái túi thổ cẩm, ông đành nhét vào trong cốp.
- Bao tải này đựng gì vậy?
- Dạ... chăn bông ạ!
Người đàn bà lập cập nói rồi leo lên xe. Chiếc xe rì rì nổ máy, lướt vào màn mưa dày đặc. Phố đã lên đèn, đường loang loáng nước, gió thông thốc vỗ mặt.
- Chị lên đây ở hay sao mà nhiều đồ thế?
Ông Thuần bắt chuyện. Như nhận ra ông là người đáng tin, người đàn bà bỗng sụt sùi. Gia đình bà ở trên biên giới, sống bằng nghề chăn nuôi, trồng trọt. Nhẽ cũng chẳng đến nỗi nào nếu chồng bà không mắc ung thư dạ dày. Vườn tược phải bán dần để lên chữa trị ở Bệnh viện K. Do phải xạ trị và sắp tới sẽ phẫu thuật cắt một phần dạ dày, tốn kém nhiều nên bà tranh thủ về bán nốt lứa lợn giống và đàn dê để mong cứu được chồng.
- Em bán vội nên bị ép giá. Giờ nhà chẳng còn gì. Có hai đứa con gái học dở phổ thông thì theo người ta đi làm công nhân tận miền Nam, lâu lâu mới dành dụm được vài đồng gửi về cho bố mẹ, chả đáng là bao. May ở đây em có người quen cho mượn cái lều ngoài bãi sông, lấy chỗ vừa chăm chồng vừa làm thêm, kiếm được đồng nào hay đồng ấy...
Người đàn bà nấc nghẹn, giọng khản đặc trong giá lạnh. Ông Thuần thở dài. Sao cám cảnh đến vậy? Đời ông đã vất vả, nhưng từ khi làm nghề này ông gặp không ít hoàn cảnh éo le, trái ngang. Biết thế nào được, âu cũng là số phận.
Tiếng chuông điện thoại vang lên. Chắc khách đặt cuốc xe ngày mai đây mà. Ông Thuần giảm ga rồi dừng bên lề đường.
- A lô, tôi nghe!
- Anh Tuân đây! Thím Hòa hôm nay kêu khó thở quá, anh vừa phải đưa lên cấp cứu ở Bệnh viện Tim Hà Nội. Tình trạng rất nặng, bác sĩ bảo phải mổ. Anh đi gấp, tiền không có, điện thoại hết pin giờ mới gọi được cho chú. Chú xem mang tiền vào làm thủ tục mổ chú nhé!
Ông Thuần rụng rời, lắp bắp:
- Vâng! Anh... anh trông hộ nhà em ở đó. Em về thu xếp rồi đến ngay!
Chiếc xe tăng ga đi nhanh hơn bình thường. Mưa nặng hơn, táp vào mặt. Người đàn bà như hiểu có chuyện nguy cấp liền níu áo ông: "Bác cho em xuống chỗ này cũng được". Ông Thuần vờ không nghe thấy, vẫn cố luồn lách qua dòng người. Đến chân cầu Chương Dương, ông hỏi: “Nhà chị ở chỗ nào?”. Bà kia bảo: “Bác cứ thả em ở đây là được rồi”, rồi bà kéo khóa túi áo khoác lấy ra mấy tờ tiền. Ông Thuần vừa tháo mấy cái túi đưa cho bà ta vừa xua tay: "Tôi giúp chị thôi. Mong anh nhà chóng khỏe. Chị thông cảm, tôi có việc phải đi, không đưa chị về tận nơi được". Nói rồi ông vội quay xe trong ánh nhìn đầy hàm ơn của người đàn bà nọ.
***
“Khoảng năm mươi triệu!”. Lời của vị bác sĩ vẫn văng vẳng trong tai ông Thuần. Hơn nửa năm qua ông chắt bóp nhịn ăn nhịn tiêu mới được hai mươi triệu, cộng với mười triệu vợ chồng dành dụm từ trước, vậy số còn thiếu biết tìm đâu ra?
Chiếc xe đỗ trước phòng trọ. Thằng Lân chạy ra:
- Bố cháu vừa cho cháu biết tình hình. Chú ăn cơm rồi vào viện với thím.
Ông Thuần gật đầu rồi dựng xe vào mái hiên. Lúc mở cốp lấy cái ví đựng giấy tờ, ông bỗng khựng lại, cái túi thổ cẩm vẫn nằm im trong cốp. Thôi chết, vì vội vàng mà ông quên trả túi cho người ta. Cầm cái túi trên tay, một khối vuông vuông bọc báo khiến ông nghi ngờ. Khi đã vào nhà, ông Thuần cẩn thận dỡ từng lớp báo. Những đồng tiền cũ mới xếp đều chằn chặn. Đếm đi đếm lại, sáu mươi tám triệu chẵn. Thằng Lân rú lên:
- Giời thương rồi chú!
Nhưng nó bỗng cụp mắt xuống khi gặp ánh nhìn nghiêm khắc của ông Thuần.
- Đây là tiền cứu một mạng người đấy con ạ. Không phải trên trời rơi xuống đâu. Mình khổ một, họ khổ mười.
- Chú... Trời đất bao la, biết tìm họ ở đâu?
Thằng Lân cố bật lại với lý lẽ trong đầu.
- Mày ngu thật, thế mà cũng đòi học làm thầy. Cất ngay vào tủ cho chú.
![minh-2.jpg](https://hnm.1cdn.vn/2025/02/06/minh-2.jpg)
Ông Thuần gắt lên. Sao thằng cháu ông lại có cái suy nghĩ tham lam, thiển cận như vậy. Ông sợ những suy nghĩ này đóng vảy trong đầu bọn trẻ, làm hỏng một con người. Bực mình, ông ngồi vào bàn lùa vội bát cơm, dù sao vẫn phải ăn để lấy sức.
***
Ông Thuần hết nhìn tờ bệnh án treo đầu giường rồi lại nhìn vợ thiêm thiếp trong đống dây dợ. Trên màn hình điện tâm đồ những bước sóng lên lên xuống xuống báo hiệu cơ tim đang chịu nhiều áp lực. Biết không thể chần chừ, ông chạy nhanh ra ngoài hành lang, nơi ông Tuân đang ngồi gà gật. Rút ra xấp tiền, ông Thuần nói.
- Chỗ này là hai mươi triệu, anh làm thủ tục hộ em. Giờ em về quê lo nốt số thiếu.
- Chú... Đêm hôm mưa gió thế này...
- Thì vẫn phải về chứ anh. Cứ chần chừ, có khi mình hối không kịp.
Nói rồi ông Thuần lao nhanh vào đêm tối. Quãng đường hơn năm chục cây số, gió hun hút như muốn hất cả người và xe xuống vệ đường. Người quê ông nghèo, quanh năm chỉ trông vào mấy sào ruộng, nhưng nghĩa tình ăm ắp. Vài triệu, chục triệu thì khó, nhưng vài trăm ngàn chắc chắn họ có. Ông vốn được làng xóm quý mến. Trước đây ông chưa dám hỏi vay ai lấy một đồng vì nghĩ trông vào đâu để trả. Còn bây giờ, ông tự tin với công việc của mình, sớm hay muộn sẽ trả được.
Mười sáu triệu là số tiền bà con họ hàng gom góp giúp vợ chồng ông. Chỉ còn thiếu chút ít nữa vợ ông sẽ được mổ. Nhìn ông chạy xe từ quê lên, qua một đêm không ngủ, mặt mũi phờ phạc, thằng Lân liền rón rén nói:
- Hay chú mượn tạm của người ta. Tháng sau mình trả chứ mình có lấy đâu.
- Để yên đấy!
Ông Thuần quát to rồi bỏ đi, lúc sau quay về hớn hở kêu: "Đủ tiền rồi!". Hóa ra ông đi vay mấy ông bạn cùng nhóm xe ôm.
***
Ca mổ của vợ thành công là ông Thuần lao vội đến Bệnh viện K. Suốt mấy ngày chầu chực mà không thấy người đàn bà kia xuất hiện, làm ông áy náy vô cùng. Ông lại ra bãi sông. Mùa này nước cạn, người cần tìm vẫn không thấy bóng. Đang thất vọng bỗng ông nhận ra người đàn bà, dáng ngồi như hóa đá bên bờ sông. Thấy ông, ánh mắt lạnh lẽo bỗng sáng bừng, nước mắt nghẹn ngào mãi chẳng thành tiếng. Vậy là chồng bà có cơ hội sống rồi...
Ông Thuần nhìn theo cái bóng lam lũ, vội vàng. Gió vẫn lộng từng cơn, nhưng trong lòng ông, mùa đông này không lạnh...