Ngõ nhỏ có hoa đào
Tết đã qua, không khí xuân vẫn chộn rộn trong ngõ. Những chậu quất, chậu đào bên đường vẫn khoe từng chùm quả vàng trĩu trịt, từng cánh hoa phớt hồng như cố giữ chút hơi ấm ngày đầu năm.
Trong căn nhà cuối ngõ, ông Lý ngồi lặng lẽ bên cây đào dáng rồng bay. Hoa đã thưa thớt, cành đã se sắt, lác đác nụ nhỏ nở muộn. Cây đào ghép ấy với ông là cả khoảng trời đầy vơi kỷ niệm.
Mùng 6 Tết, bé Nhã Linh bên hàng xóm tíu tít chạy qua. Nhã Linh mười tuổi, nhỏ nhắn, đôi mắt đen láy, trong veo, mái tóc được buộc gọn gàng cài chiếc nơ hình tai thỏ, rung rinh theo nhịp chạy nhảy. “Ông ơi! Hôm nay nhà cháu dọn dẹp, mẹ bảo bố đem chậu quất xếp ra ngõ như mọi người, chờ các bác lao công mang đi. Cây còn đẹp lắm, sao phải bỏ hả ông?”. Ông Lý thoáng cười buồn: “Người ta chơi Tết xong thì bỏ. Xem như cây cối đã xong nhiệm vụ rồi, hết giá trị, có để cũng khó sống tiếp”. Linh lại thắc mắc: “Thế sao cây đào của ông còn mãi đấy?”. Ông Lý hơi khựng lại, rồi khẽ nói: “Không phải của riêng ông, cây này là của ông bà. Bao cái Tết qua đi, bà cũng đã đi xa, cây vẫn sống, vẫn ở đây với ông cháu mình”.
Cây đào ấy được ông bà Lý trồng ở một góc sân. Mỗi Tết đến điểm xuyết hoa thắm đỏ. Hai người con của ông đều đi du học, lập nghiệp ở nước ngoài. Ông đã già, tóc bạc trắng, vẫn cần mẫn chăm sóc cây bằng tất cả sự tận tụy, nghiêm cẩn. Chưa kể, cây đào còn đặc biệt ở chỗ, chính do vợ ông ghép từ những mắt đào Nhật Tân. Mùa đông rét căm căm thuở xa xưa ấy, cây đào tưởng không trụ được, thế mà bền gan vững chí, khỏe khoắn vươn lên dáng rồng bay rất thăng hoa.
Nhã Linh có tình yêu đặc biệt với cây đào của ông bà Lý. Xuân nào cô bé cũng tò mò, khấp khởi sang ngắm hoa, đếm hoa đếm nụ, đoán xem nụ này, nụ kia bao nhiêu ngày nữa sẽ nở. Năm nay, dù hai ông cháu tuốt lá đúng cữ, đào vẫn nở muộn hơn, cánh hoa không còn thắm tươi. Báo đài thông tin về hiện tượng biến đổi khí hậu, rằng mùa đông không còn đủ lạnh để đào ngậm chồi, ngậm nụ như trước, và xuân cũng chẳng còn đúng tiết như xưa. “Chả biết ít năm nữa cây cối sẽ ra sao”, ông rủ rỉ chuyện. Nhã Linh chưa hiểu lắm, nhưng thấy ông buồn, đôi mắt to tròn đen láy của cô bé cũng hấp háy buồn theo: “Nếu không có đào, Tết của ông có khác đi không?” - cô bé tò mỏ hỏi. “Ông cũng không biết nữa, ông chưa từng nghĩ đến điều này” - giọng ông Lý pha chút ngậm ngùi.
***
Ông Lý được thông báo từ tổ dân phố, rằng con ngõ sẽ bị giải tỏa để xây dựng một công trình mới. Ông không quá ngạc nhiên bởi đã xem quy hoạch bấy lâu. Vậy mà khi đọc thông báo chính thức, ông vẫn cảm thấy như một phần nào quan trọng, gắn bó sắp lìa xa.
Chiều xuân, một người đàn ông lạ mặt đến, hỏi mua cây. “Con trả ông 50 triệu. Con định trồng nó trong căn biệt thự mới tậu, sẽ rất hợp ông ạ!” Nghe xong, ông càng lặng lẽ, ôn tồn mời khách: “Cậu cứ vào nhà thưởng trà đã, chuyện đâu có đó”. “Thôi thôi, bán hay không ông cứ nói một lời, con vội lắm ông ạ!”, khách hớt hải thúc giục.
Hôm sau nữa, chính Nhã Linh chỉ dẫn nhà ông cho đôi vợ chồng trẻ, chồng là họa sĩ, vợ đang mang bầu. Họ nghe nói về cây đào của ông đã lâu, tha thiết muốn mua, mang về trồng ở khu vườn ngoại thành. “Chúng cháu sẽ chăm sóc cẩn thận để mỗi mùa xuân đào lại nở hoa”. Ánh mắt ông le lói hy vọng nhưng vẫn lặng người đi. “Tôi thì cứ sợ không hợp đất, nó đã quen quá với nơi này”, giọng ông trầm buồn, chậm rãi. “Ông yên tâm ạ, chúng cháu rất yêu cây cối”. Ông ngẫm ngợi, ánh mắt dừng lại ở Nhã Linh, cô bé đang nhìn cây đào không chớp. Rồi ông thầm nhớ về bà, về những mùa xuân cũ. Lòng ông trào dâng ký ức ngày bà vừa ẵm Nhã Linh bé tí tẹo được quấn bọc trong tã lót vừa nhìn cây đào mà nói: “Điều quan trọng nhất không phải là nơi chốn, mà là tiếp nối của sự sống”.
***
Ông Lý là một nghệ nhân ghép đào nổi tiếng. Kỹ thuật ghép của ông được truyền từ bố ông, một người trồng đào chính hiệu. Chập chững lên ba ông đã theo bố ra vườn, quan sát từng cành cây được cắt tỉa, từng mắt ghép được lựa chọn, đánh dấu, đặt cẩn thận vào gốc ghép. Tuổi thiếu niên ông đã thạo nghề, còn tập tành sáng tạo thêm những thế đào lạ. Bố ông luôn dặn dò: “Ghép đào tỉ mỉ như thêu hoa trên gấm”. Để tạo được thế đào dáng rồng bay như cây trong sân nhà, ông từng cặm cụi suốt bao năm ròng. Ông không bao giờ vội vàng chọn gốc ghép. Với ông, đó phải là những gốc đào khỏe khoắn, phải là những cành ghép của giống đào ta hồng phai, cánh mỏng như tơ lụa, bung nở đầy mạnh mẽ và khắc khoải. Khi cắt mắt, yêu đấy, thương đấy, là phải thật dứt khoát để đường cắt nhẵn, không nhì nhằng gây tổn thương dai dẳng. Chọn mắt ghép thì đích thị quá công phu. Có lúc, ông còn hình dung mắt ghép với chồi non nhỏ tí ti như đang chớp chớp với mình. Ông cắt vát ở gốc cành ghép, khẽ khàng gắn vào gốc ghép đã được chuẩn bị. “Cành ghép như đứa con đi xa, muốn nó nhận mẹ thì phải làm sao để vết thương của cả hai hòa làm một”. Lời dạy của bố bao năm qua ông tâm huyết truyền lại cho học trò. Ghép xong đâu phải đã xong hết việc. Mỗi sáng, ông tưới nước sương cho cây bằng đôi tay chai sạn. Khi nắng ửng lên, phải che chắn bằng lưới thưa để mầm non vừa nhú không bị táp. Những ngày Hà Nội rét đậm, ông lấy bao tải cũ quấn quanh gốc cây, như khoác thêm manh áo cho cây vượt qua giá lạnh. Ông tỉ mỉ dõi theo từng giọt nhựa trong veo ứa ra mà dự đoán vết thương, mà tìm cách vỗ về, chăm sóc.
Riêng cây đào trong sân nhà thì lại do vợ ông ghép. Một tác phẩm của tình yêu giữa cô tiểu thư lá ngọc cành vàng, bị gia đình ngăn cản vẫn nhất quyết làm vợ anh kỹ sư nông nghiệp trẻ. Mùa xuân, khi họ mới chuyển về con hẻm nhỏ sau ngày cưới, bà cất lời dịu dàng: “Anh dạy em ghép một cây dáng rồng bay như những cây anh trồng ở bãi ven sông nhé!”. Vợ ông cũng là người phát hiện ra những bông đào đầu tiên bung nở. Sau này, khi bố mẹ ông rời cõi tạm, dù cây đã vào thế, mỗi năm bà đều cắt một nhánh nhỏ cắm vào lộc bình, kính cẩn đặt lên ban thờ. Bây giờ, mỗi lần ngắm cây ông lại nhớ lời bà và cảm nhận bà như vẫn hiện diện quanh đây, cạnh những cánh hoa đào hé nở dịu dàng, e ấp.
***
Ông Lý từng nhiều lần trầm ngâm trước cây đào, tự hỏi liệu việc ghép đào có trái với lẽ tự nhiên không. Bao năm qua, người ta vẫn chưa hết bàn tán về câu chuyện ấy. Người ta cho rằng đó là cách “ép” cây phải nở hoa theo ý con người. Có lần, Nhã Linh cũng tò mò hỏi: “Cháu thấy người ta bảo ghép đào là làm khó cây. Sao mình không để cây tự lớn, tự nở hoa như nó vốn có ạ?”. Ông Lý không vội trả lời. Ông lấy khăn lau nhẹ lên từng vết ghép đã liền sẹo. Đôi mắt ông ánh lên vẻ đăm chiêu, rồi từ tốn giảng giải: “Cháu nói thế cũng có lý, nhưng hãy thử nghĩ xem, trong tự nhiên, cây cối cũng phải vật lộn với mọi thứ để sinh tồn. Gió quật ngã, sâu bọ ăn lá, mưa bão làm bật rễ... Tự nhiên cũng khắc nghiệt lắm. Ghép đào không phải là bắt cây làm điều nó không muốn, mà là mình giúp nó tìm một con đường khác để sống, để đẹp hơn, mạnh hơn”. Ông dừng lại, rồi chỉ vào một cành đào ghép đang nở hoa: “Cành đào này, nếu để ở cây cũ, có lẽ nó đã chết từ lâu vì gốc mẹ bị bệnh. Nhưng khi ghép vào gốc mới, nó được tiếp sức sống, nó vẫn có thể nở hoa. Không phải cái gì ghép cũng đều trái tự nhiên, đó có thể sự dung hòa giữa tự nhiên và bàn tay, tình cảm của con người”. Nhã Linh bỗng reo lên, triết lý như một bà cụ non khiến ông lão hàng xóm kinh ngạc: “A! Cháu hiểu rồi, ghép đào cũng giống như người ta tìm cách cứu một linh hồn sắp lụi tàn. Không phải ép buộc, mà là trao cho nó cơ hội thứ hai, phải không ông?”.
Bố mẹ Nhã Linh là người tỉnh xa mưu sinh chật vật ở đất này. Năm ấy, mới Tết ra, Nhã Linh mới hơn tháng tuổi, mẹ con bé đã ẵm sang gửi ông bà. Từ khi còn rất nhỏ Linh đã quen với những buổi chiều ông bà đón ở cổng trường, thay bố mẹ. Cô bé nhớ những buổi tối, khi bố mẹ cô đi làm khuya, ông bà vẫn thức, dạy Linh học bài, kể cho cô nghe bao câu chuyện cổ tích. Ông bà không chỉ yêu thương, bao bọc mà còn dạy Linh nhiều bài học giản dị mà quý giá. Bà Lý hồ hởi dạy Linh cách nấu những món ăn ngon, cách chăm sóc từng chậu hoa mười giờ nho nhỏ. Ông thì hay bảo: “Cây cối cũng như con người, cần được yêu thương chăm sóc, mới đơm hoa kết trái”. Linh đặc biệt thích nghe bà kể về kỷ niệm xưa, mắt cô bé long lanh khi nghe bà nói cây đào chính là minh chứng cho tình yêu đầy thầm lặng mà bền bỉ giữa ông bà.
***
“Hồi ông còn trẻ, Hà Nội lạnh lắm, cắt da cắt thịt. Nhưng chính cái lạnh ấy mới làm hoa đào đẹp. Bây giờ thì khác. Cái thời của tự nhiên thuần túy đã qua, con người buộc phải tìm cách thích nghi”, ông Lý vừa tiếc nuối ngắm đào, vừa trò chuyện. Nhã Linh nghiêng đầu hỏi: “Thế ghép đào, rồi ghép mọi thứ, có làm mùa xuân đẹp hơn không ông?”. Ông lắc đầu, ánh mắt xa xăm: “Ghép chỉ là cách tạm thời, là một sự khắc phục nhỏ trong vô vàn thay đổi lớn lao”. “Thế thì chán quá ông nhỉ?”, giọng Linh pha chút chán ngán. “Quan trọng là ta cũng đã làm hết sức để giữ lại những vẻ đẹp”, ông Lý ôn tồn. Với ông, ghép đào cũng là một cách để con người giao tiếp với cây cối, với thế giới tự nhiên. Đó là một sự cân bằng tinh tế giữa việc gìn giữ vẻ đẹp của quá khứ và thích nghi với những thay đổi của hiện tại.
“Tôi trân trọng thành ý của cô cậu, nhưng tôi cần hỏi ý của con bé”, ông trìu mến ngỏ ý với đôi vợ chồng trẻ. Còn Nhã Linh đã đưa bàn tay nhỏ bé, ấm áp nắm chặt tay ông. Ông vân vi hồi nhớ: “Cây đào này đã qua nhiều mùa xuân, giờ là lúc nó bắt đầu một hành trình mới. Nhớ rằng, ghép hay chuyển dời, không phải sẽ thay đổi bản chất, mà cốt giúp nó sống tiếp. Cũng như con người, bao đổi thay, vẫn giữ được cốt cách của mình, vẫn dung nạp thêm bao điều mới mẻ”.
Cặp vợ chồng đưa cây đào rời ngõ nhỏ, để lại hai ông cháu với một khoảng sân trống trải. Mấy đêm vừa rồi ông mơ bà về, giọng bà dịu dàng mà đọng nước: “Ký ức còn, nghĩa là xuân mãi còn”. Con ngõ lại vang lên tiếng rao quen thuộc của các bà hàng hoa bán đào dăm. Những cành đào tươi mới, những nhánh đào còn chi chít nụ hoa, chồi lá khoe sức sống mãnh liệt trong mưa phùn. Ông Lý và Nhã Linh đi bộ dọc ngõ, giữa những hàng hoa, trong những tiếng rao ngọt ngào, trầm bổng. Nhã Linh ngước lên những cành đào long lanh sương mai, thổn thức ngẫm ngợi như người lớn: Tết đã qua, bao yêu thương lần lượt rời xa, mùa xuân vẫn còn mãi đó bởi nhịp sống luôn tiếp nối mỗi ngày.